| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình bên hàng rào điện tử

Thứ Hai 01/08/2011 , 10:54 (GMT+7)

Câu chuyện tình yêu, hạnh phúc của đôi vợ chồng Dương Bá Quy và Nguyễn Thị Thuỷ ở làng An Mỹ như bản tình ca sống mãi với thời gian.

Câu chuyện tình yêu, hạnh phúc của đôi vợ chồng thương binh hạng 3/4 Dương Bá Quy và Nguyễn Thị Thuỷ ở làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, như bản tình ca sống mãi với thời gian.

>> Cổ tích về vợ chồng thương binh mù
>> Nến cong cho lửa thẳng
>> Thế là mẹ đã ra đi khi con chưa tìm được mộ anh!
>> Duyên tình xin hẹn kiếp sau
>> Họ đã yêu và sống

Hạnh phúc là gì mà bao lần ta lúng túng

Gio Linh, từ giữa cuối những năm sáu mươi của thế kỷ trước là một vành đai trắng, đầy rẫy bom đạn. Quân Mỹ đã lập lên một hàng rào chiến lược còn có tên gọi là hàng rào điện tử McNamara nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho miền Nam. Với chủ trương của quân Mỹ lúc ấy là “đốt sạch, giết sạch, phá sạch”, Gio Linh trở thành vùng đất chết. Không có dân, không có nhà cửa, ruộng đồng bị thiêu cháy trơ trụi như một bãi tha ma.

Ông Dương Bá Quy và bà Nguyễn Thị Thuỷ ngày ấy đều là du kích xã Gio Mỹ. Cuộc sống, chiến đấu hết sức tàn khốc, suốt ngày chỉ có chết chóc và máu lửa của chiến tranh. Gia đình bà Thuỷ có 10 người thì 7 đã chết và hy sinh vì bom đạn Mỹ, trong đó có bố và mẹ. Căm thù giặc, bà càng nung nấu hơn ý chí quyết tâm chiến đấu để trả thù nhà, giành lấy độc lập cho quê hương. Còn ông Quy, ngay từ thời thiếu niên đã được xem như “chú bé liên lạc” nổi tiếng nhất vùng. Sự gan dạ, mưu trí, dũng cảm và tình yêu quê hương đất nước đã đưa hai người cùng chung chí hướng trong một chiến hào trong những ngày đánh giặc Mỹ.

Nhiệm vụ của ông Quy, bà Thuỷ và những du kích là phá hàng rào điện tử để mở tuyến cho miền Bắc chi viện vào chiến trường miền Nam. Là du kích nhưng ông kinh qua nhiều công việc như trinh sát, đặc công, cảm tử quân... Với ông làm gì cũng không ngại khó khăn, miễn sao là diệt được quân giặc.

Bây giờ tuổi gần 70, nhưng hồi ức về tình yêu và chiến tranh của hai vợ chồng người thương binh này vẫn còn cháy bỏng, nồng nàn. Bà Thuỷ nhớ lại, hồi đó ông yêu bà nhiều lắm mà không dám nói. Sau mỗi trận đánh lớn là ông về kể chuyện diệt giặc cho bà nghe. Ông Quy thú thật là mình tuy gan dạ nhưng trước người đẹp lại ngượng ngùng, yêu nhưng nói ra sợ bà không nhận lời thì còn ngại hơn... đánh giặc.

Tình yêu của hai người xuất phát từ sự chân thành rất đỗi tự nhiên. Hồi ấy thấy gia đình bà Thuỷ bị hy sinh gần hết nên ông Quy đã đề nghị cấp trên cho bà ra miền Bắc học tập để có được cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Ý tưởng nhân văn của ông Quy được cấp trên đồng ý song bà Thuỷ lại thẳng thừng từ chối. Nhiều lần bà tự hỏi hạnh phúc là gì nếu không phải là được trực tiếp cầm súng chiến đấu đối mặt với quân thù?

Cho đến một hôm bà Thuỷ nói với ông Quy muốn ở lại chiến trường để trả thù cho gia đình, quê hương và để được gần người đồng đội yêu thương Dương Bá Quy. Ông Quy nghe bà nói vậy không tin vào tai mình, ông mừng run cả người. Hai người đã thề hẹn với nhau khi nào dành được nhiều Huân chương chiến công và danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ thì sẽ tổ chức ngày cưới.

Thời gian này, cuộc sống chiến đấu của những du kích xã Gio Mỹ diễn ra vô cùng gian khổ và ác liệt. Có hôm sau khi vào đánh đồn cảm tử, mình ông phải vác hết 30 thi thể liệt sĩ ra ngoài tuyến để khâm liệm, chôn cất. Ngồi kể chuyện cũ mà ông Quy đỏ hoe đôi mắt, nghẹn ngào: “Cứ mỗi lần nhìn đồng đội hy sinh mà không khóc được, không ai được phép khóc, khóc là nhụt chí".

Sau sáu năm yêu nhau, món quà ông dành tặng người yêu là 18 danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, 10 lần bị thương qua 67 trận đánh. Ông được vinh dự ra Hà Nội dự đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua. Còn bà, phận gái chân yếu tay mềm nhưng cũng không chịu trắng tay với 5 danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Đón nhận quà tặng đặc biệt ấy bà hứa với người yêu: “Anh với em như bức thành đồng, là lá chắn vững chắc trên trận tuyến diệt quân thù”.

Trung Dũng, Trung Kiên, Trung Thành...

Tình yêu của hai người nhanh chóng được báo lên và cấp trên đồng ý. Một lễ cưới đơn sơ được đơn vị quyết định tổ chức tại một địa điểm bí mật ngay trên hàng rào điện tử McNamara. Trước ngày cưới mấy hôm, một “hội trường” nhỏ được dựng lên trong hầm bí mật mà bàn ghế là những thùng đạn, rồi xẻ bao bạt làm khăn trải bàn. Nhà gái bí mật lên tận rừng hái măng về làm thức ăn. Nhà trai đi bắt cá đồng để gọi là phần “sính lễ” cho nhà gái. Còn đơn vị tặng quà là những gói kẹo được sản xuất từ Hà Nội và thuốc lá gói Tam Đảo từ phía bờ Bắc gửi qua.

 Đơn sơ là vậy nhưng có đến 160 người là đồng đội, bạn bè đến dự tiệc cưới. Đến phần phát biểu với đơn vị và bà con hai bên, ông Quy cứ run bần bật. Sau tiết mục phát biểu, trao quà cưới là ăn tiệc cưới. Cơm ăn với cá rô đồng kho măng là món ăn duy nhất của lễ cưới. Trước đại diện hai bên, cô dâu chú rể thề nguyện bên nhau trọn đời, và sinh con đầu lòng, dù trai hay gái đều đặt tên con là Trung Dũng, nguyện thể hiện một tấm lòng trung thành với đất nước, chung thuỷ với tình yêu.

 Nghe vậy, nhiều người đã chai sạn với bom đạn chiến tranh nhưng ít ai cầm được nước mắt. Họ khóc vì giữa chiến tranh đang ác liệt như thế, biết sống chết khi nào mà hẹn thề trăm năm đầu bạc răng long. Ông Quy và bà Thuỷ còn nhớ như in giữa lúc đám cưới đang diễn ra máy bay Mỹ cứ quần qua quần lại trên đầu. Còn đạn pháo Mỹ từ Cửa Việt bắn lên cứ đì đoàng, nhiều lúc tưởng chừng như chúng đã phát hiện ra đám cưới. Mọi người cố nén im lặng, máy bay đi qua, tiếng pháo ngớt dần, họ lại vỗ tay hát mừng hạnh phúc....

Vừa cưới xong, ông bà chưa được ở bên nhau bao lâu thì vài ngày sau cả hai người đều ra trận. Tại trận đánh hôm đó ông bị thương nặng phải chuyển ra miền Bắc điều trị. Bà ở lại tiếp tục chiến đấu. Biết mình có thai bà không biết làm sao để báo tin vui cho chồng. Khi ông nhận được tin vui cũng là lúc cả huyện Gio Linh đón nhận tin vui chiến thắng, quê nhà được giải phóng vào năm 1972.

Đồng lương mỗi tháng của hai vợ chồng thương binh và gom nhiều khoản nữa thì thu nhập của họ chỉ mới 3 triệu đồng. Ngần ấy tiền, ông bà tính toán khéo lắm mới đủ tiền đi đám giỗ hàng tháng cho những liệt sĩ là đồng đội đã ngã xuống trên đất Gio Linh anh hùng. Ông bà sống với 2 sào ruộng ở làng quê nghèo An Mỹ.

Ông Quy cũng không phải đợi quá lâu, món quà yêu thương bà dành tặng chồng là một cậu con trai kháu khỉnh. Nhớ lời hẹn ước, họ đặt tên con là Dương Trung Dũng. Kể từ đó, bà ở lại quê hương với người con trai, ông Quy tiếp tục đi chiến đấu đến ngày đất nước giải phóng mới được trở về đoàn tụ với gia đình.

Những ngày sống trong hoà bình, ông bà sinh con ra đều đặt cho con những cái tên đã “mặc định” từ trước đó, như Dương Trung Kiên, Dương Trung Thành, Dương Trung Sơn... Lý giải cho chuyện sinh đến 6 người con, ông Quy nói ám ảnh về sự chết chóc, hy sinh của chiến tranh không bao giờ nguôi trong đầu. Ông sinh con nhiều lỡ mai này đất nước có chiến tranh, những người con của ông lại tiếp sứ mạng của bố mẹ mình, cầm súng ra trận bảo vệ Tổ quốc. Nhìn sáu người con ra đời được vuông tròn, sức khoẻ, ông bà hạnh phúc bảo rằng đó là lộc của cuộc đời dành tặng cho họ.

Nhớ về những ngày tháng chiến tranh, ông bà lại mang những Huân, Huy chương của mình ra để tìm lại ký ức. Trên mỗi tấm Huân, Huy chương ấy là một câu chuyện đầy nước mắt về một thời họ đã yêu và sống bằng cả khát vọng mãnh liệt vì hoà bình, hạnh phúc và tương lai của đất nước. Hôm nay, ông bà lại kể về những câu chuyện ấy cho con cháu mình nghe.

Với ông Quy, ông đã là anh hùng trong lòng dân. Những đồng đội, những người bạn cũng như nhân dân Quảng Trị quý mến, gọi ông là Anh hùng Dương Bá Quy.

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu không để lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ như năm 2023

Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đảm bảo dự án được đấu điện trước 30/6.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…

Bình luận mới nhất