| Hotline: 0983.970.780

Có cháu có chắt quá vui cho một người tuổi lục tuần như ngoại

Thứ Hai 07/11/2016 , 06:50 (GMT+7)

Cháu thương ngoại, cháu làm sao giao con cho ngoại được dù ngoại cũng mới 66 tuổi thôi. Nếu mướn người cho ngoại để coi con cháu thì cháu sợ chúng cháu không lo nổi tiền.

Cô kính mến!

Thấm thoát mà đã 3 năm kể từ lúc cháu viết thư nói về chuyện đang học cao đẳng mà yêu và cưới sớm trước khi học xong. Cô ơi, đúng như cô tiên đoán, chúng cháu ở trọ chung một khu, quá gần nhau nên đâu có giữ được mình. Cháu đã có bầu và khi năm học còn bốn tháng nữa thì cháu phải về quê, coi như dở dang sự học, nữa sẽ tính sau.

Chồng cháu hồi đó cùng chuyển theo cháu về quê để chuẩn bị cho cháu sinh đẻ. May mà có nhà của bà ngoại ở thị trấn nên tụi cháu nương náu được. Anh ấy làm đủ việc để có tiền, chạy xe ôm, ai thuê gì làm nấy vì thị trấn nhỏ, xa lạ, đành làm chuyện vặt vậy thôi cô.

Rồi cháu sinh con, đứa con gái dễ thương lắm cô. Có bà ngoại như có mẹ, bà chỉ bảo, chăm sóc mẹ con cháu rất nhiều. Ơn của ngoại không biết kể sao cho hết. Ba mẹ cháu ở trong quê, thỉnh thoảng có ra mang củi mang rau cá, chồng cháu cảm động lắm cô.

Nhưng rồi anh ấy cũng trở lại thành phố vì việc chuyên môn của anh phải ở trên đó mới có tiền. Mỗi tháng anh phóng xe về với vợ con một lần, mang tiền về cho cháu với cho ngoại. Thời gian cũng qua nhanh, con cháu đầy năm, rồi biết đi, biết nói.

Khi con cháu tới tháng 16 thì anh ấy định thưa với ngoại là làm sao để cháu lên lại thành phố vừa học cho xong mấy học phần nữa để kiểm tra lấy bằng. Còn môn tiếng Anh mà cháu phải thi chứng chỉ nữa cô. Nhưng cháu thương ngoại, cháu làm sao giao con cho ngoại được dù ngoại cũng mới 66 tuổi thôi. Nếu mướn người cho ngoại để coi con cháu thì cháu sợ chúng cháu không lo nổi tiền. Trước mắt còn phải thuê nhà trọ, nuôi cháu, đóng tiền học, lại còn tiền nuôi con và mướn người nữa, không kham nổi. Mà cháu ở nhà thì sao lấy bằng, sao làm ra tiền để nuôi mình và cùng anh nuôi con đây cô?

--------------------

Cháu thân mến!

Sao cô không nghe nói đến phương án ba mẹ cháu giúp đỡ gì, ông bà ngoài của đứa bé ấy? Và cũng không nghe nói đến ông bà nội của bé. Cô xem thư lưu thì hóa ra, chồng cháu bị cha bỏ từ khi cậu ấy còn bé tí, mẹ đi bước nữa và có con riêng. Còn ba mẹ cháu ở trong quê nghèo, ít đất, lại còn hai đứa em trai của cháu phải nuôi, một đứa lớp 9 và một đứa lớp 6.

Như vậy là ngoại còn trẻ, chưa tới 70. Và hình như chính ngoại mới là chỗ dựa cho cháu chứ không phải ba mẹ. Cháu ở thị trấn với ngoại, cháu thi đậu cao đẳng và ngoại đã hết lòng cho cháu từ khi cháu vào cấp III đến giờ.

Cô không nghe nói ngoại sống bằng gì nhưng hình như ngoại ở một mình. Có cháu có chắt quá vui cho một người tuổi lục tuần như ngoại. Giá như cháu bé 3 hoặc 4 tuổi thì hay hơn, đỡ cực ngoại. Nhưng gần 20 tháng rồi, cháu sẽ 2 tuổi và đi nhà trẻ, sẽ đi mẫu giáo vào hè năm sau. Thôi thì, không cậy ai được thì trông vào ngoại vậy.

Đúng, chồng cháu đã tính đúng. Bây giờ ai trẻ thì đi xa, bôn ba kiếm tiền, quê hương, bản quán toàn người đứng tuổi và người già hết. Đó là tình cảnh của những xứ nghèo, lạc hậu, có người có sức mà không có tiền, biết làm sao. Thương ngoại mười thì cô thương cháu chín và thương đứa con nhỏ của cháu tới mười một. Xa nhau rất đau lòng, ngoại thương nhớ cháu, cháu thương ngoại và nhớ con, và đứa con ấy nhớ mẹ nhớ cha. Một đứa trẻ nó rất biết nhớ dù nó không biết nói đó thôi.

Cháu không còn như xưa nữa. Tức là nước đã đến chân rồi. Phải nhảy, lo học, lo chứng chỉ, mục tiêu là 6 tháng phải xong việc học, rồi còn xông ra đi làm bất cứ việc gì để có tiền phụ với chồng, lo cho con và cho ngoại. Việc có cần mướn người không, phải thảo luận với ngoại. Nếu cần kíp quá, nên thuê một em nhỏ mỗi ngày sang giúp ngoại vài giờ, giữ em bé cho ngoại nấu cơm, đi chợ, nghỉ ngơi. Cô nghĩ ở thị trấn chắc cũng dễ kiếm người và cũng rẻ. Mình thuê con nhà nghèo, đứa tin được, vừa đi học vừa giúp ngoại của cháu, hai bên cùng có lợi, trước mắt chắc là vậy đi đã.

Việc cần trước mắt và lâu dài là cháu phải thành công, sự học cũng như tìm việc, buông dầm cầm chèo với chồng ở một nơi đô hội như vậy. Và nhớ là đừng để có bầu nữa, khổ thêm, khổ cả một đống người chứ không phải khổ cho mình thôi đâu.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất