| Hotline: 0983.970.780

Chuyện vớt xác, chuyện cứu người của người 30 năm tình nguyện giữ rừng

Thứ Ba 20/12/2016 , 14:30 (GMT+7)

Nhiều khi, cả tháng trời ông không vào bờ, râu ria mọc xồm xoàm. Nom ông bì bõm tuần tra dưới tán rừng sú, vẹt, phu biển đùa: “Rõ là người rừng!”. Ông là Phạm Văn Bổng, người đàn ông 30 năm sống trong căn chòi cô quạnh, thiếu thốn ở vùng đất ngập mặn...  

08-26-51_ong-bong-2
Đôi khi ông Bổng vừa đi tuần tra trên thuyền vừa nấu cơm
 

Ông là Phạm Văn Bổng, người đàn ông 30 năm sống trong căn chòi cô quạnh, thiếu thốn ở vùng đất ngập mặn xã Giao An (huyện Giao Thủy, Nam Định) còn nhiều hơn cả ở nhà để... giữ rừng không công.
 

Tâm nguyện lạ lùng

Căn chòi nhỏ thó, rúm ró của “người rừng” Phạm Văn Bổng (53 tuổi) nằm lẩn khuất phía sau những tán rừng ngập mặn, cách đất liền chừng 30 phút chèo xuồng. Nơi ông ở chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc bếp cũ mèm, vài cái nồi và những chiếc can nhựa đựng nước ngọt. Nếu không có cái đài cát-sét văng vẳng giọng phát thanh viên, chẳng ai nghĩ nơi ấy tồn tại cuộc sống văn minh.

Ông Bổng bảo, làm một căn chòi nhỏ bằng trụ gỗ thông và vòm tre nứa lợp bạt ở giữa sóng nước mất khoảng 30 triệu đồng. Nếu không có giông bão quá lớn thì tuổi thọ của cái chòi được 5 - 6 năm. Và đời ông đã dựng đến cái chòi thứ 6 ở vùng cửa biển Ba Lạt rồi.

Những người sống cô đơn hay tìm chén rượu, điếu thuốc lào làm bạn. Ông Bổng cũng thế, lúc một mình đối diện với mưa trời, bão biển, buồn quá lại lôi bình “giải sầu” ra uống.

“Có hôm sáng say, tối xỉn, chiều lơ đơ cô ạ!”, ông bộc bạch.

08-26-51_ong-bong-3
Nước ngọt trên chòi dùng để nấu ăn và tráng rửa. Còn lại sử dụng nước mặn
 

Nói đoạn, ông cầm đôi đũa tre, gõ nhịp vào chiếc bát sứ mà cất lên mấy câu hát. Nhịp là của bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” nhưng lời bài hát đã được “chế” rất tếu táo, khiến chúng tôi hể hả.

Rất nhiều lần, ông Bổng ở lại chòi cả tháng trời, vừa để tuần rừng, vừa khai thác thủy sản. Ông kể: “Chỉ cần đo râu là biết mình ở chòi được thời gian bao lâu. Vì ngoài này làm gì có dao cạo, dẫu có cũng chẳng dùng đến vì đẹp cũng đâu có ai xem. Khi nào tôi ở ngoài này chừng hơn 1 tháng, ai đi qua cũng ví tôi là người rừng vì râu tóc quá rậm”.

Gần 30 năm qua, ông làm cái việc mà nhiều người bảo là... gàn dở. Bởi bình thường chẳng ai lại tự viết đơn xin tình nguyện giữ rừng, những 80 hecta chứ không ít. Cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, nhiều diện tích rừng ngập mặn ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy “tứa máu” vì nạn chặt cây lấy gỗ. Trước cảnh tượng ấy, Chính phủ Đan Mạch, Nhật Bản đã đầu tư trồng mới hàng trăm hecta rừng ở vùng đất ngập mặn xã Giao Thủy.

Khi những cây sú, vẹt non chưa cắm sâu rễ thì rộ lên phong trào bắt cua rèm giống, ngao giống khiến nhiều cây con chết la liệt. Bao công sức trồng rừng đứng trước nguy cơ đổ sông đổ bể. Một tổ tự quản rừng gồm 12 người được thành lập, các thành viên thay phiên nhau gác chòi và tuần rừng để bảo vệ, trong đó có ông Bổng. Vài năm sau, khi nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng cạn kiệt, tổ tự quản cũng tan rã.

08-26-51_ong-bong-4
Những lúc ông Bổng vào trong bờ, người cháu lại ra trông rừng thay ông.
 

Nhớ những ngày vùng đất ngập nước này không có mầm xanh bao phủ, mỗi lần gió bão, sóng đánh sạt từng mảng đê, dân làng biển nháo nhào sơ tán. Ông nghĩ, bằng mọi giá phải giữ những vạt rừng này để con cháu mình được sống yên ổn muôn đời.

Thế là, ông viết đơn tình nguyện giữ rừng không một đồng trợ cấp, chính quyền xã và lãnh đạo Vườn Quốc gia Xuân Thủy giơ cả hai tay ủng hộ. Từ ấy đến giờ, ông chẳng còn nhớ đã bao nhiêu lần hứng chịu những cơn bão biển, và cả những cơn bão “rèm pha” của người đời. Nhưng, ông chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ.
 

