| Hotline: 0983.970.780

Cô giáo bán nhà xây trường học

Thứ Ba 01/03/2011 , 10:05 (GMT+7)

Cô giáo Phùng Thị Bích, thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, Bắc Ninh đã bán đất nhà mình để xây trường mầm non cho các cháu.

Chỉ vì muốn được nghe tiếng trẻ mỗi ngày, cô giáo Phùng Thị Bích, thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã bán cả đất nhà mình đang ở để xây dựng trường mầm non cho các cháu có một nơi học tốt.

Trước đây chị Bích là giáo viên dạy hợp đồng tại một trường mầm non bán công ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Với đồng lương 290.000 đồng/tháng, ngày đó cô luôn phải nhận đồ may mặc về nhà làm kiếm thêm đồng thu nhập. Và rồi lòng thương cảm hoàn cảnh khó khăn của hai cháu bé trong lớp khiến cô Bích bị đuổi việc. Cô Bích kể lại: “Ngày đó lớp tôi chủ nhiệm có hai hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã đứng ra làm đơn xin miễn tiền học phí cho hai cháu nhưng không được nhà trường đồng ý. Lúc đó tôi đã bớt tiền lương của mình để đóng học phí cho hai cháu và báo với gia đình là nhà trường đã cho miễn học phí”.

Không những thế, với tính thẳng thắn, cương trực của mình, đã không ít lần chị đứng lên đấu tranh đòi công bằng cho các giáo viên trong trường. Cũng sau kỳ nghỉ hè năm 2004, chị chờ mãi không thấy nhà trường gọi lên đi làm. Khi lên ban giám hiệu nhà trường hỏi chị mới té ngửa nhà trường đã có quyết định cho chị tạm nghỉ với lý do trường ít học sinh. Những ngày tháng được “nghỉ hưu” non, chị nhớ trường nhớ lớp vô cùng. Nhất là những tiếng nô đùa của bọn trẻ con như in mãi trong trí nhớ của chị. “Ngày đó phụ huynh các cháu quý mình lắm. Họ còn làm đơn tập thể gửi lên ban giám hiệu nhà trường cho mình đi dạy lại”, chị Bích nhớ lại.

Một thời gian sau khi nhận quyết định nghỉ việc, chị theo chồng về La Phù (Hoài Đức), nơi anh đang công tác. Thấy các cháu trong làng không có ai trông nom khi bố mẹ đi vắng, chị nhận các cháu về trông giữ. Mới đầu là vài ba người, sau đó mọi người đến gửi một đông, lúc này niềm vui như trở lại với chị cùng với bao nhiêu mơ ước, dự định.

Trong một ngày tình cờ về dự hội làng ở quê chồng thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, thấy xã kêu gọi những người xa quê về xây dựng quê hương. Lúc đó bao nhiêu ý định đã nung nấu trong đầu bỗng bộc phát. Chị liền bàn với chồng về quê xây trường mầm non vừa đúng như nguyện vọng của chị và góp phần xây dựng quê hương. “Biết về đây sẽ khó khăn, bạn bè tôi đều khuyên ngăn nếu có xây thì xây trên thị trấn nhưng tôi nói mở trường không phải là mục đích kinh doanh, mà tôi mở vì lòng đam mê của một nhà giáo và muốn xây dựng cho quê hương còn nghèo khó”, chị chia sẻ.

Tháng 6/2006, ý tưởng xây trường trên quê hương của chị được xã, huyện đồng ý. Khi bắt tay vào xây dựng mới thấy bao nhiêu khó khăn trước mắt. Thời điểm đó hai vợ chồng chị dành dụm được số vốn 200 triệu đồng nên tính mượn anh em, bạn bè thêm ít nữa để mở 4 đến 5 phòng học ước chừng 500 triệu. Không theo dự tính ban đầu, vào đúng năm đó giá vật liệu xây dựng tăng gấp 2-3 lần, số tiền dự tính chỉ đủ xây vừa cho cái móng. Đứng trước khó khăn đó, không còn cách nào khác anh chị lại bàn với nhau bán luôn mảnh đất ở An Khánh là tài sản lớn nhất của gia đình. “Lúc đó chồng tôi nói đã mất công bán đất rồi thì xây luôn hai tầng sau này đỡ phải mất công cơi nới”.

Tháng 12/2007, ngôi trường mang tên Bích Ngọc được khánh thành gồm 8 phòng học với đầy đủ tiện nghi, cơ sở, trang thiết bị học tập. Hiện trường có 4 lớp với 143 cháu trong độ tuổi 1 đến 5 tuổi theo học. Ngôi trường nằm trên địa bàn của một xã nghèo, hơn nữa chị mở lớp không phải vì mục đích kinh doanh cho nên chị đưa ra mức học phí rất thấp, trung bình hơn 100 nghìn đồng/cháu/tháng bao gồm 80.000 đồng tiền học phí, 15.000 đồng tiền trăm sóc nuôi dưỡng, 6.000 tiền nước uống, 10.000 đồng tiền chất đốt, các cháu ăn bán trú thêm 6.000 đồng/ngày bao gồm ăn một bữa chính và một bữa phụ…

Tuy nhiên cô Bích vẫn còn những trăn trở, hiện nay trường chỉ có 5 giáo viên, mọi hoạt động đều tự lấy thu bù chi không có sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước. Với mức thu như hiện nay cũng chỉ đủ trả lương cho giáo viên 1,8 đến 2 triệu đồng/tháng cộng với một bữa cơm trưa. Do là một xã thuần nông còn nghèo nên hàng tháng nhiều gia đình vẫn còn nợ lại tiền học phí. “Có những tháng đến ngày trả lương nhưng trong nhà không còn tiền tôi lại phải đi vay mượn khắp nơi để có tiền trả cho giáo viên. Sợ thu nhập của giáo viên còn thấp các cô giáo lại không yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với nhà trường”, cô Bích tâm sự.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất