| Hotline: 0983.970.780

Cơ cực đời diêm dân

Thứ Sáu 30/06/2017 , 14:05 (GMT+7)

Độ 10 năm về trước, nghề muối là cứu cánh của hàng ngàn diêm dân trên địa bàn huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Thế nhưng tất cả đã lùi sâu vào dĩ vàng, lúc này mọi thứ đang đi vào ngõ cụt, viễn cảnh nghề truyền thống bị xóa sổ đang hiển hiện trước mắt…

Bỏ hoang hơn 100 ha

Giữa năm 2006, Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn chính thức được triển khai trên địa bàn huyện Tĩnh Gia. Hàng loạt công trình lớn, nhỏ mọc lên như nấm sau mưa đã giúp cho diện mạo vùng đất biển không ngừng thay da đổi thịt. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc thì vẫn còn đó những hệ lụy mà chính người dân phải nai lưng gánh chịu.

14-16-45_1
14-16-45_2
Toàn bộ diện tích sản xuất muối của xã Hải Bình bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua

Báo cáo thống kê cho thấy, diện tích sản xuất muối trên địa bàn giảm chóng mặt trong những năm qua. Nếu như năm 2011, toàn huyện có 178,3 ha thì đến nay chỉ còn trên dưới 72 ha tập trung tại xã Hải Châu, riêng 3 xã Hải Bình, Hải Thượng và Hải Hà không thể duy trì.

Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ các dự án trong KKT Nghi Sơn, nhất là các công trình nằm ngay sát khu vực đồng muối. Ngoài lý do thu hồi đất, quá trình triển khai đã phá vỡ kết cấu hạ tầng, làm hư hỏng toàn bộ hệ thống cống lấy nước đầu vào của những diện tích còn lại. Cụ thể, việc “tập đoàn” xe tải vận chuyển hàng hóa cho hệ thống tàu biển ở các cảng Nghi Sơn, Đại Dương hoạt động bất kể ngày đêm, cũng như quá trình san lấp mặt bằng, thi công Cảng Quốc tế gang thép Nghi Sơn và Dự án đường Đông Tây 4 được xem là tác nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và chặn đứng dòng chảy.

Sự việc kéo dài trong nhiều năm nhưng không có phương án khắc phục, kéo theo cơ man ruộng muối, ô nại bị bỏ hoang hóa. Lúc này, phần lớn các hạng mục công trình phục vụ cho nghề muối đã xuống cấp trầm trọng, việc khôi phục dường như là bất khả thi và vượt ngoài tầm kiểm soát.

Ông Vũ Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Hải Hà, tiết lộ thêm, địa phương có 2 nghề truyền thống là đánh bắt hải sản và sản xuất muối. Kể từ khi KKT Nghi Sơn được thành lập, việc thi công các dự án quy mô lớn (Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, Cảng gang thép Nghi Sơn, Nhà máy dầu ăn, các bến cảng…) đã làm hư hỏng hệ thống cống tiêu, cống tưới, mương, hồ đê bao.

Để phục vụ dự án, gần 60 ha bị thu hồi. Toàn xã Hải Hà lúc này chỉ còn vỏn vẹn 20,9 ha nhưng không thể tiến hành sản xuất, đồng nghĩa với việc hàng trăm lao động chính thức mất nghề, mất việc, mất thu nhập, đi kèm với đó là nỗi lo cơm áo gạo tiền và một tương lai bất định.

14-16-45_3
14-16-45_4
Hiện tại chỉ còn diêm dân tại xã Hải Châu gắn bó với nghề nhưng tình hình rất khó khăn

Trong cái nắng như thiêu như đốt của những ngày hè oi bức, khắp cánh đồng muối ở xã Hải Bình không một bóng người. Khi được hỏi, một diêm dân tại thôn Đoan Hùng thở dài thườn thượt: “Thông thường đến độ này là người người, nhà nhà tập trung toàn bộ nhân lực ra đồng làm muối. Nhưng vài năm trở lại đây do môi trường bị ảnh hưởng trầm trọng nên dù muốn cũng lực bất tòng tâm, còn đất mà mất nghề, quả thực chẳng còn gì chua chát hơn thế”.

Miếng cơm, manh áo trông cả vào hạt muối. Thành thử khi mất nghề, nhiều gia đình lâm vào tình cảnh khốn cùng, trầy trật chạy vạy từng bữa ăn. Một số ít trong độ tuổi lao động may mắn tìm được việc làm trong khu kinh tế, số khác phải làm lao động tự do, từ công nhân, bốc vác, phụ hồ, ai thuê gì làm đó. Cùng cực hơn, cả trăm hộ dân phải bỏ xứ ra đi…
 

Ngán ngẩm lắm rồi!

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận một thực tế phũ phàng, nghề làm muối ở huyện Tĩnh Gia đang bước vào thời kỳ thoái trào.

Ông Đặng Duy Tân, Chủ tịch UBND xã Hải Châu, địa phương duy nhất còn diêm dân bám trụ với nghề thẳng thắn thừa nhận: “Xã có trên 70 ha nhưng thực chất chỉ sản xuất khoảng ½ diện tích, phần vì nhường đất cho dự án, sâu xa hơn bắt nguồn từ cơ chế thị trường, giá cả quá rẻ mạt nên bà con bỏ nghề là xu thế tất yếu”.

Trước những năm 2000, nghề muối tại Hải Châu dù còn lắm gian nan nhưng chưa đến mức bi đát như bây giờ, phần đa bà con vẫn ưu tiên chọn lựa và xem đây là hướng đi chủ lực. Toàn xã có 10 thôn thì 6 thôn tập trung sản xuất muối, tuy nhiên khi thị trường biến động, các xí nghiệp thu mua làm ăn thua lỗ buộc phải đóng cửa đã kéo theo muôn vàn hệ lụy. Nhận thấy nghề không nuôi nổi mình, nhiều người đâm ra chán nản và quay lưng với nghề truyền thống.

Qua khảo sát, hiện chỉ có người dân tại thôn Yên Châu, Bắc Châu và một số ít ở Nam Châu còn gắn bó với nghề này, lực lượng tham gia sản xuất cũng hao hụt đi nhiều, chỉ còn lèo tèo trên dưới 1.000 lao động, trong số này chủ yếu là người già và trẻ nhỏ.

14-16-45_5
Xí nghiệp thu mua muối ở Hải Châu chỉ còn là đống đổ nát

12h, thời điểm mặt trời đứng bóng, nhìn khắp cánh đồng muối rộng thẳng cánh cò bay của xã Hải Châu chỉ lác đác vài bóng người. Quệt vội mồ hồi lấm tấm chảy dài trên gò má đen sạm vì nắng gió, ông Phạm Hùng Vinh (SN 1952, trú tại thôn Bắc Châu) trút bầu tâm sự: “Hơn 30 năm gắn bó với nghề chưa một phút nào tôi thấy được thảnh thơi. Làm ra hạt muối phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, bạc mặt trên đồng từ sáng sớm đến tối mịt nhưng thành quả thu về bèo bọt quá. Nhưng bỏ thì biết lấy gì mà ăn, thôi thì cày kéo được đến đâu hay đến đó chú ạ”.

Vợ chồng ông Vinh có với nhau 4 mặt con, cái số vất vả đem bám đến giờ vẫn. Ở độ tuổi này, khi sức cùng lực kiệt ông bà chỉ mong được hưởng niềm vui tuổi già, vui vầy bên con cháu nhưng “người không chọn nghề mà nghề chọn người” thành thử ra ngày ngày vẫn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, phơi lưng dưới nắng hè gay gắt chỉ để đổi lấy những đồng bạc lẻ.

“Gánh nặng cơm áo gạo tiền buộc chúng nó phải bỏ xứ mà đi, hiện chỉ còn 2 thân già chúng tôi dựa dẫm vào nhau lay lắt sống qua ngày. Nhà nước không có chính sách hỗ trợ nên nghề muối ngày càng lao đao, không biết phải bấu víu vào đâu nên tôi và ông nhà vẫn phải cố gắng bám trụ, chứ thực tâm thấy ngán ngẩm lắm rồi.

Kết tinh được một hạt muối phải trải qua nhiều công đoạn, thế nhưng khi xuất bán thì bị cánh thương lái chèn ngược chèn xuôi. Chỉ khi giá cả bình ổn, sản phẩm được bao tiêu thì may ra diêm dân chúng tôi mới sống được”, bà Bùi Thị Nhài, vợ ông Vinh buồn rười rượi.

14-16-45_6
Vợ chồng ông Vinh gắn bó với nghề muối đã 30 năm nay

Theo tính toán của bà Nhài, với diện tích 2.000 m2, hàng năm gia đình phải bỏ ra khoảng 3 triệu đồng để đầu tư, nâng cấp đồng muối, ô nại. Trong khi đó, nghề muối chỉ gói gọn từ đầu tháng 4 đến hết tháng 7 âm lịch, gặp thời tiết thuận lợi mỗi tháng còn làm được 15 - 20 công, mỗi công được 200 ngàn đồng, vị chi cả vụ muối lời lãi chưa nổi chục triệu đồng.

Theo như lời ông Đặng Duy Tân, hiện tại địa phương mới chỉ đề xuất phương án chuyển đổi diện tích bỏ hoang bấy lâu nay sang nuôi trồng thủy hải sản, còn toàn bộ khu vực sản xuất hiện tại trước mắt vẫn phải tiếp tục duy trì. Xem ra, với cái đà này, cuộc sống của diêm dân tại xã Hải Châu còn khó khăn dài dài.

Qua khảo sát, hiện toàn bộ diện tích sản xuất muối tại 2 xã Hải Thượng và Hải Hà bị nhiễm mặn nặng, vì thế chuyển đổi sang trồng cây nông nghiệp là không khả thi. Phương án chuyển đổi sang nuôi trồng thủy hải sản cũng không thể thực hiện bởi hệ thống cống nước ra, vào đã xuống cấp nghiêm trọng; chi phí đầu tư, cải tạo tốn kém trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân lại quá eo hẹp.

 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.