| Hotline: 0983.970.780

Chuyện xóa "mìn" ở Hải Lăng

Thứ Hai 24/09/2012 , 10:06 (GMT+7)

Cách đây mấy năm, chuyện HĐND huyện Hải Lăng (Quảng Trị), ra Nghị quyết phấn đấu đến năm 2015 có 100% hộ dân có nhà tiêu tự hoại và bán tự hoại được coi như một cuộc cách mạng về nếp sống...

Đầu tư 9,5 triệu đồng, gia đình ông Thanh xây được nhà tiêu tự hoại hai phòng và hệ thống nước sinh hoạt

Cách đây mấy năm, chuyện HĐND huyện Hải Lăng (Quảng Trị), ra Nghị quyết phấn đấu đến năm 2015 có 100% hộ dân có nhà tiêu tự hoại và bán tự hoại được coi như một cuộc cách mạng về nếp sống và qua đó để xoá những “bãi mìn” do tập quán đại tiện ngoài đồng gây nên.

Ở đâu cũng có "mìn"

Huyện Hải Lăng có 19 xã và thị trấn, địa hình chủ yếu là đồng bằng ven biển nên đất cát và đồi cây lúp xúp bao quanh làng xóm, nhìn rất đẹp. Những năm trước mỗi lần về vùng này, tôi thường nói với mấy người bạn, huyện Hải Lăng có nhiều cái để khen, nhưng có một điều là trong mỗi cơn gió, dù gió nam hay gió bắc thổi qua đều thoang thoảng mùi hôi thối vì tập quán đại tiện ngoài đồng của không ít người dân.

Hỏi các bô lão thì được cụ Phan Sào ở xã Hải Thọ nói rằng ông cha của họ từ xưa nay vẫn đại tiện ngoài đồng. Vì thế, các cụ thường tếu táo với nhau trong những lúc đùa vui: “Nhất quận công, nhì ị đồng”.

Cái thú "ị đồng" chứ không chịu xây nhà tiêu của không ít người dân Hải Lăng suýt chút nữa làm cho người bạn của tôi “chia tay” người yêu. Hồng - bạn tôi kể rằng, lần đầu mới về Hải Lăng thăm nhà người yêu, có một tình huống mà cô không bao giờ quên được. Hôm đó cô muốn đi vệ sinh nhưng tìm mãi không thấy nhà vệ sinh như nhà cô ở thành phố. Thấy người yêu của con trai loay hoay tìm chỗ, mẹ anh hiểu ý nên chỉ ngay một chỗ bên chuồng heo rồi buông câu xanh rờn: “Ở phố xá về được ưu tiên đó nghe. Chứ ở đây ai cũng phải ra ngoài đồng để giải quyết”.

Hồng vừa mới lum khum ngồi xuống, chú heo đẻ trong chuồng thấy lạ liền thò mồm ra thúc ngay vào mông. Quá bất ngờ, lại vừa sợ nên Hồng hét to rồi chạy thục mạng trong khi vẫn chưa kịp trút "nỗi buồn" nhưng cô vẫn quyết định nín lại. Sáng mai Hồng về ngay thành phố, chứ không thể ở thêm nhà người yêu một hôm nào nữa. Sau cái vụ đó, Hồng nói với người yêu nếu anh không động viên bố mẹ xây nhà tiêu tự hoại thì nhất định em sẽ không theo anh về quê nữa.

Cũng do quen đại tiện ngoài đồng nên ông Nguyễn Công ở xã Hải An đã bị người cậu khước từ, không thèm đến thăm. Người cậu mất công đi mấy chục cây số vào thăm cháu, nhưng mỗi khi ở lại thì ông phải chạy lên đồng để giải quyết chuyện vệ sinh. Mấy năm sau không thấy cậu vào thăm, khi người cháu hỏi ra thì nghe cậu phán: “Mi mà không xây được cái nhà tiêu thì tau chẳng bao giờ vào thăm nữa đâu. Ăn ở chi mà mất vệ sinh rứa?”.

Không phải tập quán đi vệ sinh bừa bãi chỉ xuất hiện ở một vài xã mà có khắp huyện Hải Lăng, từ bờ biển cho đến các đồi cát lúp xúp quanh làng, chỗ nào cũng ụn lên từng đóng, ai vô ý sẽ bị dẫm lên những “trái mìn” cài sẵn đó. Chuyện đi vệ sinh ngoài trời không những làm khổ cho bản thân mình mà còn nhiều người khác, ngay cả trong đêm, dưới mưa gió tầm tã cũng phải mang áo mưa mà... ngồi. Còn xóm làng thì mất vệ sinh, ô nhiễm trầm trọng.

Đề án xoá “bãi mìn”

Chuyện đại tiện ngoài đồng để lại những “bãi mìn” tại nhiều xã ở huyện Hải Lăng đã không còn phù hợp với chủ trương xây dựng cuộc sống văn minh, sạch đẹp nông thôn. Để giải quyết chuyện này, tháng 12/2005, UBND huyện Hải Lăng ban hành đề án phấn đấu đến năm 2015 có 100% số hộ sử dụng nhà tiêu tự hoại và bán tự hoại và kèm theo Nghị quyết số 5C/2005/NQ-HĐND của HĐND huyện về vấn đề trên.

Huyện Hải Lăng đã thẳng thắn tự phê: “Vấn đề bất cập nhất hiện nay là nhận thức, tập quán vệ sinh nông thôn của người dân còn lạc hậu, chưa coi trọng việc xây dựng nhà tiêu tự hoại, bán tự hoại. Đây là một trong những nguyên nhân lớn gây ô nhiễm môi trường, suy giảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt và ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân".

Lúc bấy giờ huyện Hải Lăng số hộ có nhà tiêu tự hoại chỉ chiếm 15,68%, đây là một con số hết sức báo động về mặt ô nhiễm môi trường. Huyện Hải Lăng hạ quyết tâm trong hai năm 2006 và 2007, cần phải xây thêm hơn 4.500 nhà tiêu tự hoại và bán tự hoại để toàn huyện đạt được tỷ lệ 55% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh. 

Rất nhiều chính sách được đưa ra nhằm tuyên truyền, vận động người dân thay đổi ý thức lạc hậu, xây nhà vệ sinh đạt chuẩn. Trước hết, huyện vừa tạo điều kiện vừa bắt buộc 100% hộ gia đình ở thị trấn Hải Lăng phải gương mẫu đi trước xây dựng mô hình nhà tiêu tự hoại. Đối với các hộ khó khăn, Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho vay 8 triệu đồng/hộ để xây nhà tiêu với lãi suất rất ưu đãi.

Ngoài ra, 100% số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng trên toàn huyện và các hộ dân khu vực bãi tắm Mỹ Thuỷ, khu du lịch sinh thái Trà Lộc, các chợ Diên Sanh, Mỹ Chánh, Phương Lang, Kim Long đều phải xây nhà tiêu tự hoại và bán tự hoại.

Huyện cũng chủ trương tranh thủ vận động tối đa các dự án để hỗ trợ đầu tư các công trình nhà tiêu tự hoại, bán tự hoại cho nhân dân các xã Hải An, Hải Khê, Hải Quế, Hải Ba, Hải Dương, Hải Vĩnh... Cố gắng để giai đoạn 2008-2010 xây thêm 7.500 nhà tiêu tự hoại và vận động bà con tự đầu tư xây thêm 5.000 nhà tiêu nữa.

Bà Lê Thị Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, cho biết: “Đến giữa năm 2012, toàn huyện có hơn 16 ngàn số hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ trên 72% kế hoạch đặt ra đến năm 2015. Chúng tôi sẽ phấn đấu đến năm 2015 đề án sẽ đạt kết quả 100%”.

Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ cho 1.000 hộ nghèo mỗi hộ 1 triệu đồng để góp thêm tiền xây nhà tiêu. Giai đoạn 2011-2015, cần xây thêm 8.000 nhà tiêu, phấn đấu để năm 2015 sẽ có 100% số hộ ở huyện Hải Lăng có nhà tiêu tự hoại và bán tự hoại. Phải làm mọi cách để người dân huyện này không còn chuyện đi vệ sinh ngoài đồng gây ô nhiễm môi trường nữa.

 

Ông Trần Thanh Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thọ, cho biết: “Nhờ chính sách đồng bộ và sự quyết tâm cao của huyện, xã về chuyện xoá "bãi mìn" nên tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu đạt chuẩn xã này đã đạt hơn 90%. Hải Thọ là xã có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện đề án xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh của huyện Hải Lăng".

Bây giờ, qua các thôn ở xã Hải Thọ không còn thấy thoang thoảng mùi xú uế như xưa, thay vào đó là các nhà tiêu tự hoại được người dân xây mới. Ông Nguyễn Ngọc Thanh ở thôn 1 khoe: “Nhà tiêu này tôi vừa xây hết 9,5 triệu đồng bằng tiền của gia đình dành dụm từ việc bán lúa. Nhà tiêu có hai phòng hẳn hoi, tắm và vệ sinh được sơn tường và lót đá. Đi vệ sinh xong chỉ cần ấn nút là sạch sẽ ngay. Mình phải chung sức bảo vệ môi trường để sức khoẻ người dân ngày càng được nâng cao".

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm