| Hotline: 0983.970.780

Chuyển giao hai giống lúa OM18 và OM9577

Thứ Hai 16/04/2018 , 13:50 (GMT+7)

Viện Lúa ĐBSCL (CLRRI) vừa ký kết hợp đồng chuyển giao cho Tập đoàn Lộc Trời độc quyền hai giống lúa mới OM18 và OM9577.

Về giá trị chuyển giao, mỗi kg lúa TĐ Lộc Trời bán ra, Viện Lúa ĐBSCL thu 200 đồng; thời gian sử dụng độc quyền không quá 20 năm.

15-13-11_le_ky_ket_vien_lu_dbscl_v_td_loc_troi_-_nh_hd
Lễ ký kết chuyển giao bản quyền lúa giống

Đây là 2 giống lúa được chọn tạo và đưa vào khảo nghiệm từ năm 2011, do nhóm tác giả của Viện Lúa ĐBSCL gồm: PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa và Kỹ thuật viên Huỳnh Thị Phương Loan. Riêng giống lúa OM9577 do cố TS Phạm Trung Nghĩa là đồng tác giả.

Cả 2 giống lúa mới này đều có những phẩm chất nổi trội, phù hợp để canh tác trong cả 3 vụ, thích hợp trồng ở các vùng hạn, mặn, đáp ứng nhu cầu sản xuất gạo chất lượng cao xuất khẩu. Năm 2017 Bộ NN-PTNT đã công nhận giống lúa OM18 và OM 9577 và cho phép sản xuất thử tại các tỉnh ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ. Trước đây, Tập đoàn Lộc Trời đã mua bản quyền 4 giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL gồm: OM 5451, OM 2514, OM 2517 và OMCS 2000. Đến nay quá trình chuyển giao nhanh chóng lan rộng, trong đó vùng ĐBSCL có giống lúa OM 5451 chiếm tới 25% diện tích toàn vùng.

TĐ Lộc Trời đang sở hữu 6 trại và nhà máy SX giống với 500ha, liên kết với HTX, nông dân làm hơn 10.000ha. Lộc Trời có đủ khả năng đáp ứng cho thị trường từ 60.000 - 80.000 tấn giống/năm. Đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu, lai tạo các giống lúa thuần mới với năng suất cao, có chất lượng gạo thơm ngon, hướng đến tạo dòng thương hiệu giống lúa thuần riêng. Dự kiến đến năm 2020 sẽ cung cấp đến nông dân khoảng 10.000 tấn giống lúa thuần mang thương hiệu Lộc Trời.

Giống lúa OM 9577 được chọn tạo từ tổ hợp lai OM 6976/OM 5472, là giống lúa cao sản, ngắn ngày (TGST khoảng 100 - 107 ngày), cho năng suất cao có thể đạt 7 - 9 tấn/ha trong vụ ĐX và 5 - 7 tấn/ha trong vụ HT; có khả năng chống chịu rầy nâu, đạo ôn và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá. Giống lúa này có khả năng chống chịu mặn khoảng 4‰, tính thích nghi rộng và canh tác được các vụ trong năm. Giống OM 9577 có thể đưa vào cơ cấu canh tác để dần thay thế giống lúa đang trồng phổ biến tại vùng nhiễm mặn.

Giống lúa OM18 được chọn tạo từ tổ hợp lai OM 8017/OM 5166, là giống lúa thơm có ưu điểm nổi trội như chống chịu mặn cao ở ngưỡng 3 - 4‰, kháng sâu bệnh, nhất là kháng cao và ổn định đối với bệnh đạo ôn, năng suất cao và thời gian sinh trưởng ngắn; phẩm chất gạo tốt, cơm trắng đẹp, mềm và có mùi thơm; Mặt gạo đẹp, trong ít bạc bụng, gạo có dạng hạt thon dài (trên 7mm), tỷ lệ gạo nguyên khá (41 - 43%) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đối với ngành lúa gạo, một trong những nhiệm vụ bức thiết là phải cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất và chất lượng tốt. Tuy nhiên ở vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm cả nước là ĐBSCL đang đứng trước thách thức xu hướng nhiễm mặn gia tăng (vụ ĐX xâm nhập sớm hơn và sâu hơn) gây thiệt lớn đối với sản xuất lúa trong vùng, đặc biệt ở các tỉnh ven biển. Xu hướng này sẽ tác động tiêu cực đến năng suất cũng như tính bền vững trong sản xuất lúa. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo cũng đang đòi hỏi có thêm giống lúa chất lượng cao đưa ra sản xuất, nhằm nâng cao giá trị tăng thêm và tăng thu nhập cho nông dân.

Do đó, việc hợp tác chặt chẽ về bản quyền giữa Viện Lúa ĐBSCL và Tập đoàn Lộc Trời - một trong các DN nông nghiệp dẫn đầu sẽ giúp đáp ứng tốt nhu cầu lúa giống chất lượng cao của nông dân. Hiện Lộc Trời là một trong những đơn vị dẫn dầu trong mảng kinh doanh hạt giống, chiếm khoảng 10% thị phần lúa giống tại ĐBSCL. Bên cạnh hạt giống lúa, Lộc Trời đang phát triển mạnh các loại hạt giống bao gồm bắp lai, dưa hấu và rau màu.

Năm 2017, Lộc Trời đạt doanh thu về kinh doanh hạt giống 805 tỷ đồng (tổng doanh thu năm của Tập đoàn trong năm 2017 đạt hơn 8.982 tỷ đồng). Riêng doanh số lúa giống đạt 488 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2018, doanh số kinh doanh hạt giống đạt 974 tỷ đồng, trong đó lúa giống đạt 663 tỷ đồng, chiếm 13,2% thị phần. Đến năm 2020, Lộc Trời đặt mục tiêu sẽ chiếm 15% thị phần lúa giống của cả nước.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm