| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về MSM

Thứ Tư 04/09/2013 , 09:53 (GMT+7)

Bây giờ nhắc đến nam tình dục đồng giới (man sex man: MSM) nhiều người không còn ngạc nhiên.

Bây giờ nhắc đến nam tình dục đồng giới (man sex man: MSM) nhiều người không còn ngạc nhiên. Thế nhưng cuộc gặp ngắn ngủi với một số MSM tại đất Cảng đã khiến chúng tôi hiểu hơn về những rào cản, kỳ thị mới mà những con người này đang gặp phải.

Kỳ thị

Trước nguy cơ gia tăng người nhiễm HIV trong nhóm MSM tại Hải Phòng, tháng 4/2008, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ toàn bộ kinh phí để cho ra đời CLB Biển Xanh (địa chỉ 203 Quán Nam, phường Dương Kinh, quận Lê Chân, Hải Phòng), với 6 đồng đẳng viên đều là những người MSM.

Họ không lấy kiến thức trên sách vở mà bằng chính những gì mình đã trải qua, các thành viên tìm đến từng người MSM đang sử dụng ma túy, làm nghề mại dâm để cấp phát bao cao su, kim tiêm và dầu bôi trơn cho họ. Kèm theo là những lời giải thích, tuyên truyền về nguy cơ nhiễm HIV nếu không an toàn khi "tình cảm".

Ba năm sau, Biển Xanh chuyển thành tên CLB Cát Trắng, hoạt động dưới sự điều hành của trưởng nhóm Nguyễn Văn Đ (SN 1969). Lúc này, đồng đẳng viên đã lên tới 10 người và có hơn 3.000 thành viên MSM tham gia. Cát Trắng trở thành mái nhà an toàn của những con người bị coi là “khiếm khuyết” lúc nào không hay.

Thế nhưng, họ đâu được sống bình thường như quy luật tạo hóa. “Tại sao lại bất công khi chúng tôi không hề có tội lỗi gì?", trưởng nhóm CLB Cát Trắng đặt câu hỏi. Khó khăn lớn nhất là đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng, rất nhiều người vẫn còn nhìn những người quan hệ đồng giới là kỳ dị rồi dành cho những ánh mắt dè chừng và thiếu thiện cảm.

Trưởng nhóm Đ kể tiếp. Khi mới dựng tấm biển Cát Trắng lên, công an phường đến bắt dỡ xuống vì tưởng nhóm tụ tập bọn kỳ dị. Nhất là cảnh sát khu vực, mỗi lần thấy trên phương tiện đi lại có gắn những tấm pano, áp phích tuyên truyền về HIV/AIDS là ra bắt giữ ngay. Rồi họ còn buông những lời chửi thô tục với những tuyên truyền viên: “Đ.m bọn pê đê này”.


Trưởng nhóm Đ (áo kẻ)

Một lần thì bỏ qua nhưng khi bị xúc phạm quá nhiều, anh Đ phải chạy ra và nói thẳng: “Nếu trong gia đình các anh có những người như chúng tôi, các anh sẽ nghĩ gì? Chúng tôi cũng là con người, cũng đi làm như các anh, tại sao lại ngăn cản. Hơn nữa, chính lãnh đạo thành phố đã cấp giấy phép hoạt động cho CLB nên chúng tôi có quyền được làm việc”.

Thấy người trưởng nhóm nói khá rắn và gay gắt, rồi biết Cát Trắng là thành viên của Hội phòng chống HIV/AIDS thì thái độ của một vài cảnh sát đã dần hiểu và chấp nhận.

Mong mỏi duy nhất

6 năm ở cương vị trưởng nhóm nên anh Đ hiểu rõ từng suy nghĩ, tâm can của mỗi thành viên. Anh còn nhớ cái ngày CLB chưa có, ở Hải Phòng, mỗi buổi chiều tối, những con người luôn bị xã hội coi là kẻ dị thường, có quan hệ tình dục đồng giới phải lén lút bày tỏ yêu đương ở mọi nơi, mọi lúc, thậm chí ở ngay ven đường.

Bây giờ, đến gặp những người MSM đang sử dụng ma túy và giúp họ trở về với cuộc sống bình thường cũng không phải là chuyện đơn giản. Anh Đ chia sẻ: “Khi đến nhà những người đang sử dụng ma tuý, gia đình của họ thường đuổi chúng tôi và không cho gặp.

Họ nghĩ Cát Trắng đến rủ con mình hút thuốc và đưa vào thế giới không bình thường về giới tính. Chính vì thế, phải rất nghị lực và quyết tâm, các thành viên Cát Trắng mới có thể vững vàng trước rất nhiều cám dỗ và khó khăn như vậy".

Khác với các trung tâm cai nghiện hay những phương pháp cai nghiện tại gia như trói, nhốt hay sử dụng thuốc cai nghiện, Cát Trắng chủ yếu sử dụng yếu tố tinh thần “mưa dầm thấm lâu”, đánh vào ý chí của người bệnh là chính.

Các thành viên phân tích cho họ và gia đình tác hại của ma túy, động viên và khuyên nhủ người nghiện đừng vì ánh mắt kỳ thị của cộng đồng mà buông xuôi cuộc sống của chính mình. Hãy sống cho mình và gia đình, cha mẹ cần được phụng dưỡng, vợ con cần được chăm sóc. Chính những tác động tâm lý ấy đã người nghiện ma túy dần lấy lại được niềm tin và có nghị lực để vượt qua sự khiếm khuyết của bản thân mình.


Một MSM nghiện ma túy đang được uống thuốc Methadone

Chấm dứt cuộc sống phụ thuộc vào “chất trắng” rất vất vả và gian nan, nhưng hành trình của những người MSM sử dụng ma túy trở về với cuộc sống bình thường còn gian nan gấp bội. Sau khi trở về với nhịp sống thường, họ phải bước ra ánh sáng, xuất hiện trước cộng đồng, vượt qua những kỳ thị để vươn lên.

Vì vậy, ngoài giúp những người sử dụng ma túy cai nghiện, Cát Trắng còn tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ tìm kiếm việc làm miễn phí cho họ. Cát Trắng tự mình liên hệ với những nhà tuyển dụng, đưa thành viên của mình đến tận nơi, đi cùng phỏng vấn để họ có thêm tự tin.

Cũng theo trưởng nhóm Đ, trong suốt 2 năm qua, có gần 3.000 người MSM đã tìm đến Cát Trắng để cùng nhau chia sẻ vui, buồn. Có nhiều thành viên, chỉ sau một thời gian, đã trở lại với cuộc sống bình thường và hoàn toàn tự tin vì mình được là người bình thường.

Như trường hợp của Trần Duy T (SN 1975) là thợ may hay Ngô Phi H (SN 1991) nhờ Cát Trắng mà cai nghiện thành công, sau đó hai người cũng xin gia nhập thành viên của CLB để giúp đỡ những người khác.

Hiện nay, công việc thường nhật của nhóm Cát Trắng vẫn là tìm đến những người nghiện ma túy cần giúp đỡ, tham gia những hội thảo để có thêm kiến thức, tiến hành Dự án hỗ trợ tìm kiếm việc làm miễn phí cho người MSM để có thể hạn chế con đường nhiễm HIV.

Khi được hỏi về tương lai công việc bởi tới đây có thể Cát Trắng không còn được hỗ trợ nhiều như trước nữa, anh Đ buồn rầu: “Chúng tôi chỉ có một mong mỏi duy nhất, đó là xã hội hãy bớt kỳ thị bởi đây đâu phải là lỗi của chúng tôi”.

Theo cảnh báo của Ủy ban AIDS Châu Á, tính đến năm 2020, ước tính có đến 46% bệnh nhân nhiễm HIV mới thuộc nhóm MSM, tăng 13% so với năm 2008. Riêng với Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành.

Đây chính là nguyên nhân làm hạn chế sự tiếp cận của nhóm này tới các dịch vụ về HIV khiến tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm vào khoảng 14%.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất