| Hotline: 0983.970.780

Chuyện hai phụ nữ "tề gia" bằng... điều lệ Đảng

Thứ Tư 03/02/2010 , 12:15 (GMT+7)

Trong ngôi nhà di tích có hai người phụ nữ đặc biệt. Họ đã dành trọn đời mình cho Đảng, cho cách mạng. Ở tuổi gần đất xa trời họ vẫn luôn răn dạy con cháu phải tuyệt đối trung thành.

Trong ngôi nhà di tích có hai người phụ nữ đặc biệt. Họ đã dành trọn đời mình cho Đảng, cho cách mạng. Ở tuổi gần đất xa trời họ vẫn luôn răn dạy con cháu phải tuyệt đối trung thành.

Người giao liên của ông Mười Cúc

Cụ Tính dẫn tôi đến nhà cụ Hoàng Thị Tích (99 tuổi), người duy nhất của cả xã Hưng Châu (Hưng Nguyên, Nghệ An) từng tham gia cao trào Xô Viết còn sống. Đó là một căn nhà cấp 4 do nhà nước xây. Huân chương độc lập Hạng ba, Huân chương kháng chiến Hạng nhất, Bằng có công với nước... chừng đó vẫn chưa đủ khi nói về người phụ nữ mà cụ Hoàng Tính, trưởng họ Hoàng ở Châu Sơn luôn miệng gọi là "làm rạng danh họ Hoàng ở Châu Sơn". 

Cụ Hoàng Thị Tích, người giao liên của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Ở tuổi 99, mắt cụ Tích đã hơi mờ, tai không còn tỏ nhưng khi nghe chúng tôi hỏi chuyện cụ vẫn vanh vách mở đầu bằng câu hết sức tự hào: "Tui từng làm giao liên cho ông Mười Cúc (cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) đó". Rồi cụ kể, không chỉ là những tháng ngày làm giao liên cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mà cả một quãng thời gian hoạt động trước đó. Từ những lần đi bộ mấy chục cây số để biểu tình, rải truyền đơn trong cao trào cách mạng 30-31, đến hai lần bị địch bắt giam ở đồn Rạng nhưng đành phải thả ra vì nhỏ quá.

Hình ảnh cô bé Tích người nhỏ thó, đen nhẻm ban đầu làm các cán bộ cách mạng ở Châu Sơn rất ái ngại mỗi lần giao nhiệm vụ. Nhưng rồi thấy việc nào bà cũng hoàn thành, thậm chí rất xuất sắc. Rồi bà cùng anh trai là Hoàng Xí được kết nạp Đảng, được vào Xứ ủy hoạt động. Cả hai người chuyển hẳn về nhà thờ họ để đảm bảo an toàn. Nhưng trong một lần bà đi công tác cùng Xứ ủy tận Quảng Bình thì ở nhà anh trai bị địch bắt và xử chém, nhà cửa ruộng vườn đều bị tịch thu. Nợ nước thù nhà càng khiến lòng quyết tâm của cụ Tích thêm cao.

Cuối năm 1940, đồng chí Nguyễn Văn Linh về Châu Sơn chỉ đạo Xứ ủy, cụ Tích được cử làm giao liên. "Hoạt động bí mật đã khổ, làm giao liên vừa khổ vừa lo. Lỡ may tài liệu lọt vào tay địch thì nguy. Mấy lần tui phải ăn sắn cố thủ 3 - 4 ngày trong núi Nhón vì địch truy lùng". Nói đoạn cụ Tích bảo người nhà mang ra một cuốn sách. Đó là cuốn Từ những căn hầm bí mật, trong đó ghi rõ: "Cụ Hoàng Thị Tích cất giấu, chuyển tài liệu, nuôi giấu đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bùi San…". Rồi cụ tự hào rằng, tất cả nhiệm vụ đồng chí Mười Cúc giao cụ đều hoàn thành xuất sắc. "Đồng chí Mười Cúc thường dặn tui rằng "mình người nhỏ nhưng ý chí không nhỏ", những lời động viên của ông luôn tiếp thêm cho tui nghị lực để bước tiếp con đường cách mạng".

Gần 70 năm trôi qua nhưng những ký ức về các lãnh tụ vẫn còn mồn một. Chính vì thế, mỗi lúc họp mặt con cháu cụ đều lấy điều lệ Đảng ra răn. Giọng nói của cụ đã nhiều lần ngắt quãng, bước đi dò dẫm nhưng vẫn đọc vanh vách điều lệ Đảng mà mỗi lần dạy con cháu cụ vẫn thường nhắc: "Phải tuyệt đối trung thành".

