| Hotline: 0983.970.780

Cổ Đông góp sức xây dựng NTM

Thứ Hai 04/02/2013 , 10:32 (GMT+7)

Mặc dù là những ngày giáp tết, song không khí làm đường giao thông, chỉnh trang thôn ngõ tại xã Cổ Đông (TX Sơn Tây, Hà Nội) vẫn đang rất khí thế.

Mặc dù là những ngày giáp tết, song không khí làm đường giao thông, chỉnh trang thôn ngõ tại xã Cổ Đông (TX Sơn Tây, Hà Nội) vẫn đang rất khí thế. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của lòng dân, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, bộ mặt xã Cổ Đông có diện mạo tươi mới, hứa hẹn một cái tết ấm cúng với bà con nơi đây.

LÒNG DÂN ĐÃ THUẬN

Cổ Đông là một trong 6 xã đang triển khai Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn TX Sơn Tây. Xác định được những khó khăn, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, xã Cổ Đông đã nghiên cứu để tìm ra những cách làm hay, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn, huy động sức dân chung tay góp sức xây dựng NTM.

Chỉ tính từ năm 2011 đến nay đã có hơn 400 hộ gia đình tự nguyện hiến 60.000 m2 đất để làm đường GTNT, phục vụ xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ; trường học, hệ thống cung cấp điện SX-KD.


Không khí xây dựng NTM tại Cổ Đông nhộn nhịp những ngày cuối năm

Điển hình như ở thôn Ngọc Kiên, trong một thời gian ngắn đã vận động 135 hộ gia đình tự nguyện hiến trên 40.000 m2 đất, huy động trên 3.500 công lao động, đóng góp trên 3 tỉ đồng xây dựng bê tông các ngõ xóm. Tiêu biểu như hộ gia đình Nguyễn Văn Chiển hiến 350 m2 đất làm đường ra nghĩa trang; hộ ông Nguyễn Xuân Thủ hiến 300 m2 làm trường mầm non. Trong việc làm kênh mương nội đồng ở các thôn Phúc Lộc, Triều Đông, Trại Hồ, La Gián, Trại Láng đã có hàng trăm hộ gia đình tự nguyện hiến trên 10.000 m2 đất canh tác, tạo điều kiện về thủy lợi phục vụ SX.

Bằng sự đồng thuận của nhân dân, sự nhiệt tình với phong trào, các hộ dân thôn Đồng Trạng đã đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng sân vận động của thôn phục vụ cho nhu cầu tập luyện, vui chơi của nhân dân trong thôn cũng như trong khu vực. Hàng chục hộ ở thôn Ngõ Bắc, thôn Ngọc Kiên tự nguyện hiến trên 600 m2 đất để xây dựng ngôi trường mầm non đạt tiêu chuẩn quốc gia phục vụ việc học tập của các cháu.

Chủ tịch UBND xã Cổ Đông Khuất Văn Trường phấn khởi tâm sự: “Những kết quả thu được từ sự đồng thuận của lòng dân đã và đang giúp xã Cổ Đông chúng tôi dần tháo gỡ được những khó khăn ban đầu. Từ chỗ xã chỉ đạt 4 tiêu chí, cho đến nay xã đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành được 11 tiêu chí. Điều đáng phấn khởi nhất đó là cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân trên đầu người năm 2012 đạt gần 13 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 1 triệu đồng so với năm 201".

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của lòng dân, Cổ Đông đang quyết tâm hoàn thành các tiêu chí để đưa Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã về đích theo đúng kế hoạch, phấn đấu hoàn thành xây dựng đường giao thông thôn xóm xong trong Quý I năm 2013.

DIỆN MẠO MỚI

Theo ông Khuất Văn Trường, vấn đề khó nhất của xã khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM là làm đường GTNT, bởi việc giải phóng mặt bằng phức tạp và khó khăn, chi phí tốn kém. Muốn có đường, trước hết phải có đất và có tiền... trong khi ngân sách địa phương có hạn.


Người dân Cổ Đông hăng say lao động SX

Chính quyền xã đã tìm cách giải bài toán tìm đất làm đường, xây dựng NTM, qua tuyên truyền, vận động trên toàn xã đã có hàng trăm hộ dân tình nguyện hiến đất để mở rộng đường và xây dựng các công trình thuỷ lợi. Những việc làm ấy đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, được cộng đồng đón nhận và ủng hộ, chung tay, chung sức cùng chính quyền làm thay đổi diện mạo vùng quê.

Quả thật, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy người dân bàn tán chuyện góp đất cùng chính quyền làm đường NTM. Chúng tôi đến thôn Trại Hồ, một trong những thôn tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường của xã đúng lúc trong thôn Trại Hồ đang thi công đường giao thông. Bên cạnh tiếng máy trộn bê tông là tiếng cười nói rộn ràng của bà con khi cùng nhau làm đường qua nhà mình.

Kết quả, chỉ sau hơn một tháng thi công đến nay Cổ Đông đã cơ bản hoàn thành việc kiên cố hóa gần 50% đường GTNT. Kinh phí nhân dân đóng góp xây dựng trên 10 tỉ đồng. Đón Xuân Quý Tỵ 2013, nhiều người dân ở các thôn trong xã Cổ Đông đã rất vui mừng vì đường đi lối lại trong toàn xã cơ bản đã được nhựa và bê tông hóa, cuộc sống đang từng ngày đổi thay, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hà Tiến Vinh thôn Trại Hồ chia sẻ, trước kia con đường có nhiều đoạn chỉ rộng chưa đầy hai mét ngang, lầy lội, bẩn thỉu vô cùng. Mỗi khi có việc mà gặp trời mưa thì chỉ có nước dắt xe, lội bùn. Nhưng khi được tuyên truyền chủ chương mở rộng đường làng ngõ xóm, các đoạn đường ngõ xóm đều được mở rộng từ 3 m trở lên, được bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp. Do vậy, ngay khi xã thông báo về việc làm đường, nhiều gia đình đã xung phong phá bỏ hàng rào, bàn giao hơn 2000 m2 mặt bằng để làm đường.

Ông Khuất Văn Trường chia sẻ, khi bắt đầu thực hiện, xã đã tích cực tuyên truyền về NTM, sau đó xã tiến hành giải thích, vận động, trả lời các thắc mắc của người dân về bản chất, cách thức, phương pháp và người được thụ hưởng. Họp một lần chưa được thì hai rồi ba lần, thậm chí có nơi phải họp không dưới 10 lần. Trước hết là các đảng viên và hội viên các đoàn thể phải gương mẫu làm trước.

Đặc biệt, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Cổ Đông, tiểu ban xây dựng NTM của các thôn tiến hành các bước trong xây dựng NTM thực hiện một cách công khai, dân chủ và công bằng với phương châm “Dân chủ - chính xác - minh bạch”. Thực tế cho thấy, đường mở ra đến đâu SX phát triển đến đó. Các sản phẩm nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa lâu nay bị ách tắc nhờ có con đường nông sản làm đến đâu tiêu thụ hết ngay, tạo thành động lực thúc đẩy bà con nông dân phấn khởi phát triển SX.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.