| Hotline: 0983.970.780

Có chia có nhận thì có chính danh

Thứ Năm 12/12/2013 , 11:08 (GMT+7)

Cô tin, có chia có nhận thì có chính danh, khi đã chính danh thì không ngại gì cả. Còn dư luận, còn đạo lý, còn thời gian, sợ gì hở cháu?

Cô kính mến!

Cháu 28 tuổi, có công việc ổn định và đã có vợ và có con trai đầu lòng 2 tuổi. Vợ cháu cũng có một việc tàm tạm ở phường, thu nhập thấp nhưng không sao. Chúng cháu ở chung với ba mẹ cháu, ông bà đều là viên chức, có đồng lương thong dong nên cuộc sống gia đình nói chung khá dễ chịu.

Điều cháu muốn tâm sự và xin lời khuyên ở cô nằm ở vấn đề của gia tộc.

Thưa cô, ba của cháu là con trai độc đinh của dòng họ, đến con trai của cháu là đời thứ năm độc đinh (nếu cháu sinh đứa thứ hai là gái). Ông bà nội của cháu thừa hưởng từ thời ông cố một mảnh vườn rất rộng. Vì cũng là con một nên ông nội cháu không phải chia đất cho các bà cô, vả lại ai cũng đi lấy chồng nơi khác và đều khá giả cả.

Đến thời ba cháu tuy là độc đinh nhưng cô Hai là gái cả. Do ba cháu đi làm việc và cô cả là nông dân góa bụa nên không ở nhà chồng mà về ở với ông bà nội cháu vừa để nương nhờ vừa để chăm sóc ông bà. Nhà chỉ có hai chị em nên ba cháu rất quan tâm đến cô Hai, chu cấp tiền bạc thuốc men cho cô chăm sóc ông bà lúc về già, đau ốm. Tuổi cao, ông bà lần lượt qui tiên, nằm ở hậu vườn, bên cạnh ông sơ bà sơ rồi ông cố bà cố.

Cô cả có hai đứa con, một trai một gái. Anh trai ở cùng với cô, anh ấy có vợ và có hai con nhỏ, chị con gái út của cô Hai lấy chồng ở gần đó, cũng có đất có vườn, không nhiều nhưng cũng đủ để sống. Vì con cái cô Hai cũng đã lớn nên cô đã âm thầm đi làm giấy cắt đất vườn hương hỏa ra dành phần cho ba cháu, sâu xa là để cho cháu và con của cháu sau này có trách nhiệm với mồ mả ông bà và có chỗ đi về.

Mới đây, anh con trai của cô cả biết được việc ấy nên đòi cô để cho vợ chồng anh đứng tên mảnh đất còn lại. Cô cả không nghe, vì cô còn sống thì cô phải đứng tên và cô sẽ làm di chúc cho thôi.

Em gái của anh ấy nghĩ không biết mình có phần gì không nên cũng có ý phản đối việc cô Hai chia đất vườn ra cho ba cháu. Cháu thấy việc tưởng tự nhiên mà sao thành ra rắc rối quá, cháu nghĩ, chắc cháu không nhận đất đai hương hỏa gì cả cho nó êm xuôi. Ba của cháu cũng tự ái, chưa chi mà con của cô cả muốn quậy, ba không muốn gì hết. Nhưng mẹ cháu nói làm vậy là thiếu trách nhiệm với gia tộc, không thể được.

Theo cô, cháu phải làm sao? Cùng với ba từ chối thừa hưởng hay là mặc nhiên để rồi sau này có thể là kẻ thù của hai người con của cô mình?

Cô giấu email giùm cháu.

Cháu thân mến!

Bây giờ ở đâu cũng nghe chuyện hiềm thù vì đất đai. Người đông chăng, đất chật chăng, hay văn hóa truyền thống đang có vấn đề? Ngày trước, như cháu biết, hương hỏa là thiêng liêng, các cháu trai nối dài nghĩa vụ phụng sự đất đai không chỉ bằng công sức mà phải bằng đức độ, uy tín để nối dài tiếng thơm của dòng họ. Mọi người đoàn kết quanh người con có nghĩa vụ chính ấy, cứ thế, giỗ chạp, hương khói, mộ phần, dưới bóng của cây vườn hoặc đồng ruộng, thanh bình, tỏa sáng.

Cô nghiệm rằng, văn hóa nông thôn có bị xói mòn, đứt gãy, tâm tính người nông dân có bị tha hóa. Như anh họ và chị họ của cháu đó thôi. Việc chia đất hương hỏa cho ba của cháu là sớm sủa, chính xác.

Vì sao cô nói sớm sủa? Là vì chia lúc cô cả còn minh mẫn, còn uy lực với con của mình, để già, thất thế, biết đâu, con nó sẽ ép, sẽ gây khó, không thực hiện được. Nếu đất ấy quá ít thì đành vậy, cô cả đó, con trai của cô đó, gái hay trai gì, cháu ngoại hay cháu nội đều có thể gánh vác được. Nhưng đất vườn mênh mông, một món quà của ông bà để lại cho cha con cháu, một phần kỷ niệm nối dài trực hệ cho gia tộc, quá chí lý, quá nhân bản, quá hợp lòng người chứ sao.

Các con của cô cả đã có thâm ý gây rối để ba và cháu lơi ra. Nếu cô cả không thu xếp cho ổn thỏa thì khi cô nằm xuống và ba của cháu cũng theo ông theo bà thì quan hệ của thế hệ các cháu sẽ rất khó ra. Một mặt ba và cháu phải kiên gan trong nghĩa vụ với hương hỏa và mồ mả ông bà, cô cả đã chia, hãy nhận lấy với tinh thần thượng tôn nghĩa vụ. Mặt khác, hãy để yên cho cô cả dạy bảo con mình. Lâu dài, đất ai người ấy giữ, cần thì ngăn ra, rạch ròi, chăm chút.

Cô tin, có chia có nhận thì có chính danh, khi đã chính danh thì không ngại gì cả. Còn dư luận, còn đạo lý, còn thời gian, sợ gì hở cháu? 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất