| Hotline: 0983.970.780

Chuyện họp từ xã lên tỉnh

Thứ Tư 06/04/2011 , 09:27 (GMT+7)

Nông dân đến dự hội nghị, hội thảo lớt phớt, lấy quà hoặc nhận phong bì rồi về. Còn cán bộ lãnh đạo huyện, tỉnh thì dự họp như chạy sô vì lịch họp dày đặc. Bức tranh họp hành được vẽ bằng rất nhiều cuộc họp vô bổ đã khiến nhiều người chán ngán nhưng chưa có cách khắc phục.

Nhắn tin trong cuộc họp để giết thời gian
Nông dân đến dự hội nghị, hội thảo lớt phớt, lấy quà hoặc nhận phong bì rồi về. Còn cán bộ lãnh đạo huyện, tỉnh thì dự họp như chạy sô vì lịch họp dày đặc. Bức tranh họp hành được vẽ bằng rất nhiều cuộc họp vô bổ đã khiến nhiều người chán ngán nhưng chưa có cách khắc phục. 

>> Sống chung với.. họp

"Nhiều cuộc họp làm hư nông dân"

Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải - người được mệnh danh "ông giá Ôzôn" từng kể với tôi về chuyến đi giảng cho nông dân ở xã nọ, lớp mở bắt đầu từ 1h chiều mà 1h30 mới có 4 người đến, gần hai giờ cũng chỉ ngót chục người. Xã bắc loa gọi ai cần bảo quản cam quýt, tiết kiệm năng lượng, phòng chống bệnh gia súc, gia cầm, người ta mới gọi điện cho nhau í ới: “Đi họp đi, không có tiền đâu nhưng hay lắm”. Lúc sau hội trường 350 chỗ chật người. Vị chuyên gia này ngán ngẩm than rằng: “Nông dân đang bị quá tải, bị nhờn họp. Rất nhiều cuộc họp làm hư nông dân, tôi biết có xã một tuần có 8 cuộc hội thảo, cuộc nào cũng cho phong bì. Nông dân đến dự chẳng ai ghi chép, phát biểu ý kiến cả, cứ ký nhận rồi ngồi đấy thôi”.

Chia sẻ với nhận định đó, anh Trần Văn Hạnh-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương nhớ hồi đơn vị mình làm dự án nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông ở xã Phú Điền (Nam Sách). Rất bài bản, họ xác định nhu cầu của nông dân qua những cuộc họp, phát phiếu thăm dò, tung cán bộ xuống đi với nhóm nông dân rồi tổng hợp nhu cầu, lập kế hoạch xây dựng mấy chục lớp tập huấn. “Chỉ được thời gian đầu, nông dân đến nghe, hứng thú còn những lớp sau cứ rơi rụng dần. Có mấy nguyên nhân chủ yếu sau. Thứ nhất chúng tôi chỉ hỗ trợ giảng viên, hỗ trợ tài liệu và mở lớp chứ không hỗ trợ kinh phí, không có quà nên bà con đến rất thưa, chỉ được mười mấy lớp là dừng lại. Thứ hai là nông dân lúng túng trong nguyện vọng của mình do chưa biết chọn một thông tin kỹ thuật nào mới để áp dụng. Thứ ba là nông dân đã quen làm theo phong trào, theo chỉ đạo…”.

Bàn về chuyện họp hành quá tải, ông Hạnh ngẫm ngợi: “Ở ta có nhiều tổ chức, tổ chức nào cũng cần truyền đạt nghị quyết, từ cơ quan quản lý nhà nước đến đoàn thể đều buộc phải họp. Nhiều cuộc họp, ngay cán bộ chúng tôi đôi khi chưa nhồi hết nghị quyết này đã phải lĩnh hội nghị quyết khác. Họp xong về hỏi, nhiều lúc chẳng biết họp về cái gì.”

Một ngày, dự 7 cuộc họp

Ở vị trí GĐ Sở NN - PTNT Hải Dương, ông Nguyễn Hữu Dương càng thấm thía hơn ai hết nạn họp bởi theo nhẩm tính một năm anh phải dự 70 cuộc họp ngoài và triển khai họp Sở cỡ 50 cuộc.“ Giấy mời họp thực tình gấp ba lần thế, khoảng 360 cuộc, phải giao cho cấp phó đi. Nói là tiết giảm họp hành cũng có nhưng không được nhiều, mười phần chắc giờ còn bảy tám. Ngán ngẩm nhất là dạng họp các dự án. Ủy ban tỉnh hầu như tuần nào cũng có cuộc họp dạng này. Các dự án công nghiệp lấy đất của nông nghiệp, họp dự án mới, dự án chuyển đổi (chuyển chủ), loại ấy tớ ít đi bởi mình chỉ có mỗi việc nếu đến đấy là xem dự án lấy bao nhiêu đất của nông dân…”.

Trải qua các chức danh từ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND huyện Bình Giang 6 năm, Bí thư 2 năm nên ông Dương cũng là người hiểu hơn ai hết chuyện họp hành ở “cấp tỉnh thu nhỏ” này: “Lúc ở huyện tớ nhớ ngày kỷ lục họp, tiếp khách nhiều nhất tới 7 cuộc, trong đó một cuộc không làm sao để tiếp được phải nhờ họp giúp. 7 cuộc một ngày là lúc làm Chủ tịch huyện, còn Bí thư nhiều nhất cũng chỉ 5 cuộc họp một ngày. Cấp huyện quá tải họp nào là chỉ đạo dịch dã, giải phóng mặt bằng, đơn thư kiện tụng đông người, bầu cử… làm sao nhớ nổi hết nội dung? Ở vị trí Giám đốc Sở nhiều nhất một ngày tớ dự 4 cuộc họp nhưng tần suất như vậy rất ít, đa số một tuần 5-6 cuộc thôi. Các dạng họp chung chung, phát động phong trào, kỷ niệm này nọ là tớ hay kiếu, riêng họp ngành nông nghiệp, bắt buộc phải dự bởi đánh giá ba tháng, sáu tháng bao giờ báo cáo nông nghiệp được đặt lên hàng đầu”.

Tôi hỏi, vậy anh thuộc dạng ghét họp? ông Dương gật gù: “Họp lắm, họp dài, họp chung chung chi sự tớ rất ghét. Nhiều người toàn họp kiểu kinh viện, độc cứ phân tích lý luận, tây y, đông y, đi mây về gió. Tớ điều hành họp chỉ trong buổi sáng rồi giải tán, không bao giờ có quá giờ mà chỉ duy nhất có một cuộc tới 12 giờ kém mười còn lại không bao giờ quá 11h35. Nội dung chính thứ nhất là mục tiêu họp, thứ nhì là giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ. Bàn đi, không cần đọc báo cáo dài dằng dặc mà tài liệu có hết rồi, có ý kiến mới gì không thì nêu ý kiến. Phần nhấn mạnh thì nhấn mạnh còn không lướt qua, tự nhiên người ta chú ý nghe chứ cứ lên bục kính thưa xong rồi đọc tràng giang đại hải chẳng ai nghe”.

“Hội nghị là cuộc gặp gỡ đỉnh cao nhưng vẫn được chúng ta tiến hành theo lối hội hè đình đám ở xã và vẫn theo cái truyền thống “được ăn, được nói, được gói đem về”. Đến để được ăn, nhận phong bì đã đành nhưng nói, dù không có gì để nói, ta vẫn lên nói để nhận phần danh dự chứng tỏ mình ở đẳng cấp được nói. Còn gói đem về, tất nhiên gói to hay bé thì phải tương xứng với đẳng cấp" - một cán bộ ngành nông nghiệp xin được giấu tên 

Cũng theo anh Dương cũng có nhiều người thích họp, nhất là cán bộ, chuyên viên vì có hai lý do, một là có thêm một bữa cơm bụi, hai là người ta chưa được họp mấy nên xem diễn giả trình bày thế nào. Nói cách khác người ta đến học làm quan lớn hơn cho nên tâm lý thích họp. Ngược lại, lãnh đạo muốn tập trung giải quyết công việc, nghiên cứu cơ chế chính sách, chỉ đạo việc A, việc B lại cứ phải ngồi họp, rất lãng phí thời gian.

“Họp nhiều nhưng chúng ta không sợ thiếu người làm vì lực lượng cán bộ rất nhiều. Có một thực tế đường xá tốt, phương tiện ngon nên cán bộ của ta đi tăng cường sáng phóng ào xuống chiều lại về nên không ăn thua, phải cả tuần ở nông thôn mới nắm được các tâm tư, nguyện vọng của dân cũng tham gia với họ những việc quan trọng. Cán bộ cơ sở, xã bây giờ cũng mắc bệnh quan liêu, toàn ngồi trên văn phòng. Ngày trước, cán bộ xã nửa ngày đi làm, nửa ngày ra đồng mới có công điểm nên gắn với thực tế hơn. Tớ nhớ bố mình làm thư ký ủy ban hồi đó mà về nhà cứ cày bừa hùng hục như nông dân nên mới hỏi “Bố ơi, bố không đi họp độc đi cày làm gì?”. Ông cụ mới thủng thẳng bảo: “Xã chỉ cho ăn có một bữa thôi con ạ”. Rõ ràng 21 công chức của xã đều làm 8 tiếng, còn gì thời gian xuống chuồng lợn, ao cá, lội ruộng, trò chuyện với trẻ con, người già?

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.