| Hotline: 0983.970.780

Chuyện làm giàu của 2 chàng trai 8X

Thứ Hai 01/05/2017 , 09:30 (GMT+7)

Cả Hồng Anh và Văn Chương đều lập thân từ sớm. Và đến 30 tuổi, họ đã được nhiều người ở địa phương biết đến vì làm ăn giỏi.

Ông bà xưa có câu “Tam thập nhi lập”, nam nhi đến 30 tuổi là phải có sự nghiệp ổn định. Nhưng, với 2 chàng thanh niên 30 tuổi ở TX Bình Long, tỉnh Bình Phước là Trương Hồng Anh (khu phố Phú Hòa 1, phường Phú Đức) và anh Cao Văn Chương (ấp Thanh Thủy, xã Thanh Phú), thì họ lập thân sớm hơn. Và đến 30 tuổi, họ đã được nhiều người ở địa phương biết đến vì làm ăn giỏi.
 

"3 không" vẫn làm giàu

Gặp Hồng Anh, trò chuyện với anh, tôi không khỏi thán phục về tinh thần quyết chí vươn lên, vượt khó thoát nghèo. Học hết lớp 12, Hồng Anh đi nghĩa vụ quân sự, sau đó trở về địa phương, trong 2 bàn tay trắng của anh là… 3 không: Không vốn, không nghề, không người hỗ trợ, anh phải đi làm thuê kiếm sống.

15-39-04_nh-1
Anh Trương Hồng Anh đang chăm sóc đàn bò lai Sind

Năm 2012, trong một lần tham gia chương trình “Thanh niên lập thân lập nghiệp” do Thị đoàn Bình Long tổ chức, được nghe giới thiệu về kỹ thuật nuôi bò sinh sản, bò thương phẩm, Hồng Anh ấp ủ hoài bão làm giàu từ nuôi bò lai Sind. Với số tiền làm thuê dành dụm được, vay thêm được hơn 100 triệu, anh mua 3 con bò giống lai Sind về nuôi.

Thời gian đầu, Hồng Anh gặp không ít khó khăn do thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc nên bò chậm lớn, hay bị bệnh tật, nuôi không có lãi. Rút kinh nghiệm từ lứa chăn nuôi đầu, anh tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi do địa phương tổ chức, chịu khó mày mò, tìm thêm kiến thức trên báo chí, sách vở, trên mạng và lặn lội đến các địa phương để học hỏi về kinh nghiệm. Dần dà, Hồng Anh nắm bắt được kỹ thuật và áp dụng. 2 năm sau, bò bắt đầu sinh sản. Từ 3 con, đàn bò của Hồng Anh đã tăng lên 15.

Hồng Anh cho biết, giống bò lai Sind dễ nuôi, tính phàm ăn, kháng bệnh tốt, mắn đẻ, lại dễ thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên ít bệnh, nhưng phải chịu khó tìm tòi, học hỏi. Để bò lai Sind lớn nhanh, khỏe mạnh cần phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo lượng thức ăn hàng ngày cho bò. Một con bò lai Sind một năm tuổi, trung bình ăn 20kg cỏ voi mỗi ngày. Đặc biệt là với bê con, muốn cho khoẻ mạnh, mau lớn phải trộn lẫn cả hai loại thức ăn tinh và thô với nhau nhằm giúp bò làm quen với khẩu phần năng lượng.

Ngoài phát triển đàn đang có, Hồng Anh còn thu mua những con bò gầy, ốm với giá rẻ, mang về chăm sóc, vỗ béo để bán bò thương phẩm. Sau hơn 6 năm gây dựng, đến nay thu nhập từ nghề nuôi bò mang về cho anh hơn 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn trồng 1ha cao su, 600 trụ tiêu chuẩn bị cho thu hoạch, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể trong thời gian tới.

Hiện trang trại bò lai Sind của Hồng Anh là “địa chỉ đỏ” của phường Phú Đức để bạn trẻ trong và ngoài địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm. “Tôi muốn có nhiều bạn trẻ cùng tự lập, tự làm kinh tế, không ỷ lại, phụ thuộc gia đình, nên tôi sẽ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Tôi nghĩ chỉ cần có chí, việc làm giàu không khó”, Hồng Anh chân tình nói.
 

Thầy giáo "thú cưng"

Mặc dù có thu nhập ổn định từ lương giáo viên, Trường Tiểu học Thanh Phú, xã Thanh Phú, nhưng đồng lương quá ít ỏi, nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. “Mình sức dài vai rộng, có thể làm được nhiều thứ, chẳng lẽ cứ chấp nhận nghèo hoài? Tôi luôn vắt óc suy nghĩ xem mình phải làm gì thêm để cải thiện tình hình”, thầy giáo Cao Văn Chương mở lời.

15-39-04_nh-2
Anh Cao Văn Chương bên những chú chó cưng

Ngay từ nhỏ, anh Cao Văn Chương đã có sở thích nuôi thú cưng trong nhà. Năm 2013, trong lần ra Hà Nội, Chương tình cờ gặp lại người anh là huấn luyện viên một trại chó cảnh, một ý tưởng loé lên trong đầu Chương: “Mình có kiến thức về nhiều loại chó cảnh, tại sao không làm giàu từ nuôi chó cảnh?”. Nghĩ là làm, với số tiền 100 triệu đồng vay người thân, anh Chương bắt tay vào xây dựng chuồng trại và mua 5 con chó giống thuộc các chủng loại Rottweiler, Becgie, Bắc Hà và Phú Quốc về nuôi.

Anh Chương cho biết, thời gian đầu, khó khăn nhất là chưa có kinh nghiệm thực tế nên khi mua các giống chó về anh khá vất vả: Vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế của những người đi trước và qua sách vở, tài liệu chăm sóc chó cảnh trên mạng. Từ đó anh dần tích lũy được kinh nghiệm nuôi chó.

Theo anh, ở trại nuôi chó của mình, chó được tiêm ngừa lúc hai tháng tuổi và tiêm nhắc mỗi năm, vì nếu chó lỡ mắc bệnh thì khả năng lây nhiễm ra cả trại là rất cao. “Nhiều đêm, tôi phải thức trắng để kiểm tra tình trạng sức khỏe, thuốc men cho chó bệnh. Vì vậy, tôi luôn đảm bảo chuồng trại thoáng mát, trại nuôi chó được vệ sinh hàng ngày. Mỗi tuần chó được tắm từ 1 - 2 lần bằng xà bông dành riêng để ngăn ngừa bọ ve, các loại ký sinh trùng hút máu gây hại cho chó”, anh Chương nói.

Hiện tại, anh Chương đang là chủ của một trại thú cưng mang tên “Trại chó Cao Dương” tại địa chỉ số 212 ấp Thanh Thủy, xã Thanh Phú với hơn chục cặp chó bố mẹ. Các giống chó mà anh Chương đang sở hữu khá đa dạng và đều là các giống chó quý hiếm đắt tiền, trung bình từ 6 - 10 triệu đồng/con, những con trưởng thành có giá từ 20 đến 40 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm trại chó cảnh của anh Cao Văn Chương thu hơn 200 triệu đồng.

Không chỉ làm chuyên môn và kinh tế giỏi, thầy giáo Chương còn là người rất năng nổ trong hoạt động phong trào, vì thế, anh được nhà trường tin tưởng giao trọng trách Bí thư Đoàn trường, Tổng phụ trách Đội và là Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi và nhân giống chó thuần chủng của TX Bình Long. Anh được mọi người gọi với cái tên thân thương “Thầy giáo thú cưng”.

“Hai anh không chỉ làm kinh tế giỏi, mà còn là những đoàn viên, cán bộ đoàn năng nổ nhiệt tình trong công tác, thường xuyên giúp đỡ, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên cùng phát triển kinh tế. Mô hình bò lai Sind của Hồng Anh và chó cảnh của Văn Chương là hai mô hình tiêu biểu của lớp trẻ năng động để đoàn viên, thanh niên thị xã học tập, lập thân lập nghiệp”, anh Mai Xuân Tuân, Bí thư Thị đoàn Bình Long.

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm