| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về ông 'đầu tiên' đóng tàu vỏ thép ra ngư trường Trường Sa

Thứ Ba 24/05/2016 , 14:54 (GMT+7)

Tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh Phú Yên do ông Lanh làm chủ ra khơi vào một ngày cuối tháng Giêng âm lịch, 2 ngày sau là ra đến ngư trường Trường Sa. Chỉ sau 3 ngày hoạt động, liên lạc về bờ, các thành viên trên tàu thông báo với ông Lanh là đã đánh bắt được 5 tấn mực và cá nục. 3 ngày đã gần đủ bù chi, sản lượng đánh bắt những ngày sau được xem như khoản dư của chuyến biển.

Sau khi chiếc tàu vỏ thép mang tên Xuân Thành 1-PY 99999 TS (800CV) vươn khơi mở chuyến biển đầu tiên, ông Ngô Văn Lanh (61 tuổi) ở khu phố Vạn Phước, phường Xuân Thành (TX Sông Cầu, Phú Yên) được bạn nghề đặt cho cái tên là ông “đầu tiên”.

Bởi lẽ, ông Lanh là người đầu tiên ở Phú Yên sở hữu tàu vỏ thép đóng theo Nghị định  67, cũng là người đầu tiên đưa nghề mành chụp vào đánh bắt thủy sản xa bờ ở Phú Yên.

Luôn là người đầu tiên

Nhìn lại cuộc đời mình, nhiều khi ông Lanh cũng không hiểu vì sao mình lại quá “gan góc” trong chuyện làm ăn đến vậy. Lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề biển, thời ông nội ông Lanh đi biển chỉ bằng ghe bầu, đánh bắt gần bờ. Tuy chẳng thể giàu có, nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình.

Đến thời cha ông Lanh đi biển đã tiến lên được ghe buồm. Ghe buồm có thể đánh bắt xa bờ hơn, khoảng 20 hải lý, nên làm ăn khấm khá hơn.

“Lúc còn nhỏ tôi đã được cha cho theo ghe ra biển để làm quen với cuộc sống trùng khơi. Ghe buồm ra biển cứ nương theo gió mà chạy. Hồi đó chỉ mới có nghề lưới cào, chứ chưa có nghề gì khác. Lưới cũng còn được đan bằng dây gai. Cây lá gai mình làm bánh ít bây giờ hồi đó ông bà mình tước lấy vỏ, bện lại thành dây rồi đan lưới. Khi ấy biển no, chuyến biển nào cá cũng đầy khoang nên cha mẹ tôi mới nuôi nổi 6 đứa con khôn lớn”, ông Lanh nhớ lại.

Năm 1976, ông Lanh đi lính, lại được đơn vị tin tưởng giao làm thuyền trưởng chiếc tàu gỗ của Huyện đội Sông Cầu, thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển và vận chuyển quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm cung cấp cho các đơn vị đóng quân tại các bán đảo ven biển 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Năm 1981, ông Lanh xuất quân về lại quê hương. Khi ấy cha ông Lanh còn đi biển với chiếc tàu đánh cá 22CV.

Không muốn “ăn theo” gia đình, sau khi cưới vợ, vào năm 1987 ông Lanh quyết định tự lập, vay mượn của cha mẹ, bà con để đóng chiếc tàu 22CV làm nghề cào tuyến lộng.

“Để có chiếc tàu này tôi phải rong ruổi khắp nơi mua gỗ về đóng, máy thì ra tận Quảng Bình mua máy cũ cho nhẹ tiền. Đóng hoàn tất mất khoảng 15 cây vàng. Tàu chỉ 22CV nhưng tôi dám chạy vào tận Vũng Tàu đánh bắt. Làm ăn được 5 năm, đến năm 1992 thì tàu bị chìm vì tai nạn khi đang đánh bắt, may là tất cả thuyền viên được cứu”, ông Lanh kể.

Trắng tay, trước khi về quê, ông Lanh được chủ nậu ở Vũng Tàu thương tình cho mượn tiền mua 1 máy thủy có công suất 45CV. Để đóng vỏ tàu, ông phải “vét” sạch tiền vợ gom góp, còn vay thêm bà con. Khi ấy, ông Lanh là người đầu tiên ở Sông Cầu sở hữu chiếc tàu có công suất 45CV.

Với suy nghĩ “trắng tay” tại vùng biển Vũng Tàu thì ông quyết tâm gầy dựng lại cơ nghiệp cũng trên vùng biển này. Sau 1 năm bám biển, ông Lanh đã có khoản dư đủ trả hết những món nợ vay đóng tàu. Chiếc tàu 45CV của ông không một ngày vắng bóng ngoài trùng khơi, chuyến biển nào cũng đầy cá, chẳng bao lâu sau, vào năm 1994 ông Lanh lại dành dụm được khoản tiền đóng mới thêm 1 chiếc tàu 45CV nữa.

13-02-20_1
Ông Lanh kể chuyện đời mình với PV

Ông Lanh bố trí một tàu hành nghề lưới rê, một chiếc hành nghề lưới cào. Hết mùa lưới rê thì cả 2 tàu ghép nhau lại làm nghề cào đôi. Với 2 con tàu, ông Lanh gắn đời mình với biển Đông, với những đàn cá, mang về cho gia đình những khoản thu nhập mà đời ông, đời cha của ông bằng những chiếc ghe bầu, ghe buồm không bao giờ dám mơ tới.

Hướng về biển xa

Vừa sinh ra đã hít thở không khí của biển, suốt thời thơ ấu gắn mình với những con sóng cùng bạn bè tắm táp, bơi lội mỗi ngày, lớn lên lại gắn đời với biển trong công cuộc làm ăn; do đó, giấc mơ vươn đến khơi xa luôn ám ảnh ông.

Năm 2004, ngành khai thác thủy sản xa bờ ở Phú Yên rộ lên nghề câu cá bò gù (cá ngừ đại dương). Ông Lanh nghĩ đây là cơ hội để mình vươn ra biển rộng. Đã nghĩ là làm, ông Lanh về bán đôi tàu 45CV, vay thêm tiền từ Ngân hàng NN-PTNT đóng chiếc tàu mới có công suất 120CV hành nghề câu cá bò gù. Vào thời điểm ấy, chiếc tàu 120CV của ông dẫn đầu trong số tàu cá công suất lớn tại địa phương.

Người tính không bằng trời tính, đóng tàu lớn xong thì biển đói, vắng bóng cá bò gù, mấy năm liền tàu của ông Lanh làm ăn chẳng ra sao. Ngư dân hành nghề câu cá bò gù ở TP Tuy Hòa đồng loạt bỏ nghề, kêu bán tàu ra rả. Nhưng ông Lanh không nao lòng. Nghề câu cá bò gù không hiệu quả, bỏ nghề thì bỏ, nhưng ông không bán tàu. Khi ấy ngư dân địa phương còn lấy làm lạ khi ông tất tả ngược xuôi vay tiền mua thêm 1 chiếc tàu cũ, to hơn, đến 150CV.

Có 2 tàu công suất lớn trong tay, ông tiếp tục vươn khơi xa, chuyển làm nghề cào đôi chuyên đánh bắt cá hố xuất khẩu. Ông Lanh đi đúng hướng, suốt 4 - 5 năm liền 2 tàu cá của ông đánh bắt hiệu quả, trúng to, ông Lanh dư ăn dư để trả hết nợ ngân hàng.

13-02-20_3
Đông đảo người dân đến chiêm ngưỡng tàu Xuân Thành 1 PY-99999 TS, chiếc tàu vỏ thép đầu tiên của Phú Yên

Càng ngày càng lớn tuổi, nhưng cái máu nghề luôn hừng hực trong ông. Đến năm 2013, ước nguyện của ông lại bay xa hơn, ông Lanh cảm thấy 2 chiếc tàu 120 - 150CV của ông bé quá. Ông lại mạnh tay đầu tư thêm 700 triệu cải hoán cả 2 chiếc tàu, nâng công suất mỗi tàu lên 370CV. Tàu càng lớn, đánh bắt cá hố xuất khẩu càng hiệu quả. Những thành công tiếp nối càng nuôi lớn thêm “ước vọng biển xa” của ông Lanh. Đến năm 2014, khi Chính phủ triển khai Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản, ông Lanh thấy mình như được tiếp sức để thực hiện ước mơ.

Sau khi nghiên cứu các điều khoản vay, tính toán thu nhập, ông Lanh quyết tâm làm hồ sơ xin vay vốn đóng chiếc tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh Phú Yên.

“Chiếc tàu dài 26,2m, rộng 7,3m, công suất 800CV, tổng kinh phí đầu tư là 16,5 tỷ đồng. Trước khi quyết định vay vốn đóng tàu, tôi đã tính toán đến chuyện sẽ làm nghề gì cho hiệu quả, và tôi chọn cái nghề mà ngư dân Phú Yên chưa từng làm, đó là nghề mành chụp; đồng thời chuẩn bị đủ nhân sự từ thuyền trưởng đến tài công và những người đi bạn cho cái nghề mới này”, ông Lanh cho biết.

Trong thời gian chiếc tàu được thi công đóng tại Cam Ranh (Khánh Hòa), việc đầu tiên ông Lanh làm là tìm tài công. Sau khi được nhận lời, ông Lanh mời tài công về tại xưởng đóng tàu để nắm bắt kết cấu của con tàu. Sau đó tài công được gửi đi theo các tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Ngãi để học tập cách vận hành thực tế. Trong quãng thời gian này, mặc dù chưa hoạt động, nhưng tài công vẫn được ông Lanh trả lương cứng 6 triệu đồng/tháng. Rồi ông ra đến Nghệ An, nơi ngư dân hoạt động rất mạnh nghề mành chụp để kiếm bạn.

“Tôi tính khi đi vào hoạt động tàu sẽ làm kiêm 2 nghề, nghề mành chụp và nghề câu cá bò gù. Do đó, sau khi ra Nghệ An kiếm được 7 ngư dân có kinh nghiệm trong nghề mành chụp, tôi còn về Bình Định chiêu mộ 5 ngư dân có tay nghề cao trong nghề câu cá bò gù, đồng thời đặt làm lưới. Nhờ chuẩn bị chu tất nên dù tàu của tôi hạ thủy sau 3 tàu vỏ thép của Bình Định, nhưng lại ra khơi đầu tiên”, ông Lanh chia sẻ.

Tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh Phú Yên do ông Lanh làm chủ ra khơi vào một ngày cuối tháng Giêng âm lịch, 2 ngày sau là ra đến ngư trường Trường Sa. Chỉ sau 3 ngày hoạt động, liên lạc về bờ, các thành viên trên tàu thông báo với ông Lanh là đã đánh bắt được 5 tấn mực và cá nục.

“Tổn của chuyến biển này là 150 triệu đồng, với 5 tấn thủy sản đánh bắt trong 3 ngày đã gần đủ bù, sản lượng đánh bắt những ngày sau được xem như khoản dư của chuyến biển, tôi sẽ dành những khoản dư của tàu vỏ thép trong mỗi chuyến biển để trả nợ vay. Chi phí trong gia đình đã có đôi tàu đánh bắt cá hố xuất khẩu lo”, ông Lanh phấn khởi.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất