| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về ông chủ Thư viện Hưng Phúc

Thứ Năm 01/12/2011 , 10:26 (GMT+7)

Những năm tháng bôn ba đã dạy Chín một điều: Chỉ có sách mới giúp người ta nâng cao được trí tuệ của mình...

Những năm tháng bôn ba đã dạy Chín một điều: Chỉ có sách mới giúp người ta nâng cao được trí tuệ của mình. Các nước phát triển có dân trí cao là vì ngoài nền giáo dục tốt, tỷ lệ người đọc sách trong xã hội rất cao.

1. Đã mấy năm nay, anh Nguyễn Xuân Chín (làng Đồng Phúc, tên nôm là làng Thị, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) đã ngừng kinh doanh để vui thú điền viên. Bề ngoài, trông anh không khác bất kỳ một người dân nào ở vùng đất tuy đã được “thăng” từ “xã” lên “phường” nhưng vẫn lấy “dĩ nông” làm “vi bản”, mà ít người biết rằng cuộc đời anh đã từng qua không biết bao nhiêu là sóng gió.

Nhà Chín nằm cùng khuôn viên với đền Ứng Linh Tân. Chín kể, cụ tổ anh làm tướng triều Trần, chịu quyền tiết chế của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Vốn nặng lòng “trung quân” nên dù "thế gian biến cải vũng nên đồi”, thì hào khí Đông A vẫn cứ chảy mãi trong huyết quản của con cháu họ Nguyễn Xuân, và các thế hệ của dòng họ vẫn một lòng một dạ gắn bó với triều đại lừng lẫy võ công ấy.

 Quãng thế kỷ thứ XVII, con cháu dòng họ Nguyễn Xuân đã lập đền Ứng Linh để thờ Trần triều Quốc công Tiết chế. Như vậy, đây là ngôi đền riêng do một dòng họ xây dựng, mà anh là truyền nhân của dòng họ đó. Năm 1972, cùng với nhà anh, đền bị bom Mỹ dội tan tành, sau đó được chính anh tôn tạo lại, và năm 2005 thì đền được tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử.

Trận bom Mỹ năm 1972 là một biến cố lớn đối với cuộc đời Nguyễn Xuân Chín. Nhà anh thành ao, may còn sót lại một gian bếp. Cả nhà 11 người (bố mẹ anh được 9 người con, anh là út nên mang tên ấy) dồn tất vào đó. Tài sản mất sạch, anh phải nghỉ học từ năm lớp 5. Nghỉ, nhưng vẫn thèm học, và để thỏa mãn cơn thèm ấy, anh đã tìm sách đọc để bù đắp.

Rồi cùng với thời gian, niềm đam mê sách đã thấm vào anh tự lúc nào chẳng biết. 11 tuổi, anh tìm đến võ sư Ba Minh xin thụ giáo. Ban ngày lăn lộn ngoài đồng phụ giúp bố mẹ kiếm sống, buổi tối đến nhà thầy. Không chỉ giỏi võ, cụ Ba Minh còn thành thạo cả cầm - kỳ - thi - họa. Mến cậu trò nhỏ thông minh, giàu ý chí, vị võ sư không chỉ dạy võ cho anh một cách tận tình mà còn dạy anh một số nghề khác, thế nên bây giờ Chín vẽ rất đẹp, sử dụng thành thạo nhiều nhạc khí dân tộc như nhị, nguyệt, hồ, đàn tam, đàn tứ. Bài thơ anh làm tặng giáo sư Vũ Khiêu nhân dịp cụ 90 tuổi, được giáo sư rất tâm đắc.

17 tuổi, Nguyễn Xuân Chín từ biệt gia đình và thầy học, tìm vào Nam lập nghiệp. Lăn lộn mấy năm trời, có lúc phải gia nhập một đoàn mãi võ đi khắp nơi biểu diễn kiếm sống. Đến đâu anh cũng mang theo một hòm sách và đến đâu cũng lùng tìm sách để làm giầu thêm cho vốn kiến thức của mình.

Một lần vào Bình Định, do tách khỏi đoàn đi thăm mấy nơi, anh bị lạc và trong một đêm mưa gió, anh bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Nhưng trong cái rủi có cái may, nhờ được một gia đình tốt bụng ở đất võ cưu mang, anh đã vượt qua được trận ốm ấy. Vị ân nhân đã cứu mạng anh ấy cũng chính là một nghệ nhân mộc và chạm khắc gỗ nổi tiếng, có xưởng mộc riêng. Khỏi bệnh, anh xin làm ngay tại xưởng của ông và chú tâm học nghề.

Nhờ kiến thức về họa đã học được từ vị võ sư ở quê hương mà anh tiếp thu nghề mộc, nghề chạm khắc gỗ rất nhanh. Thấy anh là người trung thực, giầu ý chí, người nghệ nhân mộc và chạm khắc gỗ đã hết lòng chỉ dạy cho anh.

Chẳng bao lâu, anh đã nắm hết được những bí quyết của nghề. Và anh quyết định trở lại quê hương. Hành trang của anh lúc này, ngoài tinh hoa của nghề mộc và chạm khắc gỗ, vẫn là cả ngàn cuốn sách do anh mang từ nhà đi và sách sưu tầm được trong mấy năm lưu lạc, trong đó có cả một số sách do vị ân nhân, cũng là thầy dạy nghề cho anh, tặng…

2. Nguyễn Xuân Chín đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình từ quê bằng việc thành lập Cty Hưng Phúc do anh làm giám đốc, chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ. Công việc kinh doanh nhanh chóng phát triển. Nghề kinh doanh lại kéo anh đi gần như khắp các tỉnh thành trong cả nước và tới 24 quốc gia khác ở khắp các châu lục.

Niềm đam mê sách vẫn không lúc nào ngừng cháy trong anh. Đi các nơi trong nước, ra nước ngoài, bất cứ nơi nào anh cũng say mê kiếm sách. Kho sách của anh ngày càng đầy với nhiều cuốn sách, bộ sách rất quý, như những công trình nghiên cứu về kinh tế, tài chính của Mỹ, của một số nước ở châu Âu, những pho sử, những bộ sách của các triết gia cổ Trung Quốc (bách gia), Ấn Độ, bộ Y Thuật phương Đông.

Có những bộ sách như “Đại Việt sử ký toàn thư” chép tay từ mấy trăm năm trước, anh đã phải mua với giá 64 triệu đồng vào năm 1991. Bộ sách về kỹ thuật đóng tàu của một tác giả phương Tây được anh mua với giá 47 triệu đồng vào năm 1996 (lúc đó, tương đương gần 100 cây vàng), bộ sách ghi chép về những chuyến đi săn của vua Minh Mạng, vị hoàng đế nổi tiếng triều Nguyễn, được anh mua với giá 15 triệu đồng…

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chính những năm tháng bôn ba đó đã dạy anh một điều: Chỉ có sách mới giúp người ta nâng cao được trí tuệ của mình. Các nước phát triển có dân trí cao là vì ngoài nền giáo dục tốt, tỷ lệ người đọc sách trong xã hội rất cao. Có những quốc gia như Phần Lan, ở bất cứ nơi nào anh cũng thấy người dân cầm sách trên tay, và họ đọc bất cứ khi nào có thời gian. Nhìn lại quê hương mình, số người đọc sách vô cùng hiếm, người có sách càng hiếm hơn. Có cách nào khiến bà con tiếp cận được với sách để nâng cao trình độ hiểu biết cho họ không? Ý nghĩ ấy khiến anh quyết định mở một thư viện miễn phí cho dân đọc.

Kiểm lại kho sách, thấy đã có trên 4.000 đầu sách với tổng cộng trên 5.000 cuốn, anh quyết định khai trương “Thư viện Hưng Phúc” ngay tại nhà mình, anh bàn với vợ mình, chị Đào Thu Vân, nghỉ việc để trông nom thư viện và phục vụ bà con. Từng tốt nghiệp Khoa Quan hệ quốc tế (Đại học Thương mại), đang làm việc tại chi nhánh Thăng Long của Ngân hàng Đầu tư Phát triển với mức lương khá cao, một công việc mà nhiều người mơ không được, lúc đầu chị Vân cũng phân vân.

Anh Chín cho biết: Mấy năm nay, do Intenet phát triển, lượng người đọc sách trực tiếp tuy có giảm đi, nhưng những người đọc còn lại thì lại “tinh luyện” hơn, phần lớn là sinh viên và những người nghiên cứu. Với những độc giả này, bao giờ tôi cũng tạo điều kiện hết mình cho họ.

Nhưng rôi hiểu được ý nghĩa công việc của chồng, chị đã đồng ý, và chị đã sắp xếp thư viện một cách khá khoa học: Có phòng đọc dành cho những độc giả phổ thông, phòng đọc cho học sinh, thanh niên và phòng cho người có nhu cầu tham khảo những kiến thức chuyên sâu. Với các cụ già, chị dành hẳn một “thủy đình” để các cụ có thể vừa thưởng trà vừa đọc sách, vừa luận bàn những điều trong sách. Theo chị thì: Với người đọc sách thì nơi đọc, tức là không gian đọc, vô cùng quan trọng. Một không gian đọc thoáng đãng, yên tĩnh sẽ giúp cho người đọc tĩnh tâm hơn, tập trung hơn và như vậy họ sẽ tiếp thu những gì trong sách một cách hiệu quả hơn.

3. Đến nay, đã có hàng ngàn độc giả đến với Thư viện Hưng Phúc. Ngoài bà con nông dân, nhiều sinh viên của các trường đại học đã tìm đến đây để được đọc những cuốn sách mà thư viện nhà trường không có. Đến thư viện, chúng tôi còn thấy bút tích của nhiều Giáo sư, nhiều vị Tiến sỹ và đại biểu Quốc hội. Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Thường trực Ban Bí thư) cũng gửi sách tặng thư viện. Hai lần Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tặng giấy khen cho thư viện và chủ nhân của nó.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.