| Hotline: 0983.970.780

Có an cư mới lạc nghiệp

Thứ Năm 23/07/2015 , 10:03 (GMT+7)

Rất nên làm cho chồng lung lay ý định hồi hương. Ngoài ấy đã có bác cả ôm bố mẹ, đất đai, ban thờ. Rồi có lẽ cháu sẽ là trụ cột và thu nhập chính cho gia đình nhỏ của mình.

Cô kính mến!

Biết có luyện thi cũng không thể đỗ được đại học vì nhà cháu ở quê, lên phổ thông trung học phải ra thị trấn rồi, cháu xuôi Nam, tìm đến một khu công nghiệp.

Ngày cháu đi mẹ khóc hết nước mắt, nhà cháu anh trai làm địa chính địa phương, em gái út còn đang học, nhưng mẹ vẫn thương cháu ly hương sớm.

Nhiều bạn nữ ở đây học thấp, có bạn mới chỉ học hết lớp 5. Ban đầu cháu cũng làm trong dây chuyền, nhanh chóng lên tổ trưởng rồi lên nữa và giờ thì được làm quản đốc một phân xưởng nhỏ.

Cháu gặp nhà cháu ở gần khu cháu trọ. Cháu được bà chủ nhà thương nên riêng cháu thì được một phòng cạnh gian bếp của bà ấy.

Chồng cháu là người hay đến chăm sóc sức khỏe cho ông chủ nhà bị liệt nửa người. Khi ấy anh đã gần ba mươi mà chưa vợ con gì.

Anh có nghề điều dưỡng, không làm ở bệnh viện mà làm ở một trung tâm vật lý trị liệu của tư nhân. Chúng cháu có duyên với nhau từ bà chủ nhà trọ của cháu.

Anh ấy cũng người miền ngoài cô ạ, nhưng ở vùng trung du. Anh chăm chỉ lắm cô và có tay nghề thầy thuốc nên làm thêm bên ngoài rất đông khách.

Đêm nào cũng rất khuya anh mới về chỗ trọ. Chúng cháu cưới nhau không bị cản trở, hai đứa về ngoài ấy, bố mẹ cháu miễn cho nhà trai lễ hỏi, mẹ cháu và mẹ anh ấy sớm thỏa thuận được ngày nên mọi việc chỉ trong tuần là chúng cháu được quay vào với công việc.

Nhà cháu trọ có sân trước, sân vườn, cháu như được sống trong gia đình của mình. Chồng cháu vẫn tiếp tục chăm sóc ông chủ cho đến khi ông qua đời vào năm 2011.

Rồi cháu sinh em bé, mẹ cháu vào chăm được 1 tháng, phòng chật, vườn của người ta – bà bảo thế và đòi về sớm. Cháu nghỉ không nhiều, bấy giờ bà chủ nhà được chúng cháu thuê để chăm con gái cháu.

Năm bé 2 tuổi, nhà nội nó nhất định bắt cháu gửi ra ngoài ấy. Biết nó được ông bà nội và bác trưởng cùng bác dâu chăm nhưng cháu nhớ nó đứt ruột.

Đời công nhân dù là “sĩ quan” như cháu cũng quá vất vả. Nhiều phụ nữ cũng có chồng công nhân, con cái phải gửi nhà trẻ sớm, đau ốm liên miên.

Nhà trọ của những chị em ấy thì ngõ hẹp, mưa gió lầy lội, mùa nắng lại hầm hập đến đêm. Vì vậy chồng cháu nhớ con, nhớ gia tộc và luôn muốn hồi quê đó cô.

Chúng cháu dành dụm mua được một suất đất ngoài ấy. Nhưng về lâu dài, thời tiết trong này dễ chịu, công việc dễ dàng, tình người cũng hay hơn.

Cháu kiên quyết phản đối chồng. Rồi con của cháu sẽ vào lớp 1, khi ấy cháu sẽ đem nó vào đây, vợ chồng con cái bên nhau như cũ. Nhưng anh ấy bảo sẽ có đứa con thứ 2, phải sinh để có con trai, bề nào chẳng về quê.

Cháu rất phân vân khi chồng cháu quá nặng lòng với kế hoạch ấy. Theo cô, cháu có nên nghe theo không?

Bà chủ nhà thương chúng cháu như con, bảo cứ ở đây, bà không bao giờ tăng giá phòng, việc gì phải bỏ chạy như vậy.

--------------------

Cháu thân mến!

Trước tiên hãy nói về việc cháu rời quê vào khu công nghiệp mà không đi con đường đại học có thể sai lầm, trần ai, thất nghiệp…

Và có lẽ cháu nhẹ vía và dễ thương nên được một bà chủ nhà trọ coi như con cháu. Rồi cháu lại gặp được người chồng có tay thuốc và cuộc sống cần kiệm, cứ thế tốt tươi lên.

Rất nhiều người đã thành cư dân lâu dài ở phương Nam một cách ngẫu nhiên. Khi xa quê thì tức tưởi, sao lại khổ thân như vậy, bố mẹ, bà con, gia tộc, từng kỷ niệm, nới nhau rốn…

Nhưng khi đã quen thung thổ trong này thì không mấy ai muốn quay về, như cháu viết, dễ sống, dễ tìm việc, dễ thở.

Cô biết cháu đã vững tin vào tương lai của mình. Chồng cháu thì đàn ông xứ Bắc muôn thuở nặng quê và khao khát con trai nối dõi.

Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ này đây: Cháu sinh nữa cũng được mà không sinh nữa càng tốt. Chồng cháu thì khác hẳn, nghĩ khác, hành động khác.

Cô không hình dung được ở quê trung du chồng cháu thì cháu sẽ làm gì, chồng có phát huy tay nghề vật lý trị liệu được không?

Là bởi hai miền có khác nhau về cách hành xử với đồng tiền. Miền Nam phóng khóang, ăn nhiều xài nhiều, khi đau nhức, họ cũng sẵn sàng chi tiền cho tẩm quất, trị liệu. Miền Bắc khó khăn truyền đời, tiền bạc chắt mót, chồng cháu sẽ chuyển đổi việc gì?

Và cháu, khu công nghiệp nào có thể đưa cháu lên tới ghế quản đốc, lại bắt đầu từ chân dây chuyền ư, hay là ở nhà ôm con và ngóng chồng?

Rất nên làm cho chồng lung lay ý định hồi hương. Ngoài ấy đã có bác cả ôm bố mẹ, đất đai, ban thờ. Rồi có lẽ cháu sẽ là trụ cột và thu nhập chính cho gia đình nhỏ của mình.

Chuyển đổi đất thành tiền và đất trong này vẫn rẻ hơn. Có an cư mới lạc nghiệp mà an cư trước hết phải từ tâm định, chí vững, hài lòng với những gì mình có và không quên ao ước những thứ trong tầm tay mình.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm