| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ở Nông trường Tam Đảo

Thứ Năm 08/07/2010 , 10:55 (GMT+7)

Ông Nguyễn Ngọc Lai, Phó Giám đốc Nông trường Tam Đảo lý giải cho tôi nguyên nhân sâu xa của các đội sản xuất không muốn làm rau màu là do hậu quả rơi rớt thời bao cấp,...

Ruộng rau màu ở đội Xuân Quang
Ông Nguyễn Ngọc Lai, Phó Giám đốc Nông trường Tam Đảo lý giải cho tôi nguyên nhân sâu xa của các đội sản xuất không muốn làm rau màu là do hậu quả rơi rớt thời bao cấp, tính ỉ lại còn lớn, ngại cái khó, ngại cái mới, thích thụ động...

Cỗ ngon bị chê

Giám đốc Nông trường Tam Đảo (Vĩnh Phúc) Nguyễn Hải Quân kể với tôi một câu chuyện rằng, sau khi giải quyết lao động dôi dư từ hơn 700 người xuống còn gần 300 người. Nhân cơ hội công nhân hưởng chế độ 41, có người trả lại ruộng nên đơn vị này tranh thủ dồn điền thành vùng rộng, liền bờ, liền thửa, có những khu lớn với mục đích tập trung xây dựng những mô hình sản xuất rau màu cho người lao động thật hiệu quả. Nông trường còn hỗ trợ xây dựng hẳn cho vùng này những cơ sở hạ tầng như kênh mương bê tông, dẫn nước ra tận ruộng. Về cơ chế, để khuyến khích, công nhân nào thiếu tiền đầu tư cho sản xuất đơn vị cũng sẵn sàng ứng vốn (giống, vật tư cho ứng tiền trực tiếp để mua mà không lấy lãi - PV) từ nguồn vốn sản xuất của nông trường.

“Cỗ dọn đến tận miệng” ngon lành như thế mà công nhân… chê, không ai chịu làm cả. Đấy là những công nhân nông trường, tức những người đã có tư duy về làm nông nghiệp hiện đại hơn hẳn đầu óc tiểu nông của nông dân mà còn ứng xử thế, nghĩ mà rầu lòng. Ông Quân than: “Trước đến nay công nhân họ chỉ quen làm 2 vụ lúa còn vụ màu không quan tâm đến. Vùng nào mình chỉ đạo sản xuất toàn bộ lúa giống, cần cách ly triệt để, bắt buộc phải làm thì họ làm, còn không công nhân chỉ chong chóng sao cho đủ khoán là thôi. Làm nông nghiệp giờ đa số là lao động không chính thức như người già, trẻ con mà trồng những cây hàng hoá có giá trị cần tâm huyết, đòi hỏi kỹ thuật cao họ chẳng dám làm nên hiệu quả lại càng thấp. Đành rằng giờ đầu tư nông nghiệp rủi ro nhưng không có những mạnh dạn áp dụng cái mới, không lăn lộn không được”.

Cực chẳng đã trước sự “bất lực” của công nhân trong việc chuyển đổi sang mô hình rau màu, nông trường đành giao cho đội sản xuất làm mô hình này với mong muốn cho công nhân mình học tập trực tiếp, không phải đi đâu xa cả. “Đi xa thứ nhất là tốn kém kinh phí, thứ hai là dân mình có thói quen lạ là ngại đi ra khỏi luỹ tre làng. Quan điểm của chúng tôi cứ người nào có kinh nghiệm trong quá trình sản xuất thì mời về làm cùng mình, chứ không hẳn là các nhà khoa học. Xây dựng mô hình dạng cầm tay chỉ việc, tự nông dân học nhau mới dễ chuyển giao cho nhau, thấy hiệu quả là làm được ngay”, ông Quân bảo.

Anh Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng Đội Xuân Quang - đơn vị được giao tiên phong trong việc làm mô hình rau màu của nông trường cho hay, đội anh có 38 cán bộ, công nhân. Mỗi người được khoán 4.000m2 đất, diện tích trồng lúa giống cỡ 20 ha, còn lại 20 ha hoạch định mô hình trồng rau màu. “Chính tôi và cán bộ nông trường đã về Thái Bình thăm mô hình trồng cây cảnh, sang Hưng Yên xem quất và hoa, xuống Hà Nội xem họ làm cây cảnh, lọ mọ tới Mê Linh (Hà Nội) xem trồng màu, xuống Yên Lạc (Vĩnh Phúc) xem mô hình chuyên rau, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) xem trồng dưa hấu… Đi khắp rồi mới thấy cây rau màu như cà chua, bí xanh, hành tây là hợp. Thế nhưng khó khăn nhất là dân đã có thời gian dài làm lúa, giờ chuyển đổi sang trồng màu họ sợ lắm! Bàn nát nước ở các tổ, đội rồi họp dân cả chục cuộc vẫn chưa thông. Chúng tôi tổ chức cả những chuyến xe đưa dân đi tham quan thực tế, tai nghe, mắt thấy, tai sờ rồi, người nào cũng thích nhưng động chuyện làm theo vẫn ngại”, anh Minh kể. 

Mô hình nào cho công nhân nông trường?

Cuối cùng đội phải hợp tác liên kết với 2 nông dân ở huyện Mê Linh để giao khoán cho họ làm thử. Cơ chế rất thoáng, ngoài năng suất khoán (1 năm 2 vụ, bình quân 35-40 kg thóc/sào) giá trị còn lại người sản xuất hưởng. Công nhân nông trường vừa làm thuê cho 2 nông dân giỏi vừa học kinh nghiệm từ bố trí mùa vụ, cách phòng trừ BVTV đến chăm bón, thu hái... Lác đác có người nhận khoán theo. Lúc đầu số nhận khoán chỉ có 6 người, diện tích chỉ được 2 ha, còn lại 18 ha, đơn vị bố trí mô hình tập trung, trả lương làm thuê theo ngày vay vốn nông trường làm tiếp để động viên cho công nhân thấy rằng việc trồng màu là có khả năng làm giàu. Đầu tư một sào lúa 200-300.000đ, đầu tư rau màu 2,5-3 triệu đồng nhưng hiệu quả rất cao, đầu ra thuận lợi, xe các nơi do những hộ nông dân giỏi kéo tư thương các vùng lên mua tận nơi, thậm chí đặt tiền trước để mua sản phẩm ngay bờ ruộng. Giờ diện tích 20 ha bỏ trống khi nào đã được phủ kín bởi công nhân đua nhau nhận khoán hết. Trước khi có mô hình rau, con em công nhân thậm chí cả bản thân công nhân cũng rủ nhau đi xây, đi may theo thời vụ bỏ bê đồng áng giờ lại quay về với ruộng đất. Nương theo đà đi lên của cây rau màu, hướng của đơn vị này sắp tới còn ấp ủ xây dựng thương hiệu rau sạch, tung ra thị trường trong thời gian để nâng cao giá trị hàng hoá hơn nữa.

Anh đội trưởng bảo tôi: “Tư tưởng bao cấp trong công nhân khiến họ trước chỉ cố gắng hoàn thành diện tích khoán 4.000m2 rồi thời gian còn lại đi làm việc khác. Giờ không chỉ họ làm mà còn thuê cả nhân công nơi khác về đây đông lắm vì mỗi ngày bỏ túi 50.000 đồng ngon ơ. Anh tính, một sào xoay ba vụ màu, mỗi vụ lợi nhuận 5-7 triệu đồng, thậm chí 10-12 triệu đồng (vụ hành tây vừa rồi) gấp 20-30 lần lãi từ cây lúa. Tất nhiên, thu nhập cao đòi hỏi thời gian lao động liên tục, không rảnh rang như trồng lúa. Công nhân mình làm cứ thập thò, hai nông dân kia họ chuyên nghiệp, thuần rồi, cứ thấy gì ngon là “vồ” luôn”. Giờ hai cặp vợ chồng nông dân Mê Linh chỉ sau mấy năm đã mua được đất, làm được nhà khang trang ngay tại nông trường kéo theo cả phong trào sản xuất của đội Xuân Quang lên theo chứ chẳng còn tình trạng hô hào khản cổ như trước. Năm 2009 đội có 7 hộ làm nhà kiên cố 2-3 tầng. Năm nay chỉ vụ xuân trúng mùa, trúng giá đã có 6 hộ khởi công làm nhà mới. Tất cả đồng tiền đó đều có nguồn gốc từ ruộng rau màu. Tôi ra đồng cùng mấy anh cán bộ đội. Đồng ở Xuân Quang được quy hoạch rất đẹp mắt. Vụ này cà chua leo đỏ trên những giàn tre, bí xanh bò oằn những giàn chống. Vợ chồng Lê Thái Học -Lê Thị Dung trước làm thuê cho cty Daewoo cũng chỉ dạng “vắt mũi nuôi miệng”. Giờ anh chị đang xây ngôi nhà ngót 200 triệu khá hoành tráng, ra đồng hái cà chua mà vẫn còn thói quen mặc áo đồng phục của Cty làm thuê thủa nào. Chị Dung bảo: “Mỗi cân bán tại ruộng 5.000đ mà chỉ 1.500đ là có lãi, mỗi sào thu lãi 5-8 triệu/vụ tuỳ thời điểm. Đúng là số tiền mà trước đây có nằm mơ giữa ban ngày chúng em cũng chẳng dám”.

Tưởng có mô hình của chính công nhân đội Xuân Quang làm giàu hiển hiện, sờ sờ ra đấy sẽ là một động lực để các đội trong nông trường rùng rùng tiến theo. Thế mà, buồn thay cho rất nhiều công nhân ở 7 đội còn lại đến học tập nhưng công nhân cứ nghĩ thu nhập không cao như đi làm thêm, không “tiền tươi thóc thật” như làm thuê mỗi ngày 50-70.000đ nên không chịu áp dụng. Thị trường làm thuê ở chân dãy Tam Đảo hiện nay lại nhiều như ốc bươu vàng. Các khu công nghiệp mọc lên như nấm xung quanh, đất đai bị thu hồi nhiều, nhà máy thuê nhân công dạng xổi theo thời vụ cực thịnh. Chính vì thế, nhiều công nhân của các đội khác vẫn mải mê săn những đồng bạc lẻ nhờ làm thuê.

Ông Nguyễn Ngọc Lai, Phó Giám đốc Nông trường Tam Đảo lý giải cho tôi nguyên nhân của các đội sản xuất không muốn làm rau màu không đơn giản như vậy mà sâu xa là do hậu quả rơi rớt thời bao cấp, tính ỉ lại còn lớn, ngại cái khó, ngại cái mới, thích thụ động. Dù sao, tư duy của công nhân vẫn nhanh hơn nông dân thuần, khi được cầm tay chỉ việc trong quá trình tiếp cận cái mới, chỉ 2 năm là họ thuần thục. Những cây màu có giá trị, thứ nhất đòi hỏi công lao động cần nhiều, thường xuyên, thứ hai kỹ thuật phải cao, phải khó, không thể thuê đại trà lao động phổ thông như trồng lúa nên mở rộng diện tích rất khó. Cho đến nay, mô hình nào cho 7 đội sản xuất còn lại của nông trường vẫn là bài toán thách đố.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm