| Hotline: 0983.970.780

Chuyện lạ ở Nghệ An: Làm việc ở thị trấn, hưởng lương khu vực rẻo cao biên giới

Thứ Sáu 12/08/2016 , 13:10 (GMT+7)

Thay vì bố trí đủ biên chế công chức để thực hiện nhiệm vụ, hàng loạt viên chức tại Phòng GD-ĐT các huyện miền núi lại được chuyển về công tác tại các trường cơ sở (khu vực biên giới). Sau đó, UBND các huyện lại ra quyết định biệt phái họ về công tác tại Phòng GD-ĐT. Vì sao phải làm vậy?

Cách sắp xếp kỳ quái, tinh vi

Cụ thể, từ đầu năm 2013 đến nay, tại 4 huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong đã có 39 viên chức đang công tác tại 4 Phòng GD-ĐT được hưởng lương và các chế độ ưu đãi dành riêng cho đội ngũ giáo viên đứng lớp tại các trường học đóng tại khu vực rẻo cao biên giới.

Phòng GD-ĐT huyện Con Cuông có 15 công chức - viên chức thì có 9 thuộc diện biệt phái. Con số này tại Phòng GD-ĐT huyện Tương Dương là 10/12 người; Kỳ Sơn 11/20 người và Quế Phong 9 người.

17-46-24_1
Một quyết định biệt phái của UBND huyện Tương Dương

 

Giải thích điều này, Phòng GD-ĐT và Phòng Nội vụ các huyện cho rằng, đây là số giáo viên được biệt phái từ các trường về phòng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có thời hạn. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Nhiều trưởng các Phòng GD-ĐT, Phòng Nội vụ thừa nhận, số viên chức được biệt phái về phòng công tác thực chất đã công tác tại phòng từ lâu.

Để hợp thức hóa việc họ thành viên chức biệt phái, UBND các huyện chuyển họ về các trường biên giới trong thời gian ngắn, sau đó lại ra quyết định biệt phái về phòng công tác. Thực tế, nhiều viên chức biệt phái không tham gia giảng dạy tại các trường, tập huấn công tác giảng dạy nhưng vẫn hưởng lương từ cơ sở.

 

Ngốn tiền ngân sách vô kể

So với công chức và viên chức cấp huyện, số viên chức này được hưởng thêm 70% phụ cấp đứng lớp + từ 30 đến 50% phụ cấp biên giới (tùy địa bàn xã) + 70% thu hút. Tức là cao hơn từ gần 2 đến 3 lần so với viên chức - công chức có cùng hệ số lương công tác tại các phòng ban cấp huyện khác.

Xin lấy ông Đàm Đại, hiện đang công tác tại Phòng GD-ĐT huyện Con Cuông làm ví dụ. Với hệ số lương đang hưởng là 2,67, nếu nhận lương tại phòng, mỗi tháng ông Đại chỉ được nhận 2,67 hệ số + 0,3 phụ cấp vùng x 1.150.000 đồng = 3.415.500 đồng/tháng. Nếu là công chức, thì được cộng thêm 25% phụ cấp công vụ, cũng chỉ nhận 3.838.125 đồng.

Trong khi họ đang “ngồi mát ăn bát vàng” thì các giáo viên tại các trường vùng sâu, vùng xa phải oằn lưng dạy cả những tiết mà lẽ ra số giáo viên “biệt phái” này phải dạy.

Thế nhưng, nhờ được “biệt phái” về vùng biên giới, bỗng dưng ông Đại được hưởng thêm các khoản 70% lương (đứng lớp) + 30% khu vực biên giới + 70% lương (thu hút) và thêm % thâm nhiên giáo dục (nếu có)... thì ít nhất cũng gấp gần 1,8 lần so với viên chức cấp huyện, gấp 1,6 lần so với công chức huyện (có cùng hệ số lương).

Ông Phan Anh Tài, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Con Cuông cho biết: “Trước khi để họ được hưởng lương ở cơ sở, phòng tham mưu cho UBND huyện chuyển họ về công tác tại xã. Sau đó lại làm quyết định để họ biệt phái về phòng thực hiện công tác chuyên môn. Thời hạn biệt phái là 3 năm, hết thời hạn trên, nếu còn chính sách biệt phái thì vẫn tiếp tục(?)”.

Tương tự, ông Vi Hữu Tính, hiện đang công tác tại Phòng GD-ĐT huyện Tương Dương. Sau 25 năm dạy học, năm 2006, ông Tính được điều về công tác tại Phòng GD-ĐT huyện Tương Dương. Với hệ số lương 4,89 + vượt khung (0,09) + 0,4 hệ số phụ cấp vùng, nếu nhận lương chuyên viên tại phòng chỉ khoảng 6.589.615 đồng/tháng.


Ông Vi Hữu Tính, Phòng GD-ĐT huyện Tương Dương đang ngồi tính lương của mình

 

Thế nhưng, nhờ được “biệt phái” về trường THCS Nhôn Mai mà mỗi tháng ông Vi Hữu Tính được nhận tổng cộng gần 18 triệu đồng (đã bao gồm 24% thâm niên đứng lớp), gấp gần 3 lần lương chuyên viên.

Nếu tính bình quân mức chi thêm ngoài lương, phụ cấp của một viên chức công tác tại Phòng GD-ĐT huyện Tương Dương là 6.000.000 đồng/tháng thì mỗi năm, UBND huyện Tương Dương phải chi thêm trên 720 triệu đồng để trả cho 10 viên chức này.

Sở Nội vụ Nghệ An có biết?

Theo kết quả khảo sát của PV tại 4 phòng GD-ĐT các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, thì đã có tổng cộng 39 người được “biệt phái” về cơ sở để hưởng lương như đã nói ở trên.

Nếu lấy mức bình quân, số tiền chi trả cho 39 người được “biệt phái” này là 70 triệu đồng/người/năm, thì số tiền chi sai tại 4 huyện nói trên đã vượt trên 2,7 tỷ đồng/năm.

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Nghệ An, toàn tỉnh hiện có khoảng 190 công chức - viên chức công tác tại 21 Phòng GD-ĐT cấp huyện đang được hưởng chế độ “biệt phái” kể trên. Và như vậy mỗi năm ngân sách tỉnh phải gồng mình chi thêm hàng chục tỷ đồng một cách vô lý.

Làm một phép so sánh, dễ dàng nhận thấy, ngân sách chi trả 25% phụ cấp công chức cho các viên chức này (nếu họ được chuyển thành công chức) sẽ ít hơn rất nhiều so với việc chi trả các khoản phụ cấp khi “biệt phái ngược” họ về công tác tại các trường.

Liệu điều này, Sở Nội vụ Nghệ An có biết?

VVD

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.