| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ở rừng chim thú: Chuyện tình "ngưu lang, chức nữ" kiểm lâm

Thứ Ba 25/11/2014 , 07:35 (GMT+7)

Người nơi núi rừng Tây Bắc, kẻ ở mãi Tây Nguyên. Gần 10 năm xa nhau, họ nuốt nỗi nhớ vào trong. Một năm, có khi hai năm, họ mới được gặp nhau vài ngày rồi vội vã chia ly.../ Trận chiến với lợn thành tinh

Chưa về tới nhà đã... hết phép

Chuyện tình yêu của anh Trung (hiện là cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Yokdon) và chị Hà Thị Duyên, cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Xuân Nha được anh em kiểm lâm Khu Bảo tồn (KBT) thiên nhiên Xuân Nha (Vân Hồ, Sơn La) ví như ngưu lang chức nữ.

Anh quê ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Chị là cô gái dân tộc Thái, người gốc Xuân Nha. Anh học trên chị hai khóa dưới mái trường Đại học Lâm nghiệp. Năm 2006, anh ra trường rồi về Vườn quốc gia Yokdon nhận công tác. Hai năm sau, chị Duyên ra trường, anh quay về Sơn La xin được cưới.

“Bố mẹ bảo rất tôn trọng tình yêu và thương hai đứa. Tôi nghĩ làm gì mà khổ đến thế, các cụ cứ lo xa. Sau sinh con, xa chồng mới thấy bố mẹ nói đúng”, chị Duyên tâm sự.

Ngày anh cưới chị, đường đi vẫn là bùn đất nhão nhoẹt. Có đoạn, cô dâu chú rể phải xuống đi bộ. Hàng chục thanh niên trai tráng khiêng xe qua vũng lầy rồi mới đi tiếp.

Cưới xong vài ngày, anh lại lên đường trở về đơn vị. Xa chồng, chị không biết làm gì ngoài việc khóc. Ngày thứ 20, chị không thể khóc được nữa, vì nước mắt đã cạn.

Một năm ròng, chị ra vào Yokdon để thăm anh. Đi xe từ Hà Nội vào cũng mất 2 ngày một đêm. Ấn tượng với chị về Tây Nguyên là những cung đường “xấu kinh khủng” và nhiều voi. Chị vừa thăm chồng vừa ướm thử công việc xem có phù hợp với mình không nhưng thấy không hợp.

Năm 2009, chị xin về làm ở KBT thiên nhiên Xuân Nha. “Lúc chưa cưới cũng định thay đổi đấy nhưng còn trẻ, yêu là nghe theo con tim, yêu là lấy thôi”, chị kể.

Anh đi biền biệt. Một năm được nghỉ phép một lần, tranh thủ thứ Bảy và Chủ nhật, cùng lắm là thêm thứ Sáu để về thăm vợ. Nhưng chưa về tới nhà đã bị đơn vị gọi lại… vì hết phép.

Một năm sau, tình yêu đôi “ngưu lang chức nữ” đơm hoa kết trái. Một bé trai kháu khỉnh ra đời.

14-52-59_1
Nữ kiểm lâm Hà Thị Duyên

“Chồng bảo, em cứ về nhà nội sinh con, trước sinh hai ngày, kiểu gì anh cũng có mặt ở nhà. Nhưng về sau… vẫn bị lừa. Bụng mang dạ chửa một mình bắt xe khách về Thanh Hóa 300km. Đúng chín ngày sau thì sinh, sớm hơn 17 ngày. Một tháng sau anh ấy mới về”, chị Duyên nhớ lại.

Hết mấy ngày nghỉ phép, anh Trung lại khăn gói về đơn vị. Bốn tháng sau, chị bế con về nhà ngoại và lại đi tuần rừng thâu đêm suốt sáng.

Mẹ ơi ba về, sợ lắm!

Chị bảo, mỗi dịp đi đâu, nhìn gia đình người ta vợ chồng con cái bồng bế nhau mà không nén được nước mắt. Như dịp trung thu, con còn nhỏ chưa ngồi sau ôm được mẹ, vừa chạy xe vừa ôm con mà khóc rưng rức. Nhưng dần dần phải tập làm quen.

Dịp Tết, anh Trung năm được về, năm phải trực. “Con sợ bố, coi bố như người không quen biết, không chào chú cũng không chào bác. Cứ nhìn thấy bố là vừa chạy vừa khóc. Tối đến đi ngủ khóc: “Mẹ ơi mình đi ngủ chỗ khác đi, con sợ lắm”.

Sau khi biết nói, chị dạy con là phải chào bằng ba. Giờ mỗi lần ba về nó lại khóc: “Mẹ ơi, ba đến, sợ lắm”, chị Duyên ngậm ngùi kể.

14-52-59_3
Con trai đầu lòng của vợ chồng chị Duyên

Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Xuân Nha Vi Văn Thiệp bảo: Trạm có 5 người nhưng chỉ có một nữ. Đã vào lực lượng kiểm lâm thì tính chất công việc như nhau, không phân biệt nam nữ. 
Nói vậy nhưng những công việc nặng nề quá sức, anh em trong trạm thường gánh phần hơn. Chị Duyên là người có năng lực, hăng say trong công việc.
Một người phụ nữ xa chồng, một mình chăm con nhỏ, lại phụ trách địa bàn 2 bản nên gánh nặng không hề nhỏ. Vừa hoàn thành công việc vừa lo toan gia đình, con cái không phải là chuyện dễ dàng.

Chị mong mỏi từng ngày chồng được chuyển công tác về gần vợ. Nhớ chồng quá, tối nào chị cũng gọi điện kiếm chuyện “gây gổ”. Anh bảo, anh công tác trong đó lâu rồi, quen môi trường, quen anh em bạn bè, giờ chuyển ra cũng không đành. Công việc níu đôi chân anh ở lại Yokdon.

Chị tâm sự: “Phụ nữ có chồng công tác xa ai chẳng lo. Lúc nào cũng lo đấy nhưng phải tin tưởng nhau, tự an ủi mình thôi. Anh Trung cũng không có tính lăng nhăng đâu. Nhưng có lúc đi đâu đấy thấy người ta bồ bịch lại cảm giác không yên tâm. Tối đến kiểu gì cũng gọi điện “gây gổ” với chồng”.

Càng gặp lâm tặc… càng hăng

2-3 giờ sáng, chị nhận được điện báo của người dân có xe chở gỗ lậu qua địa bàn phụ trách. Bất kể giá rét, đêm tối, chị bật dậy mặc áo mưa lao ra đường.

“Thời gian đầu cũng sợ lắm. Thân nữ một mình ra đường trong đêm tối, đối mặt với lâm tặc. Bị ngã xe thì như cơm bữa. Số lần bị lâm tặc dùng dao chém lốp xe thì không thể nhớ nổi. Đi tuần, gặp đường khó phải đi bộ. Xe máy thì để tạm một chỗ. Lúc đi tuần về thì thấy lốp xe bị chém tơi tả, lòi săm ra ngoài”, chị kể.

Nhiều lần vào nửa đêm, trạm báo động có xe vận chuyển gỗ lậu. Lâm tặc rải đinh hòng ngăn cản sự truy đuổi của kiểm lâm. Chị nhanh chân đi tắt, cặm cụi nhặt từng cây đinh, mở đường cho đồng đội truy đuổi xe gỗ lậu. Lúc quay ra bị các đối tượng cắt cả phanh xe.

Năm 2012, vào lúc 2h sáng một ngày thứ Bảy, nhận được tin báo của người dân có xe vi phạm. Vào gần tới nơi, chị mượn thêm mấy xe máy của người dân, đem ra dựng giữa đường làm hàng rào chắn. Đó là một chiếc xe taxi 4 chỗ. “Anh đi đâu đấy, cho em đi nhờ với. Em có việc phải ra ngoài kia gấp”. “Xe chở người ốm, không đi được đâu”. “Xin giới thiệu với anh, tôi là kiểm lâm phụ trách địa bàn ở đây. Tôi nhận được tin báo của người dân về xe vi phạm, mời anh xuống xe và cho kiểm tra”.

Hai người đàn ông trong xe cương quyết không mở cửa, cố thủ trong xe đối đáp: “Xe tôi không có gì cả, chị không phải kiểm tra đâu”. Chị thò tay giật mạnh cánh cửa. Soi đèn pin, phát hiện trong xe có gỗ dổi, chị nhanh tay rút chìa khóa tránh trường hợp đối tượng rồ ga bỏ chạy. Ngay lập tức chị gọi điện thông báo về trạm. Lát sau, lực lượng kiểm lâm của trạm có mặt. Tang vật thu giữ tại hiện trường là hai hộp gỗ dổi. Chiếc xe taxi được đưa về trạm để lập biên bản.

“Đó là chuyện thường ngày của công việc. Thật ra thì cũng liều thôi. Càng gặp những chuyện như thế thì càng hăng say, yêu nghề hơn thôi. Nhìn thấy lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ ngay trong địa bàn của mình thì sao mà chịu được. Một tấc gỗ, một hộp gỗ cũng là vi phạm rồi”.

Biết xin chị hay trạm không được, người vi phạm đến tận nhà “mách” bố đẻ của chị rằng "con của ông thế này thế nọ". Bố chị bảo: “Việc con tôi làm là việc của Nhà nước. Các ông sai thì các ông phải chịu, thế thôi”. Nhiều người bảo, bố chị cứ như hạt trưởng kiểm lâm vậy.

“Mỗi lần phải đi bắt gỗ lậu nửa đêm, ông bà ngoại lại dậy bế cháu để tôi đi. Những hôm đó, ông bà phải địu trên lưng cả đêm cháu mới ngủ. Thương con, thương cháu nên ông bà không một lời than phiền”, chị Duyên chia sẻ. (Hết)

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm