| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 10/09/2014 , 08:33 (GMT+7)

08:33 - 10/09/2014

Chuyện về con sư tử đá

Tại những nơi thờ tự, người đến lễ bái đều không quên thắp hương và xì xụp, lầm rầm khấn vái cầu tài cầu lộc trước những “ngài” sư tử đá Tàu./ Có đuổi được “linh vật lạ”?

Những con sư tử đá mang phong cách Trung Quốc nhe nanh múa vuốt, khắp người cuồn cuộn cơ bắp, trông rất dữ tợn, với đủ các tư thế, con ngồi, con quỳ, con chồm lên như sắp vồ… vốn chỉ được người Trung Quốc dùng để canh mồ mả, nhưng không biết đã du nhập vào ta tự lúc nào.

Chỉ đến khi thấy sư tử đá kiểu Tàu có mặt ở khắp nơi, với ý nghĩa là một linh vật, trấn giữ từ cổng trụ sở các cơ quan công quyền (như trước trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh), cơ quan chức năng (như trụ sở Sở LĐ-TB&XH, trụ sở Bộ đội Biên phòng, trụ sở Cục Thuế tỉnh Nghệ An và trụ sở Công an TP Vinh), đình miếu, cổ tự danh sơn (như đền Trình ở Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội), nhà đại gia, nhà quan chức, thậm chí cả những di tích lịch sử cấp quốc gia…

Tại những nơi thờ tự, người đến lễ bái đều không quên thắp hương và xì xụp, lầm rầm khấn vái cầu tài cầu lộc trước những “ngài” sư tử đá Tàu ấy. Và khi những chú Chiệc nhếch mép với chủ nhân của những con sư tử đá chồm hỗm đang trấn giữ khắp nơi trên đất Việt rằng “Thế mà ngộ cứ tưởng cái mả”, thì Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch mới giật mình nhận ra, đó là một cuộc xâm lăng văn hóa thật sự.

Và Bộ này vội vàng ra văn bản chỉ đạo các Ban, Ngành, Sở VH-TT&DL, các cơ quan, đơn vị về việc không sử dụng các biểu tượng, linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, chỉ đạo dời hàng loạt sư tử đá kiểu Tàu ra khỏi những nơi công sở, đình chùa…

“Mất bò mới lo làm chuồng”, vốn đã trở thành một cách hành xử của không ít các cơ quan quản lý của ta. Nhưng cái gốc của vấn đề là: Vì sao những linh vật ngoại lai “Không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” ấy lại được người Việt Nam chấp nhận, và đua nhau cung tiến hay tự mua về, hiện tượng ấy phản ánh cái gì... thì quý ngài lãnh đạo ngành Văn hóa của ta lại không truy nguyên.

Bằng chứng là chưa thấy nhà nghiên cứu văn hóa hay học giả nào lên tiếng trả lời những câu hỏi ấy cả. Bây giờ, số linh vật ngoại lai ấy hiện diện trên cả nước đã lên đến con số hàng ngàn, hàng chục ngàn. Xử lý chúng thế nào? Di dời chúng đi đâu?

Tập trung chúng vào một chỗ để nung vôi hay quẳng chúng xuống sông xuống biển thì không được. Còn dời chúng khỏi chỗ này để rồi lại mang chúng đến “trấn giữ” ở những chỗ khác, thì khác nào “đánh bùn sang ao”.

Nhu cầu có những linh vật trấn giữ ở những nơi thờ tự, nơi gửi gắm tâm linh của người Việt là một nhu cầu có thực. Nay loại bỏ những “ngài” sư tử đá kiểu Tàu ra khỏi những nơi ấy, thì lấy cái gì để thay vào?

Đặc điểm của những chốn thờ tự, tâm linh của Việt Nam là ở đó, không gian rất u nhã, hài hòa, rất bình yên và hiền hậu. Không gian ấy là một biểu tượng của tính cách và tâm hồn của người Việt, một dân tộc trồng lúa nước, luôn khao khát hòa bình.

Những linh vật mang phong cách Việt, thực ra không thiếu. Những con sư tử đá, rồng đá, nghê đá… của Việt Nam, từ xưa, cũng đã được cha ông ta tạo dáng một cách rất hiền lành, rất gần gũi với con người và hòa hợp hoàn toàn với thiên nhiên của những chốn thiêng ấy. Thế bây giờ chúng đâu rồi? Tại sao chừng ấy năm mà ngành Văn hóa của ta không tạo ra hay không chuẩn hóa được những linh vật “của mình”.

Nếu chúng ta chú ý đến việc ấy, cũng có nghĩa chúng ta biết chăm lo vun trồng cái gốc của văn hóa Việt, từ đầu, thì những linh vật ngoại lai kia làm sao xâm nhập nổi.