| Hotline: 0983.970.780

Có bàn tay can thiệp

Thứ Ba 19/10/2010 , 11:48 (GMT+7)

Vụ án sở dĩ kéo dài đến gần 7 năm nhưng vẫn chưa được đưa ra xét xử, bởi vì ngay từ đầu, dư luận đã phát hiện nhiều điều mờ ám của Công an huyện...

Thương binh Quản Đắc Họp xọp đi vì chuyện sóng gió

Vụ án sở dĩ kéo dài đến gần 7 năm với 6 bản kết luận điều tra (KLĐT) và KLĐT bổ sung, 2 bản cáo trạng nhưng vẫn chưa được đưa ra xét xử, bởi vì ngay từ đầu, dư luận đã phát hiện nhiều điều mờ ám của Công an huyện Hoài Đức và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây (cũ).

>> Những vụ án ''gà mắc tóc''

Điều mờ ám thứ nhất là sau vụ cãi cọ, xô sát xẩy ra tại khu vực nhà ông Quản Đắc Họp vào ngày 19/7/2003 do bố con ônh Đỗ Đăng Chuyên, Đỗ Đăng Cẩu cưỡng chiếm đất đai của gia đình ông Họp một cách trái phép, Công an xã Vân Côn có ý định tổ chức hòa giải giữa 2 gia đình, nên chưa báo cáo với Công an huyện Hoài Đức.

 Mãi đến ngày 27/10/2003, sau nhiều lần hòa giải không thành, Công an xã Vân Côn mới có báo cáo gửi Công an huyện Hoài Đức. Ngày 17/11/2003, Công an huyện Hoài Đức khởi tố vụ án hình sự. Nhưng ngày 19/8/2003, Công an huyện Hoài Đức đã có quyết định trưng cầu Viện KHHS (Bộ Công an) giám định thương tích cho Đỗ Đăng Cẩu. Tức là việc trưng cầu giám định xẩy ra trước khi Công an huyện Hoài Đức biết vụ việc tới hơn 2 tháng. Vì sao lại có sự lạ lùng như vậy?

Điều mờ ám thứ hai là ngày 19/8/2003 Công an huyện Hoài Đức có quyết định trưng cầu Viện KHHS Bộ Công an giám định thương tích cho Đỗ Đăng Cẩu. Nếu quyết định đó được gửi bằng đường bưu điện thì phải ít nhất 2 ngày mới tới Viện KHHS và ông Viện trưởng hay người phụ trách được ủy quyền phải có thời gian xem xét, ra quyết định giao nhiệm vụ cho giám định viên, nghĩa là từ lúc công an ra quyết định trưng cầu cho đến khi giám định viên được phân công tiến hành giám định, phải mất ít nhất 3 ngày (những vụ án loại này không thuộc loại cấp bách như những vụ án phải có quyết định ngay).

 Thế nhưng ngày 19/8/2003 Công an huyện Hoài Đức có quyết định trưng cầu giám định thì ngay ngày hôm sau, 20/8/2003, Đỗ Đăng Cẩu đã được giám định viên của Viện KHHS tiến hành giám định ngay và ngày 3/9/2003 Viện KHHS đã có bản kết luận giám định, trong đó kết luận Đỗ Đăng Cẩu bị thương tích 34,16%. Tại sao lại có sự “nhanh chóng” một cách kỳ lạ như vậy?

LS Trần Đình Triển cho biết: “Xét về hình thức, trình tự, cách đặt vấn đề trong bản kết luận giám định có nhiều mâu thuẫn, thiếu khoa học và thiếu rõ ràng; thậm chí vấn đề quan trọng trong xác định chấn thương sọ não do vật cứng tác động thì cần thiết phải tiến hành chụp cắt lớp, thử và xét nghiệm người bị thương trước khi điện não đồ có dùng chất kích thích không… Tất cả những vấn đề trên đều bị bỏ qua khi giám định. Thương tích tới 34,16% mà Đỗ Đăng Cẩu chỉ ở Viện 103 có 4 ngày, từ 19-22/7/2003, nếu trừ thời gian làm thủ tục nhập viện, ra viện, thì thời gian điều trị còn lại là bao nhiêu?”.

Còn ông Đỗ Đăng Chuyên, vụ việc xẩy ra từ ngày 19/7/2003 nhưng đến ngày 22/7/2003 mới đến Phòng khám ngoại Bệnh viện tỉnh Hà Tây khám và điều trị ngoại trú, 25/8/2003 mới vào nằm viện đến ngày 1/9/2003 thì ra viện, vậy mà thương tích được giám định cũng là 21% (?).

Điều mờ ám thứ ba là trong suốt quá trình điều tra, cơ quan CSĐT chỉ “tin tưởng tuyệt đối” vào những nhân chứng là ruột thịt của ông Đỗ Đăng Chuyên như  các ông: Nguyễn Đình Sự (con rể), Đỗ Đăng Chắt (cháu ruột), Nguyễn Công Long (con nuôi)…Trong số đó có những người đã tham gia vụ cưỡng chiếm đất đai của gia đình ông Quản Đắc Họp ngày 19/7/2003 như Đỗ Đăng Chắt. Còn một số người làng như các anh Đỗ Đăng Trung, Nguyễn Đức Thảo, tình cờ có mặt lúc xẩy ra xô sát vào ngày 19/7/2003 tại vị trí đất nhà ông Họp, cũng được cơ quan CSĐT triệu tập lên lấy lời khai.

Cả hai đều khai rằng lúc xô sát, chính ông Đỗ Đăng Chuyên đã cầm dao chém ông Họp nhưng bị ông Họp giằng được dao. Giằng được dao rồi, ông Họp quay ra đuổi Đỗ Đăng Cẩu và Đỗ Đăng Chắt. Ông Cẩu chạy, ngã vào mép mương bê tông trong khi ông Họp vẫn đuổi ông Chắt. Thấy vậy, ông Nguyễn Đình Sự chạy đến đỡ Cẩu dậy. Nhưng những lời khai này của họ “khác” với những “nhân chứng” là con rể, cháu ruột, con nuôi của ông Đỗ Đăng Chuyên, nên đều “không đáng tin cậy” và đều không được xem xét đến…

Thứ tư là theo lời khai của ông Đỗ Đăng Chuyên, thì rẻo đất mà ông Quản Đắc Họp nhận thầu của thôn và cả 60 m2 đất thổ cư của ông Họp là đất mà ông Đỗ Đăng Chuyên đã được UBND xã “cho thuê”, địa chính xã đã xuống đo đất, cắm đất cho ông Chuyên. Nhưng UBND xã Vân Côn đã nhiều lần xác nhận bằng văn bản rằng cho đến ngày 19/7/2003 là ngày xẩy ra xô sát, UBND xã chưa hề cho Đỗ Đăng Chuyên thuê đất ấy, và cũng không hề có chuyện địa chính xã cắm đất ấy cho Chuyên.

Tất cả những mờ ám đã góp phần lý giải rằng vì sao suốt 7 năm nay, vụ án vẫn không được đưa ra xét xử , dù theo lời tiết lộ của một vị phó giám đốc công an tỉnh Hà Tây, thời Hà Tây chưa sáp nhập vào Hà Nội, thì “đã họp lên họp xuống”.
LS Trần Đình Triển đã bình luận về việc này như sau: "Có thể nói hành vi của bố con ông Chuyên, Cẩu ngang nhiên xây tường chiếm đoạt rẻo đất mà ông Họp đang được thầu của xã và 60 m2 đất thổ cư của ông đã có dấu hiệu cấu thành tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo điều 137 Bộ luật Hình sự. Như vậy, nếu giả sử có chuyện “xô sát” xẩy ra, thì hành động của ông Quản Đắc Họp (hoặc gia đình) là hành động phòng vệ chính đáng để bảo vệ tài sản hợp pháp của mình được Nhà nước và pháp luật bảo hộ”.

Chúng tôi thấy cần nhấn mạnh thêm, rằng mảnh đất thổ cư mà thương binh Quản Đắc Họp được cấp có thẩm quyền cấp cho, chính là sự đền đáp của Nhà nước, của nhân dân đối với ông, sau khi ông đã đổ máu, mất tới 75% sức khỏe để bảo vệ mảnh đất chung là Tổ quốc, trong đó có cả mảnh đất mà bố con ông Chuyên, Cẩu hiện đang sinh sống. Thế nhưng cơ quan CSĐT đã bất chấp tất cả, vẫn chấp nhận lời khai của ông Đỗ Đăng Chuyên, cho rằng ông Chuyên xây tường một cách hợp pháp trên mảnh đất đã được chính quyền địa phương “cho thuê”, biến kẻ “công nhiên chiếm đoạt tài sản” của một thương binh thành nạn nhân, biến người bảo vệ tài sản hợp pháp của mình thành kẻ côn đồ, tội phạm.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.