| Hotline: 0983.970.780

Chuyển từ thủy lợi phục vụ sang dịch vụ

Thứ Năm 23/11/2017 , 08:30 (GMT+7)

Ngày 1/7/2018, Luật Thủy lợi sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) về những tác động tích cực của luật đến ngành thủy lợi.

14-46-35_img_2842
Ông Nguyễn Văn Tỉnh (đứng giữa), Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đi kiểm tra an toàn hồ đập


Ưu tiên sửa chữa, nâng cấp công trình

Ông có thể đánh giá khái quát những thiệt hại của hệ thống thủy lợi do bão số 12 và mưa, lũ lớn sau bão vừa qua gây ra?

Cơn bão số 12 và đợt mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão cũng như không khí lạnh đã gây mưa lớn, đặc biệt lớn ở một số tỉnh khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.

Nhiều công trình thủy lợi như đập tạm, kênh mương đã bị hư hỏng, một số hồ chứa đã xảy ra 5 sự cố do dòng chảy đến hồ vượt quá thiết kế, như hồ Nước Rôn - Quảng Nam, hồ Cự Lễ và Mỹ Đức - Bình Định, hồ Đá Bàn và Tiên Du - Khánh Hòa. Các sự cố trên đã được các địa phương, đơn vị quản lý hồ xử lý khẩn cấp, bảo đảm an toàn trước mắt, sau mùa mưa lũ sẽ tiếp tục xử lý triệt để.

Làm gì để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong trường hợp khẩn cấp và về lâu dài phải đầu tư cải tạo, nâng cấp như thế nào để bảo đảm an toàn tuyệt đối các công trình thủy lợi, thưa ông?

Hồ chứa ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên là nhóm công trình có nguy cơ mất an toàn rất cao, vì đa số là các hồ chứa nhỏ, đập đất xây dựng trong điều kiện kinh tế khó khăn, công nghệ, kỹ thuật lạc hậu và do cấp huyện, xã quản lý với trình độ chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu, nhất là khi có mưa, lũ cực đoan, khi nước tràn qua đỉnh đập, sẽ gây vỡ đập.

Để bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du, với các hồ chứa nhỏ, đơn vị quản lý phải tổ chức canh coi 24/24h, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện ứng cứu khi xảy ra sự cố; thực hiện chống tràn qua đập đất, hạ thấp mực nước trong hồ bằng cách mở rộng khẩn cấp tràn xả lũ; sẵn sàng di dân khi có nguy cơ sự cố, như di dời 250 hộ dân ở hạ du hồ chứa Nước Rôn - Quảng Nam khi hồ có sự cố vừa qua, không để xảy ra thiệt hại về người.

Đối với các hồ chứa có cửa van điều tiết lũ, cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa để chủ động hạ thấp mực nước để tạo dung tích đón lũ, tránh xả lũ cấp tập và cắt lũ để giảm ngập lụt ở vùng hạ du. Thực tế, để đối phó với đợt mưa lớn vừa qua, các hồ chứa thủy lợi lớn, như hồ Nước Trong - Quảng Ngãi cùng các hồ thủy điện Đak Đrinh, đã cắt giảm lũ khá tốt…

14-46-35_img_2846
Ảnh: Hiền Minh

Các hồ chứa cần tiếp tục được sửa chữa, nâng cấp. Hiện nay, trên địa bàn cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa đang bị xuống cấp nghiêm trọng (350 hồ xung yếu), nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn hồ rất cao, nhất là trong điều kiện diễn biến phức tạp, dị thường của thời tiết.

Trong số các hồ bị xuống cấp, đã có danh mục 450 hồ của 34 địa phương đã đưa vào nội dung thực hiện của Dự án WB8, số còn lại (750 hồ), Tổng cục Thủy lợi báo cáo Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp.

Về hiệu quả cắt lũ, chỉ tính riêng các hồ thủy lợi nêu trên, đã cắt giảm được tổng lượng lũ là 631 triệu m3 (tổng số 1,27 tỷ m3 nước về hồ, chiếm gần 50%), góp phần giảm ngập lụt đáng kể cho hạ du, đồng thời giữ an toàn cho công trình đầu mối. Điển hình như hồ Tả Trạch đã cắt giảm được lưu lượng đỉnh lũ 4.900 m3/s (bằng 90% lưu lượng đến hồ), giảm ngập lụt cho hạ lưu được hơn 60cm.
 

Chuyển từ thủy lợi phục vụ sang dịch vụ

Luật Thủy lợi sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018, ông đánh giá như thế nào về sự tác động của luật đối với ngành thủy lợi?

Luật Thủy lợi là văn bản quan trọng, có tác động, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động thủy lợi. Nội dung luật có nhiều điểm mới, thay đổi căn bản so với các quy định đã được ban hành trước đây, là các chính sách tạo động lực, có tác động căn bản tới ngành thủy lợi.

Luật Thủy lợi sẽ làm thay đổi nhận thức xã hội, từ thủy lợi “phục vụ” sang “dịch vụ”; gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi; giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất nước là hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm qua việc chuyển từ cơ chế phí, sang cơ chế giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Bên cạnh đó, các quy định cụ thể trong việc tiết kiệm nước, vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi, các quy định về vận hành công trình thủy lợi; cấp nước, tưới, tiêu, thoát nước phục vụ các ngành sản xuất cũng được quy định rất cụ thể.

Luật Thủy lợi quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đầu tư xây dựng hoặc hợp tác đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo hình thức đối tác công tư. Ông có kỳ vọng đây sẽ là cơ sở quan trọng để huy động nguồn lực của xã hội trong đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi?

Theo Luật Thủy lợi, Nhà nước đầu tư cho công trình lớn, quan trọng đặc biệt và ở những nơi đặc biệt, nơi có điều kiện khó khăn. Người sử dụng dịch vụ thủy lợi có trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi quy mô nhỏ, thủy lợi nội đồng. Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng, trong từng trường hợp cụ thể.

Ảnh: Hiền Minh

Cùng với các quy định của pháp luật về thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã được Chính phủ quy định, thì tại Điều 15 của Luật Thủy lợi quy định, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư xây dựng hoặc hợp tác đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo hình thức đối tác công tư.

Đây là nội dung quan trọng của Luật Thủy lợi, thể hiện tư tưởng xã hội hóa, là cơ sở rất quan trọng để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư công trình thủy lợi. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư này sẽ không giới hạn, phụ thuộc vào quy mô công trình thủy lợi.

Cùng với chủ trương coi công tác thủy lợi từ tính chất phục vụ sang dịch vụ, tôi rất hi vọng và tin tưởng chính sách xã hội hóa công tác đầu tư thủy lợi sẽ mang lại những thay đổi lớn, có tính chất chiến lược để ngành thủy lợi phát triển hơn nữa, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.