| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 05/07/2011 , 11:23 (GMT+7)

11:23 - 05/07/2011

Có chế tài, nhưng phải thực thi

Chính phủ vừa mới thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37 về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ. Trong đó, điểm đáng lưu ý là bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai sẽ được công khai. Đây được xem là bước tiến về sự minh bạch, một trong những giải pháp để phòng chống căn bệnh tham nhũng hiện nay.

Còn nhớ, cách đây không lâu, dư luận rộ lên chuyện ông Trần Thanh Tiến - TGĐ, đại diện cho 51% cổ phần nhà nước tại Cty CP Du lịch Tiền Giang (Tigitour), lương hệ số 6,78, lại sở hữu 7 lô đất với hơn 10.000m2, mà bản kê khai tài sản riêng của ông lại thuộc loại “không có vấn đề”!

Thực ra, cái bản kê khai ấy, chả có gì ngạc nhiên đối với người dân quanh vùng, bởi ông này đứng vào hàng đại gia ở đây. Tuy nhiên, dư luận thấy khó hiểu ở chỗ, ông Tiến đã sang tên cho con để phân tán tài sản riêng của mình. Điều đáng nói, con trai ông đang là sinh viên của một trường đại học, mà nếu là sinh viên, thì tiền đâu để mua diện tích đất lớn như thế.

Vả lại, chuyện sang tên tài sản cho con trai đều phải qua các cơ quan quản lý chức năng của tỉnh. Vậy mà những cơ quan quản lý cán bộ này và lãnh đạo tỉnh lại không biết điều đó và vì sao lại chấp nhận một bản kê khai không trung thực đến mức nghiêm trọng như vậy?

Một câu chuyện tương tự nhưng diễn ra ở Đồng Nai, đó là chuyện gia đình ông Đặng Hạnh Thu, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (hiện đã được điều chuyển công tác về Bộ Tài chính) có tới 26 lô đất thuộc hàng đắc địa của TP Biên Hòa. Số là, năm 2006, ông Thu (lúc đó là Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai) và vợ mua 26 lô đất diện tích 2.154,9m2. Hồi năm 2009, bà Tuyết, vợ ông Thu xác nhận mỗi lô (100m2) trị giá 2 tỷ rưỡi đồng và bà đã bán 3 lô.

Vậy nên, nhiều người không hề ngạc nhiên trước tình trạng cán bộ, công chức kê khai không trung thực tài sản riêng là khá phổ biến, chỉ trong trường hợp quá nghiêm trọng, không bưng bít được mới chịu thừa nhận.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao mà nhiều cán bộ lại giàu có như thế. Ông Truyền cũng thừa nhận, cuộc chiến chống nạn tham nhũng là rất khó khăn, cam go.

Lâu nay, có nhiều ý kiến vẫn cho rằng, công cụ giám sát của chúng ta còn yếu, đặc biệt là chưa có cơ chế để phát huy một cách mạnh mẽ vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức. Vì vậy, với sự sửa đổi, bổ sung lần này, điều kiện, cơ hội để giám sát của người dân đối với "công bộc" của họ đã được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, như đã nêu trên, tình trạng cố tình khai báo gian dối, man trá của các đối tượng thuộc diện kê khai không hề hiếm.  Do vậy, bên cạnh việc tăng cường công khai, minh bạch, người dân đang kỳ vọng về việc thiết lập những chế tài nghiêm khắc và nhũng chế tài này phải được thực thi trên thực tế, có như vậy mới tạo được niềm tin cũng như động viên người dân phát huy vai trò giám sát.

Bình luận mới nhất