| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về ông chủ ba lần tự tử

Thứ Sáu 21/05/2010 , 10:39 (GMT+7)

Chỉ rừng bạch đàn đang khép tán, Vệ lại cười, nụ cười sáng lên dưới tán rừng. Có ai biết đằng sau nụ cười đó là đã 3 lần anh nhảy lầu tự tử...

Nguyễn Đức Vệ (SN 1972) ở xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình kẹp đôi nạng đưa tôi ra rừng bạch đàn đang khép tán dưới chân chân núi đèo Ngang. Lúc lắc mái đầu húi cua, Vệ cười: "Lứa cây ni là lần thứ hai rồi đó. Trước tui trồng và thu hoạch một đợt rồi". Anh lại cười, nụ cười sáng lên dưới tán rừng. Có ai biết đằng sau nụ cười đó là đã 3 lần anh nhảy lầu tự tử...

Ba lần tự tử

"Hình như cái nghèo vận vào những xóm nhỏ dưới chân đèo Ngang. Cái nghèo lưu cữu mãi nên người ta nói lái cái địa danh Đèo Ngang là... Đang Nghèo. Mà đang nghèo thì làm sao nhắc tới chữ giàu hè”, Vệ mở đầu câu chuyện bằng lối nói tưng tửng. Thế nhưng, cái nghèo không ngăn được chàng thanh niên hay cười và hát hay trong xóm. Hồi đó, anh Vệ còn tham gia cán bộ Đoàn của thôn, làm Bí thư Chi đoàn cũng năng nổ ra trò. Đến năm 1991, Vệ lấy vợ. Cuối năm, vợ sinh cho anh một thằng cu bụ bẫm, cả nhà ai cũng mừng.

Một ngày đầu tháng 2/1993, buổi trưa im ắng xóm nhỏ chợt bị xé toang bởi tiếng nổ lớn. Cả xóm bằng hoàng chạy đến thì thấy Vệ đã  nằm lịm giữa vạt đất còn sặc mùi thuốc bom, thân hình bê bết máu. Một quả bom sót lại sau chiến tranh đã phát nổ khi anh làm vườn. Khi Vệ tỉnh lại trong bệnh viện là lúc đầu anh như bị nổ thêm lần nữa. Sự đớn đau thể xác không bằng nhìn thấy cơ thể mình bị mất hẳn hai cánh tay và chân trái. 

Anh Vệ kiểm tra rừng trồng của gia đình

Đó là những ngày đầy nước mắt của Vệ, khóc cho thân phận hẩm hiu của mình. Khi ngồi dậy được, người đưa Vệ ra hành lang bệnh viện ngắm nhìn xung quanh cho đỡ bức bối. Ngồi trên xe lăn, Vệ hình dung ra bao nỗi đắng cay: ăn phải đút, mặc không tự lo được... Thấy mọi người đi lại, Vệ tủi thân vô cùng. Lấy hết sức bình sinh, anh bật dậy, chồm từ xe lăn qua lan can tầng bốn của bệnh viện. Rất may, khi nửa người Vệ trườn qua được lan can thì người nhà phát hiện chụp lấy. Lần thứ hai, Vệ đòi đẩy xe ra ngoài dạo chơi và cũng định liều mạng. Rồi lần thứ ba... cũng không thành vì người nhà biết được ý nghĩ của Vệ nên hết sức đề phòng.

Rót thêm nước mời khách, Vệ nhớ lại: "Hồi đó, tui còn sống được là nhờ ba tui. Sau ba lần thấy con tự tử không thành, ông kêu lớn tên tui rồi nói như mắng vô mặt: Con bị như rứa mà sống được mới tài, chớ muốn chết thì quá dễ đi. Còn con con đó, đã tuyệt tự mô mà nghĩ quẩn. Mà ưng chết thì chết chỗ khác đừng chết ở bệnh viện mà người ta mang tiếng”.

Sau hơn nửa năm lăn lóc trong bệnh viện, Vệ trở về như một hình nhân dị dạng bởi lúc đó thân hình cũng chỉ còn da bọc xương với vết thương cụt ở tay, chân còn đỏ hỏn. Mừng vì mình đã sống chưa được trọn ngày thì nỗi đau khác lại xé vò tâm can anh. Người vợ trẻ đã không chịu được gia cảnh nghèo túng, khổ cực, lại phải đèo bòng thêm người chồng là một thân hình què quặt chỉ còn lại mỗi một cái chân, lết ra lết vào, nên đã bỏ lại đứa con thơ và khăn gói ra đi trong một đêm mưa sầm sập. Từ ngày ở bệnh viện về, Vệ chỉ biết khóc...

Không muốn làm phế nhân

Những ngày đầu không làm được gì, Vệ phải nhờ ba mẹ, anh em nuôi cả hai bố con. Cứ ngồi cửa nhìn ra đường, Vệ mung lung lắm. Mà phải rồi, chết cũng không được thì phải sống, mà sống phải mần việc chứ ngồi như bị thịt rồi ai nuôi cho. Nghĩ vậy, Vệ quyết tự mình thay đổi, Việc đầu tiên là phải tập đi lại.

Có tay, cụt một chân thì đi được bằng nạng. Nhưng cụt cả hai tay nữa thì không thể đi lại. Vệ nghĩ ra cách... làm tay cho mình. Anh lấy hai ống nhôm tròn, uốn cong lại rồi cưa một rãnh để tì cố định vào nạng gỗ, sau đó luồn hai ống tay cụt vào ống nhôm để mà hất nạng đi. Đi rồi ngã dúi dụi, Vệ nghiến răng bật máu tập tiếp. Hai cùi tay tóe máu tươi, cũng mặc... Riết rồi anh cũng đi lại trên đôi nạng thành thạo như người còn nguyên vẹn hai tay. Lúc đó, anh mới vay bà con, bạn bè được mấy trăm ngàn làm vốn “đi buôn”. 

