| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ngẫu nhiên ở Pattaya

Thứ Bảy 28/05/2016 , 08:01 (GMT+7)

Bãi biển Pattaya đêm ấy lộng gió. Nó đi miên man theo con đường ven biển có hàng đèn sáng trắng, đều đặn. Cũng dọc theo hàng đèn, là một hàng dài các cô gái mặc quần soóc và áo phông màu trắng đứng đợi khách. 

Các cô ấy giống như những vỏ sò màu trắng được sóng biển xô dạt lên bãi cát nơi này. 

Trong lòng tràn ngập nỗi buồn. Nó chợt nghĩ, hình như ở đâu dâng ngợp nỗi muộn phiền, thì đó chính là quê hương của nó, hoặc miền đất dành cho nó. 

Người đàn ông đẩy chiếc xe bán những trái dừa Xiêm dọc theo phố biển có dáng người nhỏ nhắn và đôi mắt hiền lành. Hình như ông đã quan sát nó từ xa. Khi nó tới nơi, như một người kinh doanh sành sỏi của đất nước du lịch này, ông niềm nở mời mua dừa bằng một kiểu nói tiếng Anh giống người Ấn Độ.

Nó dừng lại nghỉ chân, và mua mấy trái dừa nhỏ bằng nắm tay. Rồi ngồi xuống cạnh người đàn ông, nó vừa uống nước dừa vừa lặng ngắm biển đêm với những đợt sóng vỗ bờ ào ạt. 

Người đàn ông kín đáo quan sát, rồi bằng một thứ tiếng Anh nghe líu ríu như chim hót, ông hỏi: 

- Ông đi du lịch? Ông từ đâu tới?

- Tôi là người Việt. Tôi đi công tác.

Đôi mắt người đàn ông chợt sáng lên:

- Tôi cũng là người Việt.

Nó thấy bất ngờ. Một giọng nói tiếng Việt không hề ngọng nghịu. Một giọng nói tiếng Việt thân quen của người con đất Kinh Kỳ xưa... 

Người đàn ông mỉm cười:

- Tôi thấy ông đi một mình, lặng lẽ bất động dưới những hàng đèn. Ông không để ý tới những cô gái đứng dọc bờ biển sao? 

- Tôi có để ý chứ. Tôi vừa đi vừa tự hỏi, giữa một bên là khoái lạc thoáng chốc, với cái giá vài đồng đô la lẻ, và một bên là biển cả mênh mông, với những tiếng sóng vang vọng cả đêm, tôi sẽ chọn cái gì đây... Ông có thể chọn giúp tôi không? 

Người đàn ông im lặng. Ông nhìn nó hiền lành rồi bảo, ông sinh ra ở Hà Nội à? Giọng nói và cách đùa của ông thật thân thuộc. Đã lâu lắm tôi mới gặp người đồng hương như ông.

''Cha tôi là một nhà kinh doanh nước mắm. Ông có hai người con trai. Tôi là em. Mẹ tôi mất sớm vì cảm hàn trong một lần về miền Hải Hậu lấy hàng. Cha tôi không tục huyền, sống một mình kinh doanh và chăm sóc chúng tôi. 

Cho tới trước biến động ở quê hương, gia sản của ông đã có mười ngôi nhà phố cho thuê, chưa kể cái nhà gia đình tôi ở. 

Rồi biến động. Ông không bỏ tất cả để đưa chúng tôi xuống tàu vào Nam. Ông hiểu biết, và im lặng, can đảm chờ đợi. 

Một buổi sáng, có hai người đàn ông vận đồ ka ki vàng tới gõ cửa. Ông đã biết họ là ai, nên ung dung ra tiếp. Khi họ đã an tọa, ông sai chúng tôi pha một bình trà sen. Ông nói:

- Các ông không cần phải giới thiệu và nói mục đích cuộc viếng thăm. Tôi sẽ đồng ý và ký tất cả mọi giấy tờ các ông đưa. Tôi xin hai ngày thôi.

Người trẻ tuổi chợt quắc mắt định đứng dậy. Nhưng người lớn tuổi hơn, vẻ như cấp trên, liền đưa mắt cho người kia. Rồi ông ta điềm đạm nói với cha tôi:

- Chúng tôi không đến thăm ông. Chúng tôi đi làm nhiệm vụ. Ông phải bàn giao mười ngôi nhà cho nhà nước. Còn cửa hàng này phải vào công tư hợp doanh. Tôi cũng là người có học, nên khuyên ông nên tự nguyện, không nên chống đối. Nếu không ông sẽ vào diện phải đi cải tạo tư sản. 

Cha tôi cười hiền từ: 

- Cảm ơn ông. Tôi hiểu chứ. Tôi xin một ngày để chuẩn bị giấy tờ, một ngày tôi muốn làm cơm cúng tổ tiên. Vậy các ông có vui lòng không? 

Đôi mắt người trẻ tuổi lại quắc lên. Anh ta xô ghế đứng dậy, nói gay gắt:

- Không một hai gì cả.... 

Nhưng người lớn tuổi lại đưa mắt. Ông ta điềm đạm bảo:

- Không cần chuẩn bị giấy tờ gì cả. Nhưng chúng tôi cho ông một ngày để làm cơm cúng, là ngày mai. Sáng ngày kia chúng tôi đến tiếp quản''.

Người đàn ông bán dừa Xiêm nói tới đây thì dừng lại. Dường như ông đang lắng nghe một con sóng lớn ầm ầm xô vào bờ. Lúc này trời cũng khuya, gió chợt trở nên mạnh như cơn lốc. 

''Rồi hôm sau cha tôi làm một mâm cơm cúng rất thịnh soạn và trang trọng. Ông đưa chúng tôi vào trước bàn thờ tổ tiên, vừa thắp hương vừa khóc:

Việc đã đến thế này là do phúc đức của con không ra gì. Xin tổ tiên tha tội cho con. Con đã không làm gì được nữa. Con xin tổ tiên về dạy bảo cho hai đứa bé này. Để chúng nó không được nuôi lòng thù hận, vì dòng họ nhà ta xưa nay có tiếng hiền lành, chăm chỉ làm ăn, chưa biết giận ai bao giờ. Con cũng xin tổ tiên đừng oán trách những người đi làm nhiệm vụ của họ, để phúc đức của gia đình con cái họ không bị tổn hại.

Sau bữa trưa, cha tôi vào buồng riêng nằm nghỉ. Chiều xuống, chúng tôi đợi mãi không thấy ông trở ra, liền mở cửa. Trên cái giường nhỏ, cha tôi nằm ngay ngắn, nhưng người ông đã lạnh toát. Ông tự tử bằng một chai thuốc gì đó của người Tàu. Đôi giọt máu nhỏ ra, đọng bên cánh mũi và trên tấm khăn trải giường, trông như đôi cánh hoa đào rơi xuống khi xuân tàn.

Hai anh em tôi không khóc. Chúng tôi tìm thấy một lá thư và hai bọc nhỏ gói bằng khăn mùi xoa. Trong mỗi bọc nhỏ cha tôi để vào đó chừng mười cây vàng lá, hiệu Kim Thành có hình con sư tử cưỡi trên địa cầu.

Trong lá thư ông dặn chúng tôi hãy cầm tiền đi thật xa mà lập nghiệp, và phải tìm cách đi ngay. Ông còn dặn đi dặn lại, không bao giờ được nuôi lòng thù hận trước bất cứ ai.

Nhưng anh tôi không nghe theo lời ông. Anh tôi bảo tôi cầm hết tiền rồi đi ngay. Anh nói, theo gia đạo, anh không thể bỏ cha mà không chôn cất. Nhưng em phải đi ngay. Nếu họ biết mình lấy tiền mang đi, họ bắt bỏ tù.

Tôi gói ghém ít đồ đạc rồi ngược lên Tây Bắc. Sau đó tôi sang Lào, và bây giờ tôi ở đây. Khi còn ở Lào, tình cờ tôi biết được chôn cất cha tôi xong, anh tôi cũng tự tử bằng chai thuốc còn dở của cha ở nhà một người họ hàng. Anh viết thư tuyệt mệnh xin lỗi họ hàng, rồi nhờ họ chôn mình cạnh cha. Tôi nghe tin, liền mang hết số vàng cúng vào một ngôi chùa bên này. Số tiền ấy chẳng ích gì với cuộc đời tôi nữa.

Nó im lặng nhìn người đàn ông. Im lặng nhìn những cô gái như những vỏ sò trắng mà sóng biển đã đánh dạt vào bờ cát nơi này. Im lặng nhìn ra biển đêm mênh mông. Trước thân phận của con người, nó chỉ biết im lặng để tôn trọng họ như thế.

(KTGĐ số 20)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.