| Hotline: 0983.970.780

Cơ chế tốt sẽ giúp nông dân tự thoát nghèo

Thứ Hai 19/07/2010 , 14:10 (GMT+7)

Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cơ chế để nông dân tự thoát nghèo...

Ông Hoàng Ngọc Đường trao đổi cùng PV NNVN
Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cơ chế để nông dân tự thoát nghèo. Ông Hoàng Ngọc Đường – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã khẳng định như vậy khi trao đổi với NNVN.

Thưa ông, là tỉnh diện tích đất nông nghiệp không nhiều, bí quyết nào mà Bắc Kạn đưa tổng sản lượng lương thực có hạt lên gấp 2 lần chỉ trong 10 năm qua?

Thú thực cũng chẳng có bí quyết gì ghê gớm đâu, cái chính vẫn là sự bàn bạc thống nhất giữa chính quyền, ngành NN- PTNT với nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương, đúng với khả năng kinh tế hộ và nhu cầu thị trường.

Ông có thể dẫn chứng cụ thể hơn?

Ví như cây lúa nước, ban đầu (trước năm 1997) nông dân Bắc Kạn chỉ cấy 1 vụ mùa, vụ ĐX đất bỏ hoang. Để khuyến khích nông dân tăng vụ, Bắc Kạn phải xây dựng hẳn cơ chế khai hoang đất một vụ thành hai vụ lúa, với số tiền hỗ trợ là 200 nghìn đồng/ha. Chỉ mỗi cái chính sách khuyến khích đó, diện tích lúa nước đang từ 13.000 ha tăng vọt lên 21.000 ha vào năm 2009. Mà việc hỗ trợ cũng chỉ mất 3 năm đầu, khi dân đã thấy lợi ích từ việc làm đó thì không cần phải hỗ trợ nữa và đến bây giờ thì vụ lúa xuân đã thành vụ lúa chính.

Đó là cây lúa. Còn với các loại cây trồng khác thì sao, thưa ông?

Sau khi làm thành công với cây lúa, Bắc Kạn lại đưa cây ngô đông xuống ruộng thiếu nước, đưa cây ngô lai lên núi. Cách làm cũng tương tự cây lúa thôi, ban đầu xây dựng một cơ chế hợp lòng dân như hỗ trợ tiền mua giống, phân bón, khi bà con thấy trồng ngô hiệu quả cao, họ tự nhân rộng diện tích lên. Tôi nhớ năm 1998 cả tỉnh có hơn 100 ha ngô, năm 2003 tăng lên 7.100 ha và năm 2009 vừa qua đã đạt trên 12.000 ha, đồng thời năng suất ngô cũng tăng nhanh từ 19 tạ/ha lên 38 tạ/ha…

Sau khi các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Na Rì, Ba Bể, Chợ Đồn, Pác Nặm đồng loạt vào cuộc đã tạo ra một vùng sản phẩm mới là ngô hạt độc đáo. Nhớ lại sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người năm 1997 của Bắc Kạn là 270 kg/người, đến 2009 tăng lên 522 kg/người/năm, và nhờ tăng nhanh sản lượng lương thực mà tỉnh xoá hộ đói và giảm hộ nghèo theo tiêu chí mới từ 50,8% năm 2006, xuống chỉ còn 20% năm 2010.

Bắc Kạn có thế mạnh đồi rừng. Hình như "mỏ vàng" này chưa được tỉnh chú ý khai thác?

Thông tin ấy chưa chính xác. Cây lâm nghiệp Bắc Kạn cũng áp dụng như vậy, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện để nông dân đem sản phẩm tiếp cận thị trường, góp phần thay đổi tư duy nhận thức trong sản xuất. Nếu trước đây trồng rừng phải khoán “nóng” tới từng chi bộ, hộ đảng viên và nông dân điển hình tiên tiến mà cũng khó hoàn thành thì giờ ngược lại, diện tích trồng rừng 5 năm gần đây liên tiếp vượt kế hoạch, cái đáng nói là dân tự bỏ vốn để trồng rừng, không còn ỉ lại nhà nước. 10 năm trở lại đây Bắc Kạn có hơn 60 nghìn ha rừng SX, độ che phủ cũng tăng nhanh từ 43% lên 53,8% năm 2009.

Bắc Kạn đã hình thành vùng cây ăn quả, cây công nghiệp có thương hiệu và chất lượng cao như: Hơn 1000 ha chè tuyết đặc sản tại xã Đồng Phúc (Chợ Đồn), hàng nghìn ha hồi đã cho thu hoạch hoa tại các huyện Na Rì, Chợ Mới, 950 ha quýt đặc sản tại xã Quang Thuận (Bạch Thông)…, góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của bà con trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

 Được biết, ông là nhà khoa học (ông Đường bảo vệ luận án Tiến sỹ Nông học tại Bungari). Theo ông liệu người dân Bắc Kạn có thể làm giàu bằng những cây trồng cụ thể nếu biết áp dụng theo KHKT?

Thật đơn giản, ví dụ như cây hồng không hạt, khi phát hiện ban đầu chỉ có vài ha mọc thưa thớt trong những vườn tạp, bờ khe tại huyện Ngân Sơn, chúng tôi đã cho nghiên cứu giống, nhờ có sự can thiệp của khoa học, đã nhân rộng giống cây đặc sản này thành vùng hàng hoá với hơn 300 ha, cứ mỗi cây thu được 40kg quả, bán tại gốc có giá 10 nghìn đồng/kg, nếu mỗi 1 ha trồng được 400 cây hồng nhân với 40 kg/cây thì đã có 160 triệu đồng/ha. Hiện chúng tôi chỉ phát động theo hướng ăn chắc là mỗi gia đình trong vùng qui hoạch cây hồng chỉ cần trồng 20 cây, các hộ có thể trồng ở bờ mương, bờ ao đều được, thì cứ 20 hộ sẽ có một ha. Cây hồng được trồng tại 3 huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn hiện đã vùng cây đặc sản, tỉnh đang xây dựng thương hiệu cho cây hồng Bắc Kạn.

Tôi nói là có cơ sở, bởi đã có một số hộ đồng bào Dao chỉ bán măng ớt trên đỉnh đèo gió (huyện Ngân Sơn) còn mua được ôtô, huống gì tiềm năng và KHKT sẵn có như bây giờ lại không xoá được đói, giảm được nghèo. (ông Hoàng Ngọc Đường).
Không chỉ cây hồng, cây quýt ở xã Quang Thuận cũng không thua kém, khi được thị trường chấp nhận gần chục năm qua, khi 2009 đã thu hoạch 2.100 tấn quýt, giá trung bình từ 10 đến 13.000 đồng/kg góp phần thay đổi tập quán SX và XĐGN bền vững cho những hộ gia đình biết áp dụng khoa học vào SX. Không những vậy, các mô hình khoa học của tỉnh luôn quan tâm đến việc bảo tồn các nguồn gen bản địa thành hàng hoá như nghiên cứu để bảo tồn và nhân rộng các loại lúa gạo địa phương (lúa bao thai tại Chợ Đồn, lúa nếp thơm, tiếng Tày gọi là “khẩu lua lếch” tại huyện Ngân Sơn), nâng cao giá trị kinh tế hàng hoá.

Đã lần nào các ông bị "vấp ngã" khi đưa khoa học vào nông dân?

Năm 1998 chúng tôi cũng nóng vội, do muốn lo đủ lương thực cho bà con nông dân nên tìm cách đưa cây ngô đông vào các xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư...(Chợ Mới). Ai ngờ nơi này núi đá cao, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông năm đó giá lạnh, hanh khô, cây ngô lai không phù hợp, bị chết hàng loạt, mấy đồng chí chỉ đạo trực tiếp việc này suýt bị kiểm điểm.

Cũng may các đồng chí ấy đã "chuộc lỗi" bằng cách vận động người dân đưa các cây trồng khác vào địa phương lại đem hiệu quả kinh tế cao như cây thuốc lá, góp phần phủ kín diện tích cây trồng vụ xuân, đem lại thu nhập trung bình 80 triệu đồng/ha.

Đã nhiều năm chỉ đạo nông nghiệp của tỉnh, đến giờ ông còn trăn trở gì với nông nghiệp Bắc Kạn?

Nông dân Bắc Kạn không thể nghèo ở vùng đất đầy tiềm năng này, tuy nhiên muốn giàu thì không thể ngày một ngày hai mà ta phải giúp nông dân có khát vọng vươn lên thông qua các cơ chế hỗ trợ hợp lý. Xưa nay, đồng bào tôi trong đó có ông bà và bố mẹ tôi muốn ăn thứ gì đều nhìn ra ngaòi rừng như cá dưới suối, rau trong rừng. Suy nghĩ tự cung tự cấp ấy đã làm cho con người bị hạn chế sức vươn lên.

Chỉ bằng cách đồng bào tự làm thật sự cùng với sự giúp đỡ về cơ chế của nhà nước, tôi dám chắc bà con Bắc Kạn sẽ khá lên.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.