Cụ Tích có một người con rể là liệt sĩ Trần Đình Lược, từng công tác ở Trung ương Đoàn. Đây là người cụ thương nhất bởi hiện vợ con liệt sĩ Lược đang rất khó khăn.

Ông Chính, con trai cụ Tích bảo rằng, mấy bận ông định đi làm lại giấy tờ cho cụ Tích vì bị thất lạc khá nhiều những mong cụ được sung túc thêm cuộc sống tuổi già nhưng cụ luôn miệng bảo thôi bởi "hồi đi làm cách mạng có ai nghĩ để được đền đáp đâu". Tuy nhiên ông Chính cũng nói thêm, không phải cụ không trăn trở khi phần đông con cháu hiện đang rất khó khăn nhưng rồi lại tự an ủi rằng "làm cách mạng phải biết hi sinh".

Nữ chủ nhân hiện tại của ngôi nhà

Người phụ nữ thứ hai mà cụ Tính dẫn tôi đi tìm là cụ Vương Thị Nhị (90 tuổi), chủ nhân hiện tại của ngôi nhà của họ Hoàng. Không mang họ Hoàng nhưng cụ Nhị lại người gắn bó với ngôi nhà lâu nhất, kể từ lúc về làm vợ cụ ông Hoàng Liễn từ năm mới 17 tuổi. Sau khi cụ Hoàng Viện mất, ngôi nhà được giao lại cho vợ chồng cụ Liễn chăm nom. Đến khi cụ Liễn mất vào năm 1990, cụ Nhị làm chủ từ đó đến nay. 73 năm làm "người nhà họ Hoàng" là chừng ấy thời gian cụ Nhị hết làm hậu phương cho nhà chồng hoạt động cách mạng lại thay chồng chăm nom ngôi nhà di tích.  

90 tuổi, nhưng ngày nào cụ Nhị cũng lên chăm nom ngôi nhà di tích

Trong ký ức, cụ nhớ nhất là thời kỳ Xứ ủy Trung Kỳ chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám. "Cán bộ cách mạng về rất đông. Một mình tôi nấu ăn không xuể, phải huy động người sang các xã lân cận tìm mua rau. Huy động cả anh em đằng họ Vương nhà mình cõng cơm cõng gạo đi nuôi cách mạng". Mặc dù là người ngoài họ nhưng mỗi khi có việc lớn việc nhỏ, cụ nhị là người có uy nhất. Đợt vừa rồi khi được nhà nước hỗ trợ 50 triệu tiền chính sách, cụ dành toàn bộ vào việc tu bổ nhà thờ với lý lẽ: "Mình nghèo, nhưng phải dồn sức làm rạng mặt cha ông".

Hiện cụ Nhị sống trong ngôi nhà cấp 4 do nhà nước xây tặng nhưng thời gian chủ yếu bà sống ở nhà con gái cạnh nhà thờ để tiện chăm nom.

Cũng vì lý lẽ của cụ Nhị mà họ Hoàng có tới hơn 50% là đảng viên. Con cháu lớn lên, không đi học được thì nhất định phải xin nhập ngũ để rèn luyện, hoàn ngũ lại về làm nông. Dân làng Châu Sơn thường bảo rằng nhà họ Hoàng nhiều nhất là đảng viên và bộ đội. Cụ Nhị có 5 người con thì 2 trong số đó là liệt sĩ, số còn lại có tới 2 người là đảng viên. "Tui luôn dặn các gia đình trong họ là phải cố gắng "phổ cập" đảng viên".

 Mấy đợt đất chật người đông, xã Hưng Châu phải vận động người dân đi vùng kinh tế mới. Dù là gia đình chính sách được hưởng ưu tiên ở lại quê hương nhưng cụ Nhị một mực xin xã để con cháu mình đi xung phong, nhường đất lại cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn. "Con cháu trong họ cũng phàn nàn, nhưng khi tui nói rằng đảng viên phải gương mẫu, phải đi đầu trong những khó khăn thì ai nấy nghe răm rắp". Theo đó cứ nhà nào có hai anh em trở lên đều phải đi bớt một người. Còn một người ở lại xây dựng quê hương. Ngay cả cụ cũng mấy bận làm đơn xin đi để làm gương cho con cháu nhưng xã nhất quyết không cho vì cụ đi không biết lấy ai chăm nom nhà thờ.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.