| Hotline: 0983.970.780

Cố gắng hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trong tháng 2

Thứ Bảy 08/02/2014 , 11:01 (GMT+7)

Đi kiểm tra tình hình lấy nước đổ ải và gieo cấy vụ ĐX 2013 - 2014 tại Hà Nam và Hưng Yên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã có những chỉ đạo bám sát tình hình thực tế.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu vừa đi kiểm tra tình hình lấy nước đổ ải và gieo cấy vụ đông xuân 2013 - 2014 tại hai tỉnh Hà Nam và Hưng Yên.


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tham quan mô hình cấy lúa bằng máy cấy sử dụng mạ khay tại Xí nghiệp giống cây trồng Phù Cừ (Hưng Yên).

Hà Nam: Hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trong tháng 2

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nông dân khắp các địa phương trong tỉnh Hà Nam đã đồng loạt xuống đồng để kịp thời sản xuất vụ lúa xuân.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam cho biết: Tính đến trưa ngày 7/2, diện tích nước đổ ải toàn tỉnh đạt 28.814 ha, đạt 88,5% kế hoạch. Diện tích làm đất là 30.950 ha, đạt 95% kế hoạch. Diện tích mạ đã gieo 2.400 ha, đạt 100% kế hoạch. Ngô xuân đã trồng là 2.390 ha, 78% kế hoạch.

Về tình hình gieo cấy lúa, bà Nguyễn Thị Vang, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam nhận định: Tình hình đổ ải, làm đất, gieo mạ được thực hiện theo đúng lịch trình; mạ sinh trưởng và phát triển tốt, hiện đã đạt 3,5 - 4 lá. Tại 2 huyện, thành phố là Kim Bảng và Phủ Lý, bà con nông dân đã xuống đồng tổ chức gieo cấy từ mùng 4 Tết Nguyên đán.


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Nam trực tiếp xuống đồng kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân 2013 - 2014.

Trong cơ cấu giống lúa, các giống lúa lai vẫn chiếm trên 60% và gieo thẳng 30%. Theo Đề án của tỉnh, phấn đấu đến năm 2015, diện tích gieo thẳng đạt trên 50% đối với vụ đông xuân và 20% đối với vụ mùa.

Đối với diện tích lúa gieo thẳng, Sở chỉ đạo các huyện, xã tập trung gieo từ ngày 10/2 đến 20/2 để vừa đảm bảo năng suất lúa vụ đông xuân, vừa giải phóng đất để phục vụ cho vụ mùa sớm.

“Năm nay, có một điểm mới trong sản xuất nông nghiệp tại Hà Nam, là UBND tỉnh đã phê duyệt cho các huyện, thành phố tổ chức xây dựng 6 cánh đồng mẫu; quy mô 30 ha/mô hình với phương châm “3 cùng” (cùng thời vụ, cùng giống và cùng cách thức chỉ đạo).

Cách thức chỉ đạo xây dựng cánh đồng mẫu ở Hà Nam đó là phải làm rất… “mẫu”, chứ không nhất thiết phải có quy mô lớn. Quan trọng nhất là phải thay đổi được cách thức tổ chức và có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp, từ cung ứng vật tư đầu vào và ký kết sản phẩm đầu ra”, bà Vang chia sẻ.

Đối với việc sản xuất lúa, hai vấn đề quan trọng nhất được Thứ trưởng nêu lên là phải nâng cao được giá trị và giảm chi phí đầu vào trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
“Nếu cạnh tranh mà chi phí sản xuất lúa cao thì chắc chắn không thể trụ vững được trên thị trường. Có nhiều cách để giảm chi phí như áp dụng khoa học kỹ thuật trong từng khâu sản xuất; đưa các giống có giá trị thương mại cao vào gieo cấy, đặc biệt là giảm chi phí phân bón và thuốc trừ sâu… Vụ mùa vừa qua, tôi có đi thăm ở Xuân Trường, Nam Định. Bà con nói rằng nếu sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, mỗi ha lúa họ đã giảm được 9 triệu đồng chi phí đầu vào. Các tỉnh khác nên nghiên cứu và học tập” - Thứ trưởng nói.

Trong năm 2013, tỉnh đã triển khai được nhiều mô hình cánh đồng mẫu có sự liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm như sản xuất lúa giống Hoa Khôi 4; sản xuất cà chua bi với diện tích 10 ha (tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên); sản xuất ngô nếp HN88 và bí đỏ tại huyện Kim Bảng…

Năm 2014, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chuyển đổi một phần diện tích đất lúa sang trồng 2 vụ cà chua và 1 vụ hè thu với giống ngô nếp HN88. Với công thức luân canh này, mô hình mới cho thu nhập gấp 8 lần so với mô hình truyền thống.

Sau khi tham quan mô hình sản xuất nấm tại Cty TNHH Ngọc Động Hà Nam; trực tiếp xuống đồng thăm hỏi bà con nông dân huyện Kim Bảng, Duy Tiên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao sự chủ động trong công tác điều hành, chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân, từ khâu đổ ải và làm đất đến gieo cấy. Đặc biệt, việc nâng diện tích gieo thẳng lên 30% đã góp phần giảm chi phí sản xuất.

Hiện diện tích lúa lai trên địa bàn tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 60%), Sở NN-PTNT Hà Nam sẽ tập trung hơn nữa vào sản xuất các loại lúa thuần chất lượng cao vì thị trường Trung Quốc đang rất ưa chuộng.

Vụ đông xuân năm nay được dự báo là thời tiết ấm. Do đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu tỉnh Hà Nam cần phải tiến hành gieo cấy tập trung, hoàn thành trong tháng 2 và đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, phòng bệnh cho lúa trong từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển.

Theo kinh nghiệm thực tế, những năm có vụ đông xuân ấm thường xảy ra nhiều sâu bệnh hại, dẫn đến năng suất không đạt tối ưu.


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm quan mô hình sản xuất nấm sạch tại Cty TNHH Ngọc Động (Hà Nam).

Thứ trưởng đánh giá cao nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của Hà Nam như sản xuất nấm; cà chua bi, bí đỏ, chuối ngự… nhưng ông cũng nhấn mạnh: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải tính đến tính khả thi; các giải pháp về mặt kỹ thuật cũng như những yếu tố tác động của thị trường.

Sự chuyển đổi từ cây lúa sang các cây trồng khác ở ĐBSH chỉ có mức độ nhất định, giải pháp căn cơ là phải đẩy mạnh sản xuất trong vụ đông để nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Tỉnh Hà Nam cũng nên xem xét đưa cây trồng biến đổi gen vào trồng thực nghiệm. Bộ đã cùng với các doanh nghiệp trình diễn mô hình sản xuất ngô biến đối gen tại 6 tỉnh thành trong cả nước để chứng thực cho bà con thấy tình hiệu quả của các giống biến đổi gen. Tiếp theo cây ngô sẽ là cây đậu tương để tăng năng suất lên 20%.

Hưng Yên: Tập trung vào các giống lúa chất lượng cao

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu cũng đã kiểm tra tình hình gieo cấy vụ đông xuân tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Hưng Yên.

Vụ lúa xuân năm nay, toàn tỉnh Hưng Yên có kế hoạch gieo cấy 39,8 nghìn ha lúa, toàn bộ diện tích là trà xuân muộn với các giống lúa như Bắc thơm số 7, RVT, T10, Hương thơm số 1, Khang dân 18, TBR1, TBR45, nếp thơm Hưng Yên, nếp 87, 97, QR1, các giống lúa lai TH3-3, GS9, Syn6, Đại Dương 8, Thịnh Dụ 11…

Các giống lúa chất lượng cao chiếm trên 55% tổng diện tích gieo cấy.


Nông dân Hưng Yên xuống đồng gieo cấy lúa vụ đông xuân 2013 - 2014.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hưng Yên cho biết: Tính đến sáng(7/), diện tích đổ ải toàn tỉnh Hưng Yên là 30.500 ha, đạt 76% kế hoạch. Tỉnh đang tập trung lấy nước đủ 100% diện tích trong đợt xả nước các hồ thuỷ điện lần 3. Đối với 2 huyện phía nam của tỉnh là Tiên Lữ và Phù Cừ có truyền thống cấy lúa sớm, tỉnh chỉ đạo chưa bơm nước đổ ải đợt 1, đợt 2 và tập trung vào đợt 3.

Để giảm chi phí trong khâu gieo cấy, nhất là đưa máy cấy vào đồng ruộng, UBND tỉnh Hưng Yên đã có dự án hỗ trợ một phần kinh phí làm mạ khay cho doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phù Cừ để làm dịch vụ cho nông dân.

Tiếp đến, huyện Hồ Tùng Mậu cũng được hỗ trợ. Đây là cách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với bà con xây dựng những cánh đồng mẫu lớn hàng chục, thậm chí hàng trăm ha.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định: Hưng Yên là một trong những tỉnh luôn đi đầu trong sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trong vụ đông xuân 2013 - 2014, trước mắt, Sở NN-PTNT phải chỉ đạo sâu sát các địa phương tổ chức tốt công tác lấy nước đợt 3, đặc biệt là một số vùng đất cao, quyết không bỏ trống đồng ruộng vì thiếu nước. Lấy nước đổ ải đến đâu, tổ chức làm đất và gieo cấy để đuổi kịp khung thời vụ.

Kế hoạch của tỉnh là hoành thành gieo cấy trước ngày 5/3, nhưng Thứ trưởng yêu cầu Hưng Yên cố gắng hoàn thành trong tháng 2. Sau khi gieo cấy xong, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và phòng bệnh, chăm sóc lúa kịp thời. Các cơ quan liên quan cần chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai mô hình liên kết sản xuất và cánh đồng mẫu lớn. Bên cạnh đó, Hưng Yên vẫn sản xuất đồng thời nhiều giống lúa khác nhau, trong thời gian tới tỉnh cần siết chặt hơn nữa đối với các loại giống, mỗi tỉnh chỉ nên sản xuất từ 3 - 5 giống.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.