| Hotline: 0983.970.780

Cô gái chăn bò thuê trở thành Hoa hậu Hoàn vũ

Thứ Bảy 20/01/2018 , 09:15 (GMT+7)

Trước những ý kiến tiêu cực về Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê, bố mẹ cô cho rằng, họ không giận mà chỉ buồn.

Đồng thời mong muốn mời mọi người lên vùng đất Tây Nguyên để cảm nhận cuộc sống đời thường của người dân nơi đây, thấy được cái tình sâu đậm, và biết đâu họ sẽ có cái nhìn khác đi.
 

Mót cà phê để kiếm tiền ăn học

Không khó để chúng tôi tìm được đường đến nhà của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê ở buôn Sút M’Đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar (tỉnh Đăk Lăk), bởi khi về địa phương này chỉ cần hỏi thăm người dân thì hầu như ai cũng biết.

h-hen051207345
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê

Trong ngôi nhà sàn ván gỗ truyền thống đặc trưng của người dân Tây Nguyên nằm sâu trong buôn Sút M’Đung, từ sau ngày con gái đăng quang hoa hậu đến nay, bố mẹ của H’Hen cũng khá bận rộn tiếp đón các phóng viên, nhà báo, cán bộ địa phương và người dân trong xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) đến chia vui và hỏi han tâm sự.

Ông Y Krin Êban bố của H’Hen cho biết: Phong tục của người dân tộc Êđê là theo mẫu hệ, nên con cái đều mang họ mẹ.

Ông bà sinh được 6 người con cả trai lẫn gái, H’Hen là con thứ 3 trong gia đình. Cũng như các hộ dân khác trong buôn, cuộc sống của gia đình ông Y Krin quanh năm gắn liền với nương rẫy. Trong khi đó, kinh tế gia đình lại chỉ trông chờ vào 1 ha cà phê già cỗi năm được năm mất nên rất khó khăn. Thường ngày, bố H’Hen phải đi làm thuê cho người dân trong xã, ai thuê gì cũng làm để có tiền trang trải cuộc sống.

Em gái kế của H’Hen là H’Min Niê cho hay: Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên thời còn học cấp I, cấp III ở địa phương, H’Hen Niê và các anh, chị em trong nhà đều phải vừa học vừa làm các công việc như hái cà phê để phụ giúp bố mẹ. Học đến cấp II, các anh, chị, em của H’Hen đều nghỉ học sớm để đi làm thuê làm mướn và lập gia đình riêng.

10-35-47__mg_1661
Bố mẹ và em gái của Hoa hậu H'Hen

Những năm học cấp 3, gia đình cũng có ý định cho H’Hen nghỉ học nhưng H’Hen nhất quyết không chịu. Để có tiền phụ thêm với bố mẹ đóng học phí và mua sách vở, hằng ngày, một buổi đi học, buổi H’Hen phải đi chăn bò thuê cho người dân trong buôn, hoặc đến mùa cà phê thì tranh thủ đi mót những quả cà phê mà người ta hái rơi rụng trong vườn để kiếm tiền đi học.
 

Hãy làm tốt những gì đã hứa

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, H’Hen đã học hệ dự bị của Trường Đại học Nha Trang rồi học Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP HCM. Thời gian sinh viên, H’Hen đã phải làm thêm nhiều việc để có tiền trang trải việc học hành. Sau đó, H’Hen ở lại TP HCM và làm người mẫu tự do.

10-35-47__mg_1667
Bố mẹ của H'Hen

Còn với mẹ của H’Hen, bà H’Ngơn Niê vẫn nhớ như in những ngày đầu con đi học xa nhà ở TP. Hồ Chí Minh. Khi đó H’Hen còn bỡ ngỡ, chưa xin được việc để làm thêm. Có lần H’Hen gọi điện thoại về nhà xin tiền mẹ để đóng học phí, biết gia đình khó khăn nên cũng buồn và khóc, nhưng nếu không có tiền nộp đúng thời hạn quy định của nhà trường thì sẽ không được thi. Lúc đó gia đình không có tiền nên tôi phải chạy đi vay mượn lối xóm rồi đến mùa cà phê trả sau. Khoảng nửa năm sau, H’Hen quen dần với cuộc sống ở nơi đất khách, được bạn bè giới thiệu nên cũng tự bươn trải làm thêm để có tiền ăn học. Ấy thế mà mỗi lần về quê, H’Hen cũng đều mua quà cho các thành viên trong gia đình, lúc thì cái khăn cho mẹ, cái nơ cột tóc cho em, đôi dép cho anh.

“H’Hen rất cá tính, nhưng cũng rất nữ tính, biết hiếu thảo với bố mẹ và thương anh, chị, em lắm. Khi còn ở nhà, H’Hen luôn được bà con xóm làng yêu mến, bởi tình tình ngoan, hiền và chịu thương chịu khó”, bà H’Ngơn Niê tâm sự.

Chia sẻ về đêm đăng quang hoa hậu, bố của H’Hen cho biết, do ngồi khá xa, lại bỡ ngỡ trước sự xa hoa tráng lệ lần đầu tiên đến Nha Trang nên ông bà không biết chuyện gì xảy ra trên sân khấu. Khi kết thúc trao giải thì người ta nói lên sân khấu gặp con, thấy con mình khóc và ôm chầm lấy bố mẹ thì chúng tôi cũng khóc theo chứ cũng không biết gì. Lúc sau thấy người ta lên chúc mừng mới ngờ ngợ là con mình đạt giải.

“Trước những thông tin trái chiều về H’Hen trên mạng xã hội, bên cạnh những lời khen thì cũng có những người chê trách, gia đình tôi không giận mà chỉ buồn thôi.

Thiết nghĩ có lẽ một lần nào đó có dịp mời mọi người lên vùng đất Tây Nguyên nắng gió, để cảm nhận cuộc sống đời thường của người dân Tây Nguyên, sẽ hiểu được vùng đất, con người và cái tình sâu đậm của người dân nơi đây, biết đâu họ sẽ có cái nhìn khác đi.

Nhiều khi nghĩ mà thương con lắm, cũng may mắn được bạn bè, thầy cô, và nhiều người dân ở TP. Hồ Chí Minh thương yêu đùm bọc, giúp đỡ. H’Hen cũng gọi điện về động viên bố mẹ, gia đình yên tâm trước những thông tin trên mạng, rồi hỏi han sức khỏe từng người. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ con gái, hãy hoàn thành tốt vai trò của mình như những gì con đã hứa với công chúng”, ông Y Krin Êban.

 

(Kiến thức gia đình số 3)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.