| Hotline: 0983.970.780

Chuyện hậu duệ vua Mèo

Thứ Ba 11/05/2010 , 09:57 (GMT+7)

Khi chọn đất xây dựng dinh thự nhà Vương, thầy địa lý người Tàu đã phán rằng “con cháu đời sau sẽ hiển vinh”. Lời phán ấy có thành sự thực?

Mộ Vương Chí Thành nằm trước cổng nhà Vương khắc dòng chữ Bác Hồ tặng: “Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ”

Khi chọn đất xây dựng dinh thự nhà Vương, thầy địa lý người Tàu đã phán rằng “con cháu đời sau sẽ hiển vinh”. Lời phán ấy có thành sự thực? 

>> Kỳ bí nhà Vương trên cao nguyên đá

Vua Mèo đệ nhị kết nghĩa với Bác Hồ 

Vua Mèo Vương Chính Đức có 3 người vợ và 4 người con trai. Vợ cả sinh được 2 người con trai là Vương Chí Tinh và Vương Chí Sình cùng 3 người con gái. Bà vợ hai sinh cho ông toàn con gái, còn bà ba có 2 con trai là Vương Chí Chủ và Vương Chí Châu.

Trong 4 người con trai chỉ có người con thứ hai Vương Chí Sình là có vai trò nổi bật hơn cả trong việc kế tục sự nghiệp của vua Mèo đệ nhất. Và có lẽ đây cũng chính là người duy nhất ứng với câu sấm “vinh hiển đời sau” của thầy địa lý người Tàu khi chọn đất xây dinh thự nhà Vương.

Ông Vương Chí Sình sinh năm 1885. Khi đến tuổi trưởng thành ông mở một cửa hàng buôn bán tạp hóa, dầu hỏa, vải vóc và thuốc phiện ở Phó Bảng. Từ Đồng Văn, Vương Chí Sình đem thuốc phiện và các loại lâm thổ sản về Hà Nội, rồi sau đó chuyển xuống Hải Phòng để bán và mua các loại vải vóc, dầu hỏa, đá lửa... cùng các đồ dùng sinh hoạt khác đem ngược về Hà Giang. Khi Vương Chính Đức già yếu và bị Pháp bắt, Vương Chí Sình đứng ra chèo lái nhà họ Vương và tiếp tục được tôn như một vua Mèo đệ nhị.

Tháng 3/1945 khi bị Nhật đảo chính, quân Pháp từ Hà Nội chạy lên vùng Mèo, cùng hợp tác với người Mèo chống Nhật. Khi Nhật đến Đồng Văn, Pháp bỏ mặc người Mèo chạy sang Trung Quốc dựa bóng quân Tưởng. Trong tình thế khó khăn, lực lượng vũ trang Mèo dưới sự chỉ huy trực tiếp của Vương Chí Sình đã tiêu diệt một đại đội bộ binh Nhật cùng một trong đội kỵ binh đi kèm. Đây là trận thắng Nhật lớn nhất trên toàn chiến trường Đông Dương thời bấy giờ.

Sau chiến tích lẫy lừng ấy, nhận thấy rõ vai trò của các vua Mèo, Bác Hồ đã cử 2 đồng chí là Hoàng Việt Hưng và Sơn Tùng, là cán bộ địa phương từ Cao Bằng sang gặp cha con Vương Chính Đức để bàn về việc cùng nhau chống Nhật, chống Tưởng. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, đích thân Bác Hồ đã mời Vương Chí Sình tham gia khóa Quốc hội đầu tiên. Từ cao nguyên đá Đồng Văn, Vương Chí Sình lặn lội, khi thì đi ngựa, khi thì người nahf gánh võng xuống Hà Nội. Cũng trong lần gặp gỡ ấy, Bác đã đổi tên cho vua Mèo thành Vương Chí Thành và kết nghĩa anh em.

Năm 1956, tròn 70 tuổi, Vương Chí Thành với lý do tuổi cao, sức yếu, đã đề nghị được bàn giao toàn bộ vùng Mèo Đồng Văn và khu vực biên giới lân cận lại cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đảm nhiệm cương vị Đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Giang. Ghi nhận những đóng góp to lớn của vua Mèo đệ nhị, Bác Hồ cử ông Bùi Công Trừng, phái viên của chính phủ đem lên tặng ông Vương Chí Thành một thanh gươm. Trên thanh gươm có khắc dòng chữ “Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ”. Thanh gươm vừa là một kỷ vật, vừa là một sự ghi nhận công lao đóng góp của ông Vương, của người Mèo với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sống ở quê nhà đến giữa năm 1959, ông Vương được triệu tập về Hà Nội họp Quốc hội. Năm 1960, khoá II Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, ông Vương Chí Thành một lần nữa được tín nhiệm, trở thành Đại biểu của tỉnh Hà Giang. Ông sống và làm việc tại Hà Nội đến năm 1962 thì mất. Thi hài được đưa về an táng ngay trước cửa nhà Vương. Trên mộ ông được khắc đầy đủ tên tuổi, chức vụ và dòng chữ: “Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ” mà Bác Hồ tặng khi ông còn sống.

Những hậu duệ vua Mèo đang sống ở Sà Phìn hết sức khó khăn

Những hậu duệ thời nay

Hậu duệ vua Mèo thời nay nổi tiếng nhất nhà ông Vương Quỳnh Sơn. Ông là người đã từng chứng kiến lễ kết nghĩa anh em giữa Bác Hồ và vua Mèo đệ nhị Vương Chí Thành, người mà ông gọi là chú ruột. Cũng trong dịp đó, ông chứng kiến việc Vương Chí Thành nhận thanh kiếm báu do Bác đề chữ tặng. Là người con ưu tú của dân tộc Mông ở Đồng Văn, trong suốt cuộc đời, Vương Quỳnh Sơn được Nhà nước giao rất nhiều việc trọng đại. Ông từng làm trợ lý hành chính quân khu Việt Bắc, Ủy viên thường trực khu hành chính Lào Cai, Yên Bái…

Khi đã có tuổi, ông giữ các chức vụ cố vấn cao cấp của Ủy ban dân tộc rồi Ủy ban dân tộc miền núi. Trở thành người Mèo của dòng họ Vương tiêu biểu nhất thời kỳ hiện đại. Vương Quỳnh Sơn về già sống tại Hà Nội và mất vào năm 2008. Khi ông mất, nhiều người bảo rằng đó là vì sao tinh tú cuối cùng của dòng họ Vương trong triều đại các vua Mèo. Nhận định đó không phải không có cơ sở bởi sau sự ra đi của Vương Quỳnh Sơn, để tìm một người Mèo trong dòng họ Vương được nhiều người biết đến gần như không có. 

Theo lời chỉ của mấy cán bộ ở Trung tâm văn hóa huyện Đồng Văn tôi lần tìm vết tích của những hậu duệ các vua Mèo đang sống ở Sà Phìn. Tìm họ thì dễ, bởi hầu hết họ đều sống lân cận nhà Vương ở Sà Phìn hay ít nhất cũng trong huyện Đồng Văn. Chỉ có điều, dường như lời thầy địa lý người Tàu đã hết hiệu lực khi cháu chắt đời sau của các vua Mèo rất ít người biết đến. Và cuộc sống một thời vương già nhà họ Vương cũng đã hết lâu. Trước mặt nhà Vường chừng trăm mét là dãy nhà cấp bốn liền kề của Vương Mý Sèo, Vương Mý Via, Vương Mý Dư, Vương Mý Cho...

Vương Thị Chở những hậu duệ ngày đêm sống cạnh ngôi nhà Vương huyền thoại. Tất cả những gia đình này chỉ khác biệt những hộ dân khác trong thung lũng Sà Phìn bởi công việc buôn bán phục vụ cho du khách đến tham quan nhà Vương. Còn về đời sống chẳng khá khẩm hơn là bao. Duy chỉ có cô em út Vương Thị Chở ngày ngày làm hướng dẫn viên cho khách du lịch trong nhà Vương xem ra là có công việc ổn định nhất. Còn lại tất cả con cháu dòng họ Vương ở Sà Phìn vẫn không thể thoát khỏi sự đói nghèo đang dai dẳng bám cao nguyên đá Đồng Văn.

Tài sản lớn nhất trong căn nhà của Vương Mý Sèo chỉ là chiếc máy xay ngô. Một cán bộ văn hóa ở Đồng Văn nói đùa rằng nếu tích về kho báu là có thật thì chỉ có vua Mèo linh thiêng báo mộng giấu bạc vàng nơi đâu thì những hậu duệ của ông thời nay may ra mới “vinh hiển” như lời thầy địa lý.  (Hết)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Hạn mặn kéo dài, sức chống chịu của các dòng sông đang dần thu hẹp

Cần Thơ Nếu mùa mưa đến trễ, hạn mặn kéo dài, sức chống chịu của các dòng sông và nguồn nước dự trữ trong dân sẽ bị ảnh hưởng.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã - 'Sóng ngầm' ở vùng biên: [Bài 1] Điểm tập kết thú rừng

Các loại thú rừng, từ thông thường đến quý hiếm, nằm trong sách đỏ, vẫn được các đầu nậu âm thầm tuồn từ biên kia biên giới về Việt Nam, phục vụ các 'thượng đế'.

Bình luận mới nhất