| Hotline: 0983.970.780

Chuyện thầy cúng, thầy giáo

Thứ Hai 21/02/2011 , 09:58 (GMT+7)

Nhà nghèo nhưng đám ma người Mông vẫn kéo dài ít nhất 3 ngày, mổ vài con lợn. Nhà giàu đám ma 7 ngày 7 đêm mổ tới 2-3 con bò, lợn, dê cả chục con.

Đứa cháu trai của ông Ly Sáu Chớ, trưởng bản Xúa Do (Lũng Pù, Mèo Vạc, Hà Giang), mới 9 tháng tuổi, ốm quá, mời thầy cúng mổ 2 con gà cũng không khỏi, cuối cùng chết non một cách tức tưởi. Nhà nghèo nhưng đám ma người Mông vẫn kéo dài ít nhất 3 ngày, mổ vài con lợn. Nhà giàu đám ma 7 ngày 7 đêm mổ tới 2-3 con bò, lợn, dê cả chục con.

>> Ký sự rẻo cao

Quyền lực thầy cúng

Một thanh niên Mông say vật bên đường.

Mỗi đám ma như thế rượu chảy tràn còn nhiều hơn cả đám cưới. Như đám cưới của đứa con ông Chớ có tầm trên 400 lít rượu nhưng đám ma đứa cháu trai ông, họ hàng, dân bản đến góp tới gần 40 can rượu, tức khoảng 800 lít. Ngoài góp rượu, còn góp mỗi người một xinh ngô (hơn một yến), họ hàng ruột thịt còn dắt dê, lợn, bò đến góp cỗ, tốn kém vô cùng…Xúa Do có 60 hộ nhưng có 5-6 thầy cúng hành nghề và hiếm khi ế khách.

Thầy cúng đối với người Mông quan trọng như chính cha, mẹ mình vậy. Làm nhà mới cúng, ốm đau bệnh hoạn cúng đến phụ nữ đẻ con không được cũng cứ phải cúng đã. Khi nào cúng không khỏi mới đem đi trạm xá, bệnh viện khám. Theo quan niệm của người Mông, tổ tiên thuộc loại ma lành phù hộ cho con cháu, tuy nhiên nếu không cúng cẩn thận thì tổ tiên sẽ bắt phạt, làm cho con cháu ốm đau hoặc đôi khi về đòi trâu, đòi lợn. Ngoài cúng ma tổ tiên còn có cúng cột chính thờ ma lợn. Cột chính liên quan đến sức khỏe và vận mệnh của gia đình, rất thiêng liêng nên người Mông không được dựa vào cột, không treo quần áo, đồ vật . Nếu sinh con trai người Mông còn chôn nhau thai nhi ở cột chính nên khi lìa đời, thầy cúng phải chỉ đường cho linh hồn về nhận lại nhau. Cúng ma cửa có tác dụng xua đuổi, ngăn ma ác vào nhà, bảo vệ gia súc, của cải, bảo vệ linh hồn của các thành viên. Cúng ma bếp lò để cho việc sinh nở của phụ nữ thuận lợi, cho lợn gà đầy chuồng, trâu bò buộc kín cột.

Tôi đến nhà thầy cúng Ly Sáu Phùa ở bản Xúa Do. Ông Phùa năm nay 63 tuổi, xấp xỉ 40 năm làm thầy cúng. Nhà ông Phùa cũng như bao nhà người Mông khác, ẩm thấp và tối tăm, chỉ khác cái trong vườn nhà ông có trồng một cây cúng ma, lá be bé tựa như cây nhài, cây ngâu, có nuôi 2 con gà trống to, bàn thờ có nhiều bùa chú.

Ông Phùa nói được một ít tiếng Kinh, hỏi ra mới biết ông trước đây còn làm giáo viên tới mấy năm, trình độ chữ nghĩa nhất nhì bản. Cái bát hương của thầy cúng Phùa cũng khác thường, nó được ghép bằng nhiều mảnh sừng trâu đã cưa nhỏ. Mỗi năm, trước khi ăn tết (tết người Mông trước tết người Kinh 1 tháng), thầy cúng phải đốt hết bùa cúng, thay đồ mới rồi cắt cổ hai con gà trống thật lớn, lấy mấy túm lông dính vào bát máu, dán lên giấy bùa thì lời cúng mới thiêng, mới đuổi được con ma nhà, ma bản, mời được thần đất, thần trời. Hôm tôi ngủ ở bản Pắc Cạm A, nhà bên cạnh tiếng rì rầm phát ra thâu đêm, suốt sáng.

Thì ra Vừ Thị Lía tổ chức cúng cho chồng là Vừ Mí Già. Ông Già trước vẫn khoẻ mạnh, leo núi, vượt dốc băng băng, cả tuần nay, cái chân bỗng nhiên sưng tấy, đi phải chống gậy mà vẫn còng gập nơi góc nhà, chẳng nhúc nhích được mấy tí. Thầy cúng nghe đồn rất cao tay được bà Lía vời từ bản Mông bên huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng. Muốn sang được Pắc Cạm ông thầy phải chống mảng (một loại bè gỗ) vượt sông Nho Quế. Lễ vật nhà bà Lía cũng nghèo, chỉ có một con gà be bé và 4 chai rượu 650ml. Sau lễ cúng chừng 2 tiếng, thầy cúng hua hua lá bùa, làm phép đuổi con ma xấu đang trong người của Già. Xong lễ, con gà được ngả ra, 4 chai rượu được rót tràn bát, thầy cúng lẫn những người họ hàng, làng xóm của Già khề khà suốt đêm. Sáng hôm sau khi thầy khật khưỡng vượt dốc đi về Cao Bằng còn Vừ Mí Già vẫn lọc cọc nhăn nhó chống gậy nơi xó bếp.

"Sẹo Sơn Vĩ" và nỗi niềm người "chở đò"... trên núi

Người ta thường ví von rằng, thầy cô giáo là những người đưa đò nhưng việc dạy học ở trên miền biên giới như Mèo Vạc, việc đưa đò ấy không phẳng lặng mà đầy bão giông. Hôm tôi đến bản Há Tỏ Sò, thấy một đám người Mông vừa xếp hàng rào đá, vừa chuyện trò rôm rả. Chẳng ngờ được rằng, một trong số người mà tôi nhầm tưởng bà con dân tộc ấy là thầy giáo mà lại chính cống người Kinh.

Lớp học tạm bợ bên hiên nhà.

Anh tên Trần Văn Thiện và vợ cũng người gốc xuôi, cùng dạy ở điểm trường Há Tỏ Sò, nơi có 35 học sinh tiểu học, 24 mẫu giáo. Năm đầu tiên lên vùng cao, đường xá còn khó, thầy giáo Thiện phải đi bộ từ Mèo Vạc vào xã Sơn Vĩ dài cỡ 40 km đường núi. Đi từ sáng sớm đến tối mịt, khi đôi chân tưởng như không còn nghe lời cái đầu nữa, những khớp xương như rời ra, các thớ thịt căng cứng mới tới nơi. Buổi đầu, lạ nước, lạ cái, tiếng lại không biết nên nhiều bữa, có tiền cũng không biết mua thức ăn, nhịn đói là chuyện thường. Thế nên bí kíp truyền khẩu của giáo viên vùng cao việc đầu tiên phải nằm lòng là học tiếng Mông để mà tồn tại (học tiếng Mông để mua bán với người Mông). Không biết tiếng Mông, ra chợ mớ rau, con cá cũng không biết mua, bao gạo cũng không biết trả giá, đồng dầu, đồng muối cũng tậm tà tậm tịt làm sao trụ nổi những khắc nghiệt ở xứ này?

Ở tuổi mẫu giáo trong khi các bé dưới xuôi chề môi chạy như ma đuổi trốn những thìa sữa, thỏi bơ, bát cháo đầy dinh dưỡng thì các em nhỏ người Mông ở nhà đã phải trông lũ em trứng vịt, trứng gà. Tuổi học cấp một trẻ con đã phải đi làm nương, đi chăn dê, lấy củi, cắt cỏ bò, vặt rau lợn, xếp hàng rào đá…gần như một lao động chủ lực. Thầy giáo Thiện kể: “Dân vận phải thật khéo kẻo đến nhà bố mẹ đóng cửa, thả chó…ra đuổi cho cô thầy chạy chí chết ngay. Muốn thế phải rành phong tục của đồng bào. Đầu tiên đến là phải uống rượu. Cứ hết vài bát rượu ngô, bung biêng con mắt rồi cái tai mới thích nghe chuyện, cái miệng mới lựa lời mà vào đề. Cũng không được nói chuyện cho con đi học ngay mà phải hỏi vòng, đi vào tình cảm của đồng bào như năm nay ngô, thóc thế nào? Có tốt không? Có đủ nước không? Thu được bao xinh (đơn vị tính của người Mông, khoảng gần 20kg)? Trâu bò ra sao, có bị bệnh không, gầy hay béo, bán được con nào chưa?…Chuyện lâu lâu mình mới thủ thỉ, làm cây ngô muốn tốt phải biết cách bón phân, biết trồng giống mới. Cái đầu có sáng, có chữ mới làm được thế nên cái chữ cũng quan trọng chẳng kém gì bao ngô giống, cái quẩy tấu phân bò, cái địu cỏ bò tươi tốt cả. Cho con em đi học cũng có nhiều cái lợi”.

Có lần ở xã Sơn Vĩ, thầy Thiện đến tận nhà đứa bé vận động năm lần, bảy lượt rồi, thuyết phục ngọt chẳng kém đõ mật ong trong rừng nên nghe chừng bố mẹ đứa bé cũng xuôi xuôi. Không ngờ, bữa đó, nó ngồi trên đống ngô, nghe đến chuyện đi học cứ chọn những bắp to nhất, nặng nhất nhằm thẳng vào mặt thầy Thiện mà…ra sức ném và chửi rủa bằng những tràng tiếng Mông dài không ngớt. Không nản, hôm sau thầy Thiện lại đến, lần này trên tay còn có gói kẹo kèm theo nên mắt đứa bé sáng lên, dạn dĩ hẳn, nỗi sợ đi học cũng nguôi nguôi. Ăn hết gói kẹo, nó để cho thầy giáo cầm tay dẫn đến trường, mọi chuyện tưởng xuôi chèo, mát méo ai ngờ gần tới nơi, nó cứ trực đường mòn be bé vắt trên ngọn núi gần trường mà vùng phá chạy. Thầy giáo đuổi theo thôi thốc một hồi mới bế được nó vào lớp. Nó giãy. Nó cào. Nó cắn. Nó véo đến chảy cả máu thầy. Thầy Thiện lặng lẽ vén tay áo lên, chỉ cho tôi xem một dấu vết mờ mờ nơi cườm tay mà anh gọi vui là “sẹo Sơn Vĩ”. Dù đã cả chục năm trôi qua sau trận vận động đến tóe máu kia, dấu vết đó vẫn còn khắc sâu.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất