| Hotline: 0983.970.780

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam:

Chuyển từ khai thác tự nhiên sang canh tác biển hiện đại

Thứ Hai 21/05/2018 , 08:01 (GMT+7)

Việt Nam là quốc gia biển, với bờ biển dài 3.260 km, vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, có gần 4.000 đảo lớn...

“Nghề nuôi biển của chúng ta hiện nay mới chỉ ở bước khởi đầu, còn rất yếu kém, chủ yếu nuôi ở đới ven bờ, công nghệ thủ công, lạc hậu. Nhà nước cần sớm xây dựng kế hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, có chính sách khuyến khích và ưu tiên nhằm thu hút đầu tư để ngư dân chuyển dần từ khai thác tự nhiên sang canh tác biển hiện đại, bền vững”.

Đó là đề xuất của PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA).

05-07-21-pgs-ts-nguyen-huu-dung-chu-tich-hiep-hoi-nuoi-bien-viet-nm133112190
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng

Xin ông cho biết tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề nuôi biển công nghiệp của Việt Nam?

Việt Nam là quốc gia biển, với bờ biển dài 3.260 km, vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, có gần 4.000 đảo lớn, nhỏ. Cả nước có 28 tỉnh, thành có đường bờ biển. Đường bờ biển của Việt Nam dài và khúc khuỷu, lại được các đảo che chắn, có nhiều vũng, vịnh và nhiều cửa sông lớn đổ ra biển... rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi biển công nghiệp.

Theo dự báo của Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp quốc (FAO), đến năm 2030 dân số thế giới sẽ tăng lên khoảng 8,5 tỷ người, với mức tiêu thụ bình quân 17,85 kg thủy sản/người/năm. Nếu với mức độ sản xuất hiện nay, sản lượng thủy sản sẽ thiếu hụt khoảng 20 triệu tấn vào năm 2030. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn thế giới ngày càng lớn, trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, thì việc chuyển dần từ khai thác nguồn lợi tự nhiên sang các phương thức canh tác biển hiện đại, bền vững là xu thế tất yếu. FAO dự báo, tỷ trọng thủy sản nuôi trồng trong tổng sản lượng thủy sản sẽ tăng từ 52% (hiện nay) lên 62% (năm 2030) và dự báo giá cả thủy sản cũng tăng thêm từ 40-60%.

Hiện nay nghề nuôi biển của Việt Nam đang phát triển như thế nào, có những khó khăn, thách thức gì?

Hiện nay, chúng ta đang có rất ít doanh nghiệp nuôi biển, hầu hết các trang trại nuôi biển đều là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, ở vùng ven bờ. Rủi ro ô nhiễm môi trường cao, nguồn lợi biển ngày càng suy giảm nghiêm trọng, quản lý môi trường biển còn lỏng lẻo. Hệ thống cảnh báo và kiểm soát an ninh kém, đây là thách thức lớn cho việc nuôi biển xa bờ. Liên kết giữa các trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, con giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối... còn rất yếu kém. Hoạt động phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm còn yếu, phụ thuộc chủ yếu vào thương lái trung gian nhỏ lẻ.

Chúng ta chưa xây dựng được chiến lược và kế hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, thiếu chính sách khuyến khích và ưu tiên nhằm thu hút đầu tư. Công cụ quản lý nhà nước yếu và không có cơ chế đồng quản lý hiệu quả.

Vậy cầm làm gì để nghề nuôi biển Việt Nam phát huy được hết tiềm năng, lợi thế?

Trước hết, cần sớm xây dựng và ban hành Chiến lược và Đề án phát triển công nghiệp nuôi biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; Xây dựng nghị định về các chính sách phát triển nuôi biển như: nhà nước giao quyền sử dụng vùng biển dài hạn (đến 30-50 năm) cho chủ đầu tư, có chính sách về tín dụng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, bảo hiểm nuôi biển...; Xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nuôi biển chủ lực, từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, nuôi, bảo quản, chế biến, xuất khẩu, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ.

Chúng ta cần phát triển nuôi biển cả trong các eo vịnh ven bờ, ven các đảo và quần đảo, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Huy động nguồn lực kinh tế kỹ thuật của các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí chế tạo, viễn thông, điều khiển học, nuôi trồng và chế biến, dịch vụ, thương mại thủy sản.

Công nghệ nuôi biển của thế giới đã phát triển tới mức nào? Những công nghệ nào có thể áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam?

Công nghệ nuôi biển trên thế giới hiện nay rất phát triển, như công nghệ chế tạo các lồng bè, thiết bị nuôi tiên tiến, với các phương thức lồng nổi, lồng bán chìm, lồng chìm, bằng các loại vật liệu bền vững, chịu nước mặn, hoạt động ổn định lâu dài ở khơi xa trong điều kiện bão tố (cấp 12-14) và thời tiết khắc nghiệt nhất; công nghệ sinh học phục vụ sinh sản nhân tạo đàn giống chất lượng cao, sạch bệnh; công nghệ dự trữ và phun thức ăn công nghiệp tự động đến từng lồng nuôi, tùy chỉnh theo cỡ cá, tình trạng thời tiết, tập tính ăn của cá; công nghệ các thiết bị camera chìm quan sát hoạt động của đàn cá nuôi, tình trạng tiêu thụ thức ăn, đo kích cỡ để ước tính trọng lượng đàn cá, cảnh báo dịch bệnh, theo dõi tình trạng lồng lưới; công nghệ nhuộm lưới bằng các chất chống bám bẩn sinh học để bảo vệ lưới an toàn và sạch sẽ trong suốt quá trình nuôi; công nghệ tự động real-time kiểm soát môi trường biển; công nghệ phát điện bằng năng lượng mặt trời, gió, sóng, thủy triều; công nghệ tự động lọc nước ngọt từ nước biển; công nghệ thông tin và điều khiển tự động...

10-56-57_1_cty_trn_phu_thu_nghiem_thnh_cong_nghe_nuoi_bien_bng_cong_nghe_hien_di_cu_n_uy_mo_r_huong_pht_trien_moi_cho_ngu_dn_kien_ging_2
Cty Trấn Phú nuôi biển xa bờ bằng công nghệ Na Uy tại vùng biển Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: NT

Hiện nay, chúng ta đã nhập nội, sử dụng nhiều năm và tự sản xuất được một ít công nghệ nuôi biển bền, chịu nước mặn, hoạt động ổn định trong bão cấp 12 và thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với điều kiện biển nhiệt đới Việt Nam, điển hình là lồng tròn bằng nhựa HDPE kiểu Na Uy, có đường kính 15 – 30 – 50 mét. Cần tìm hiểu, nhập nội, nghiên cứu và hợp tác sản xuất các lồng cầu bằng thép hoặc nhựa HDPE (của Mỹ); lồng lưới chìm hình nón (Mỹ, Hàn Quốc); lồng lưới chìm cố định (Achentina); hệ thống lồng chìm liên kết 1 neo SubFlex (Israel); lồng thép hình tròn khổng lồ nuôi cá đại dương, tàu nuôi cá đại dương (Na Uy); lồng lưới treo nuôi nhuyễn thể xuất xứ từ nhiều nước...

Ông có thể giới thiệu đôi nét về vai trò, hoạt động của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam?

Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam được thành lập vào ngày 9/11/2016, với 108 hội viên, đến nay đã tăng lên 160 hội viên. Hiệp hội đã tham gia góp ý xây dựng Luật Thủy sản sửa đổi, được Quốc hội ban hành cuối năm 2017, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển nghề cá nhân dân thành nghề cá thương mại và phát triển bền vững. Hiệp hội cũng đã chủ động đề xuất và tham gia xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp nuôi biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 trình Bộ NN-PTNT; đã và đang kiến nghị với Nhà nước các chủ trương và giải pháp phát triển nuôi biển, tăng nhanh số doanh nghiệp nuôi biển Việt Nam bằng cách hỗ trợ ngư dân và doanh nhân đầu tư vào nuôi biển công nghiệp..

Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã và đang thỏa thuận hợp tác với rất nhiều đơn vị trong nước, như: Bộ NN-PTNT, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng Cục Biển đảo, Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy, các tỉnh Kiên Giang, Quảng Ninh và hợp tác với các nước: Na Uy, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Nhật Bản, Israel, Hà Lan, khối ASEAN... để phát triển, ứng dụng công nghệ trong nghề nuôi biển công nghiệp hiện đại, bền vững.

Sự nghiệp phát triển canh tác biển còn rất lâu dài và nhiều khó khăn, nhưng nhất định chúng ta sẽ thành công trong việc đưa Việt Nam thành một cường quốc về nuôi biển công nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.