Thầm lặng cống hiến

Mỗi tuần vài lần, ông lái xuồng đi tuần rừng vài lần. Chiếc xuồng mộc cũ mèm lắp thêm động cơ nổ xình xịch và nhiều khói, đôi khi át cả tiếng kể chuyện. Năm nào ông cũng phải sửa con “cá gỗ chạy động cơ” này, mỗi lần mất dăm đến bảy triệu đồng.

08-26-51_ong-bong-1
Ông Bổng lái xuồng lão luyện sau mấy chục năm cuộc đời gắn bó sông nước
 

Với tay lái nhiều năm kinh nghiệm, ông đưa xuồng đi theo lộ trình là những lạch nước mà người ngoài nghề như tôi chẳng hiểu được. Vừa đi, ông vừa giới thiệu nào sông Vọp, nào cửa Ba Lạt, nào Cồn Lu, cồn Ngạn… với những câu chuyện ly kỳ đầy cuốn hút. Để đi hết khu rừng mà ông nhận trông giữ mất cả một ngày, chi phí xăng dầu hàng tháng không hề nhỏ nhưng ông Bổng chẳng mảy may tính toán.

Dù mới ngoài 50 tuổi, nhưng trông ông già hơn tuổi với dáng vẻ khắc khổ. Mái tóc lơ phơ bạc và những nếp nhăn in hằn rõ trên khuôn mặt xương xương. Khi ông đưa vạt tay lên trán gạt mồ hôi, cánh tay có làn da đen sạm, có chỗ bị bong tróc vẩy lộ ra. Chừng 10 năm về trước, người ta phá rừng làm đầm tôm, lấy củi hay săn bắn chim khiến rừng ngập mặn suy kiệt. Đôi tay chai sạn này đã gỡ hàng ngàn tấm lưới bẫy cò mà cánh thợ săn giăng mắc.

Và, cũng chính đôi tay có làn da đen đúa này đã lái xuồng đi vận động người dân không chặt phá rừng, bắt chim hay lấy trứng cò. Nhờ những hành động nhỏ nhặt và bền bỉ ấy suốt bao năm của ông Bổng mà không ít người đã ủng hộ, thay đổi nhận thức về việc trồng rừng, bảo tồn rừng.

Ông trải lòng, khổ nhất vẫn là những ngày bão to, không thể về đất liền mà chòi cũng không thể ở vì sợ gió quật đổ, ông lại đi sâu vào trong các cồn rừng neo thuyền vào những thân cây sú, vẹt nằm ngủ. Bởi, ở đó gió lặng.

Những ngày trời nồm ẩm, muỗi to và nhiều như vãi trấu. Bọ cánh trắng và bọ cánh đen bay đầy vào chòi, đốt vào da thịt người ngứa đến phồng rộp. Ông chỉ còn cách trùm chăn thật kín để đỡ bị côn trùng đốt.

Cuộc sống xa bờ vất vả là vậy, nhưng ông Bổng vẫn thích ở chòi hơn ở nhà. Chỉ khi nào trong nhà có việc ông mới vào đất liền. Còn không, ngày ngày ông vẫn ở rừng mò cua, bắt cá rồi bán để trang trải sinh hoạt hằng ngày.
 

Chuyện vớt xác, chuyện cứu người

Trong quãng đời giữ rừng của mình, ông Bổng không thể nhớ hết được mình đã chôn cất bao nhiêu thi thể người chết từ cửa sông Ba Lạt dồn về.

Ám ảnh nhất vẫn là trận bão kinh hoàng 20 năm về trước (dự báo thời tiết phán đoán sai rằng “áp thấp không mạnh lên thành bão”), nhiều phu biển không kịp vào bờ tránh trú nên đã bỏ mạng, trôi dạt về vùng cửa biển.

Có những thi thể không còn nguyên vẹn, rời rạc từng phần vì bị cá rỉa, sóng đánh lâu ngày, ai nhìn cũng sợ. Ông là người trực tiếp vớt thi thể rồi cùng với chính quyền xã Giao An tổ chức chôn cất những nạn nhân xấu số ấy. Việc xong xuôi, người ta hỏi ông có sợ không? Ông bảo:“Mình làm việc tốt, mình tạo phúc cơ mà. Có gì đâu mà lại sợ".

Lại có dạo, một đám trẻ ở xã Giao Thanh ra rừng ngập mặn chơi. Lúc thủy triều lên, một cậu bé bị lạc không kịp tìm đường về. Sẩm tối, khi tuần rừng, ông Bổng phát hiện cậu bé đang dầm mình dưới nước, cơ thể chỉ hở từ vai lên đầu. Mặt cậu tái nhợt, toàn thân run rẩy. Ông đã kéo cậu bé lên xuồng, đưa về chòi và nấu cháo cho ăn. Sau này, gia đình cậu bé mang lễ vật đến nhà ông Bổng để xin ông nhận làm con nuôi.

Ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy kể: Những năm 1990 trở về trước, “quân đoàn” săn chim kéo vào rừng đông như đánh trận. Chốc chốc lại nghe tiếng súng đùng đoàng vang vọng lại. Người không có súng thì dùng lưới, dùng ná thun hoặc vào rừng nhặt trứng chim trong tổ... Đồng hành cùng với cánh săn chim còn có hàng chục, hàng trăm người đốn củi. Rừng bị “tứa máu”, chết dần chết mòn. Cán bộ của vườn quá mỏng, lại không có kinh phí thuê người trông giữ. May thay, nhờ có những người tâm huyết giữ rừng như ông Phạm Văn Bổng, Vườn Quốc gia mới phát triển được như hôm nay.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất