| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về ngôi mộ ba tầng

Thứ Sáu 12/11/2010 , 09:47 (GMT+7)

Từ bao đời nay, Thủ Lễ vẫn mang trong mình bao câu chuyện huyền thoại, dân gian tạo nên mạch nguồn tâm linh…

Nằm giữa hai dòng sông Sịa và Diên Hồng, làng Thủ Lễ (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh TT- Huế) trải ra một màu xanh ngắt của lúa, của bờ tre hun hút. Từ bao đời nay, Thủ Lễ vẫn mang trong mình bao câu chuyện huyền thoại, dân gian tạo nên mạch nguồn tâm linh…

>> Cây ớt làm đủ nhà& cá đô 7 món
>> Lá mùng tơi chống trời
>> Huyền thoại Đá Mẹ Nằm
>> Về quê Tam Bành
>> Quả đồi quái dị
>> Sự tích diều... dái
>> Miếu ông hay bị sét đánh, miếu bà thì không
>> Cúng thịt chuột& câu chuyện ma rừng ma bản
>> Tảng đá thèm ăn thịt & chiếc giếng chốc cạn, chốc đầy
>> Kể chuyện dân gian

Ngồi bên cụ Nguyễn Khắc Xuân (85 tuổi), hậu duệ của vị tướng họ Nguyễn được chôn trong ngôi mộ ba tầng, trong những ngày mưa Huế trắng trời, chúng tôi được nghe câu chuyện về sự tích ngôi mộ ba tầng và cuộc chiến đấu anh dũng, quả cảm của tiên hiền Thượng tướng Nguyễn Quý Công với thú dữ.

Cụ Xuân kể: Tôi cũng chỉ là lớp hậu thôi, xưa nghe cha ông truyền lại như thế nào thì giờ kể cho lớp hậu bối thế ấy, không thêm không bớt vì chuyện về Ngài thiêng lắm. Vào thời các quan quân đi đánh giặc Chiêm Thành mở cõi, có một vị tướng quân họ Nguyễn, khi đi đến vùng đất gần rú Bạch Sa (đất của làng Thủ Lễ, Thạch Bình ngày nay) thì gặp một con cọp (hổ) lớn, nhảy từ trong lùm cây ra chặn đường. Mang trong mình khí chất của một vị mãnh tướng, Ngài bình tâm, dõng dạc bảo: “Nay ta đang gấp việc quân, hẹn ngươi khi nào xong việc, ta trở lại vùng đất này cùng ngươi giao đấu”.

Vừa dứt câu, con cọp phi thẳng vào rú sâu, tướng quân tiếp tục kéo quân đi dẹp giặc. Hồi đó, vùng rú Bạch Sa còn là vùng rú rậm hoang vu, cư dân thưa thớt. Những người tiên phong khai khẩn vùng đất này phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và thú dữ. Sau khi giặc tan, Thượng tướng Nguyễn Quý Công thân cưỡi ngựa chiến trở về, y hẹn, chú cọp liền ra nghênh đấu. Cuộc chiến đấu khốc liệt giữa mãnh tướng và mãnh hổ kéo dài ba ngày ba đêm vẫn không phân thắng bại.

Tiếng hét tiếng gầm của vị tướng và mãnh hổ vang xa, chấn động cả vùng rú Bạch Sa vốn còn nguyên sơ thuở ấy. Khi cả hai cùng sức cùng lực kiệt bởi đói và khát, người và cọp nằm chết bên nhau. Chú ngựa vì nghĩa tình gắn một đời binh nghiệp với mãnh tướng đã không bỏ đi xa mà quanh quẩn bên thi thể của Ngài rồi cũng chết gục.

Những ngày sau đó, khi người dân phát hiện ra thi thể của Ngài, con cọp và ngựa, vì khâm phục trước sự dũng mãnh của vị tướng tài hiếm thấy, nể phục chữ tín trong mình của con mãnh thú, người dân quanh vùng đã xây mộ ba tầng, lập đền thờ ngay khu rừng rậm diễn ra cuộc giao đấu. Sau cuộc chiến giữa người và hổ, thân phụ của vị tướng quân họ Nguyễn đã dẫn người thân từ Thanh Hóa vào dừng chân ở vùng rú Bạch Sa cùng với những họ tộc khác lập ra vùng đất Thủ Lễ, Thạch Bình ngày nay.

Kỳ lạ thay, những năm liền sau đó, cứ đến ngày kỵ của Ngài, có một con cọp con không biết ở đâu trên rú Bạch Sa, mang về một con heo (lợn) rừng, đặt ngay nơi diễn ra cuộc giao đấu giữa người và thú. Dân trong vùng thấy lạ nên cắt cử người theo dõi, họ phát hiện ra chú cọp con nghĩa tình. Lúc đó, có một chàng trai họ Hồ vốn là một lực điền có sức khỏe hơn người, tình nguyện quyết tâm theo dõi, tìm hiểu cho được chú cọp con này. Một hôm, đúng vào ngày kỵ của Ngài, chàng trốn trong lùm cây nhìn ra trước khoảnh mộ, đợi từ sáng đến chiều vẫn chẳng thấy bóng dáng cọp đâu.  

''Cuộc chiến đấu của người và hổ không phân thắng bại nhưng đó là bài học quý cho việc đối nhân xử thế mà con cháu phải học hỏi''- cụ Lê Đình Tương nói

Tưởng chừng như sắp nản chí khi trời chiều đã nhá nhem tối, bỗng trong rú Bạch Sa nơi bụi cây rậm nhất, một chú hổ tuổi mới lớn, miệng quắp con heo rừng, lầm lũi bước về phía ngôi mộ. Thấy vậy, chàng trai họ Hồ liền bước ra, nhanh như cắt túm lấy đuôi con hổ. Thấy động, chú hổ nhả con heo rồi chạy tọt vào rừng, chàng trai cứ thế túm lấy đuôi cùng chạy theo hổ vào rừng sâu. Điều ngạc nhiên là chú hổ không hề trở lại tấn công chàng trai, nó chỉ muốn thực hiện nhiệm vụ của mình, mang lễ vật là con heo rừng tới dâng vào ngày kỵ của Ngài. Hôm đó vào khoảng trung tuần tháng 3 âm lịch.

Sau sự việc chàng trai kể lại, các bô lão trong làng cùng người dân liền lấy ra một ngày kỵ chung cho cả người và hổ. Từ đó, người dân Thủ Lễ chúng tôi cũng như bên Thạch Bình vẫn đều đặn hàng năm mang lễ vật đến cúng, hương khói cho những linh hồn ở ngôi mộ ba tầng. Lễ vật cúng tại mộ hằng năm được dành cho cả ba vị: mâm cơm cho vị tướng quân, miếng thịt heo sống bỏ trên đĩa sành cho con cọp, bó cỏ tươi cho chú ngựa. Ngôi mộ ba tầng được phân rất rõ rệt: tầng trên cùng là nơi biểu tượng an nghỉ của vị tướng, tầng thứ hai là chú ngựa trung thành với chủ và tầng thứ ba là chú cọp.

Hiện nay, ngay trên bức bình phong làm “minh đường” trước ngôi mộ cũng được vẽ hình một con ngựa và con cọp. Dù qua bao cuộc chiến tranh khói lửa và nhiều lần trùng tu, tôn tạo chúng tôi vẫn giữ nguyên kết cấu của đền thờ mà cha ông để lại. Theo dòng thời gian nay tộc phả đã mất, nhưng theo lời truyền khẩu của cha ông thì vị Thượng tướng Nguyễn Quý Công được chôn ở mộ ba tầng là thuộc tổ thứ 2 của họ Nguyễn chúng tôi từ Thanh Hóa vào đây lập khai hoang lập nghiệp. Sau này, Ngài được vua Khải Định truy tặng tôn thần, sắc phong hiện nay vẫn còn lưu giữ ở đình làng Thủ Lễ.

Do toà soạn dành thời lượng đăng chuyên đề khác nên loạt bài "Kể chuyện dân gian" xin tạm dừng ở kì thứ 12. Những mẩu chuyện hấp dẫn tiếp theo của chuyên mục sẽ được chúng tôi đăng tải vào dịp thích hợp. Bạn đọc tham gia kể chuyện cho chuyên mục, xin gửi bài vở về toà soạn theo địa chỉ email:baonnvn@hn.vnn.vn.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.