Đôi tay sắt vẫn viết được để giao dịch với khách hàng

Vậy rồi, hàng ngày ở xã Quảng Đông, mọi người vẫn thấy Vệ với hai cánh tay bọc ống nhôm điều khiển đôi nạng gỗ lọc cọc trên đường nhựa với bọc hàng mua được đeo toòng teng trên lưng. Hàng hoá của Vệ lúc này linh tinh đủ thứ như bông đót (làm chổi), củi, thuốc tây, thuốc lá... Cái gì kiếm được vài đồng là buôn tất. Mỗi ngày vài ba ngàn đồng kiếm được, cha con Vệ đắp đổi ngày qua ngày. Cuối năm 1995, nghe tin ở Trung tâm chỉnh hình Vinh (Nghệ An) có lắp tay giả, Vệ lần mò ra đó xem thử. May mắn sao, đầu năm 1996 anh được một tổ chức ở Mỹ lắp tặng một đôi tay sắt. Vệ bồi hồi: "Có hai cái tay sắt tui như bắt được vàng. Buổi đầu về, tui "cầm" cái chén đưa lên miệng uống nước được, tui reo lên sống tốt rồi trời ơi".

Từ khi có tay giả, Vệ buôn to hơn. Nhưng không biết buôn cái gì. Sau Vệ liều lên ngân hàng vay tiền, rồi mượn thêm bạn bè, bà con liều mua một chiếc xe công nông. Không lái được, Vệ thuê người lái, còn mình đi kèm làm “lơ xe”. Đến năm 1998, có được một số vốn, Vệ đầu tư mở xưởng cơ khí, sửa chữa ôtô nhỏ tại nhà thuê người về làm. Không làm được bằng tay, Vệ tìm sách học, tìm tới các cơ sở khác ngồi xem người ta làm rồi cố nhập tâm để biết nghề. Ngày ngày với đôi tay sắt, Vệ cùng anh em thợ trằn lưng với xưởng. Được cái sáng dạ nên tuy thực hành không được nhưng Vệ cũng nhớ được nghề để truyền lại cho anh em thợ. Thế là anh Vệ "cụt" từng muốn nhảy lầu tự tử vì bi quan số phận ngày nào, nay đã trở thành ông chủ được nhiều nhà xe tín nhiệm tới giao xe cho sửa chữa. 

Nguyễn Đức Vệ đứng bên xưởng cơ khí nói: “Đừng nên có ai bi quan...”

Hiện, Vệ có 2 cơ sở cơ khí và sửa chữa ô tô với 6 công nhân. Người có mức lương cao nhất là anh thợ Nguyễn Văn Đồng (4 triệu đồng/tháng), người thấp nhất cũng trên triệu đồng. Vệ cho biết: “Nếu bán hết đất rừng và mấy lô đất mặt tiền cũng được tiền tỷ, gửi vô ngân hàng lấy lãi cũng nhàn thân. Nhưng sống mà tự mình vươn lên mới tốt, mới được mọi người chấp nhận. Tui cũng đang mở lớp dạy nghề cơ khí, sửa chữa ôtô cho người tàn tật, để họ giống như tui không ai bi quan với cuộc sống".

Vốn đẻ vốn, có khi số tài sản của Vệ có đến ba xe ôtô vận tải, xưởng sản xuất vật liệu xây dựng, một cơ sở khai thác đá với hai chục công nhân làm việc thường xuyên. Vệ còn cho biết: "Còn ít người biết là tui đã từng nhận được công trình ở hầm đường bộ qua Đèo Ngang. Tui ra nhận thầu mần mà ai cũng lắc đầu vì lạ.  Một người bị cụt như vầy lại dám ra đấu công trình lớn với người ta. Rứa mà tui nhận được hạng mục xây cống và mái bạt taluy ở hai đầu cửa hầm với tổng trị giá tới 400 triệu đồng".

Trong mấy lần ra thị sát công trình hầm Đèo Ngang, hình ảnh của Vệ đã lọt vào mắt xanh của cô gái Nguyễn Thị Thu Hà (người xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Rồi từ mến mộ anh chàng “phế nhân” làm được ông chủ nên ngưỡng mộ rồi yêu và thành duyên vợ chồng. Bây giờ họ cũng chưa có con. Cả hai đang chăm chút cho cậu con trai bây giờ đang học lớp 11. Có điều, Vệ không nhận làm công trình nữa. Hỏi lý do vì sau, Vệ nháy mắt nhìn sang vợ. Chị Hà nhỏ nhẹ: “Thấy anh làm công trình phải đi lại nhiều và cũng kham khổ nên tôi khuyên đừng đi làm nữa. Ở nhà làm cơ khí, sữa chữa và dạy nghề cũng được rồi”.

Tích lũy được ít vốn, Vệ mua đất mặt tiền đường để mở rộng cơ sở sản xuất và mua đất... trồng rừng. Hiện trong tay hai vợ chồng có gần 10 ha trồng bạch đàn. Đưa chúng tôi ra thăm rừng, Vệ cho hay rừng đã bán được một lứa cây rồi. Sau đó chuyển sang trồng cây trầm gió nhưng thấy không khả quan nên lại quay sang trồng cây lấy gỗ. Bây giờ, rừng bạch đàn cũng đã khép tán. Vệ tỏ ra lo xa: “Rừng đó giống như của để dành anh nờ”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.