| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa đồng bộ sản xuất chè

Thứ Ba 16/10/2012 , 10:00 (GMT+7)

Vừa qua tại Phú Thọ, Trung tâm Khuyến nông QG tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chuyên đề “Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong SX chè”.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về diện tích, xuất khẩu chè, song giá bán lại xếp 10/11 nước. Nguyên nhân do công nghệ chế biến, thu hái chè lạc hậu. Nhằm giới thiệu các mô hình công nghệ mới, vừa qua tại Phú Thọ, Trung tâm Khuyến nông QG tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chuyên đề “Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong SX chè”.

85% CƠ SỞ CHẾ BIẾN CHƯA ĐẠT

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, tính đến năm 2011, diện tích chè cả nước đạt trên 162.000 ha, năng suất bình quân 77,4 tạ búp tươi/ha, sản lượng xấp xỉ 889.000 tấn, tăng 6,5% so với năm 2010. Nhìn chung, ngành chè đạt được nhiều thành tựu về giống khi chọn tạo, nhập nội được nhiều dòng năng suất, chất lượng cao.

Hiện cơ cấu giống chè mới (từ cành) chiếm 52%. Diện tích chè chưa cải tạo còn 48%, song tại các vùng SX chè tập trung như Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lâm Đồng đã có 170 ha vườn chè giống mới đầu dòng được thẩm định, công nhận, đủ khả năng cung cấp trên 300 triệu hom giống cho trồng mới và thay thế diện tích chè kém chất lượng trong những năm tới.

Đối nghịch với chọn tạo giống thì khâu thu hoạch, chế biến chè của nước ta khá ảm đạm. Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại NLTS&NM cho biết, vừa qua kiểm tra 31 DN chế biến chè ở các tỉnh phía Bắc thì chỉ 16% cơ sở áp dụng tiêu chuẩn ISO và HACCP, 42% có phòng kiểm định KCS và 35% có vùng nguyên liệu.


Cơ giới hóa trong thu hoạch chè tại Phú Thọ

Từ đó chỉ ra tồn tại trong ngành chế biến chè của VN là có quá nhiều DN không đáp ứng đủ điều kiện, quy chuẩn về nhà xưởng chế biến cũng như vùng nguyên liệu. Thực tế, trên 450 cơ sở chế biến chè hiện nay, tổng công suất theo thiết kế trên 4.600 tấn/ngày, năng lực chế biến gần 1,5 triệu tấn búp tươi/năm, song hàng năm chỉ chế biến được 600.000 tấn búp tươi, bằng 40% công suất.

Đáng báo động hơn, Cục Chế biến, thương mại NLTS&NM tiến hành tổng hợp kiểm tra đánh giá, phân loại cơ sở chế biến chè tại 10 tỉnh có diện tích chè lớn nhất cho thấy, cơ sở đạt loại A (có nhà xưởng, thiết bị công nghệ tiên tiến, đảm bảo VSATTP) chỉ 14,2%, loại B 52% và loại C xấp xỉ 31%. Trong đó, loại C là các cơ sở không đủ điều kiện SX, loại B thuộc diện “vé vớt”, chiếu cố vì có nhiều yếu tố phải khắc phục.

“Thực trạng trên dẫn đến việc tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy chè bằng mọi giá, bất chấp tiêu chuẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chè, hiệu quả chế biến thấp, tiêu tốn lãng phí nhiên liệu động lực, đầu tư máy tách cẫng sơ chế. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá xuất khẩu chè bình quân của nước ta chỉ xếp thứ 10 thế giới", ông Hòa cảnh báo.

1 MÁY HÁI CHÈ = 15 NHÂN CÔNG

Trước thực trạng khủng hoảng nhân lực và giá bán từ nhiều năm qua của ngành chè, TS. Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông QG cho rằng, cần phải có cuộc cách mạng cơ giới hóa đồng bộ trong chế biến, thu hoạch, tiêu thụ chè mới mong bắt kịp công nghệ, xu thế các nước có ngành SX chè phát triển trong khu vực; tiến tới nâng giá chè VN sát hơn với giá chè thế giới để từ đó tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người trồng chè.

Hiện có rất nhiều mô hình cơ giới hóa, đủ đảm nhận tất cả mọi công đoạn trong SX chè. Đầu tiên là mô hình cơ giới hóa khâu xới cỏ chè. Đây là công việc khá nặng nhọc và tốn nhiều công lao động (chiếm 30 - 40% tổng số công). Trước đây, bà con phải dùng tay nhỏ cỏ 3 - 4 lần trong năm để đất tươi xốp và cỏ dại không tranh dinh dưỡng của chè. Nay nhờ các nhà khoa học và những DN cơ khí đã cải tiến, SX ra nhiều loại máy móc phục vụ công tác xới cỏ, giúp giảm 75% thời gian lao động nên bà con có thể liên hệ với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh để có địa chỉ mua máy cũng như được hưởng các chính sách ưu đãi.

Mô hình cơ giới thứ hai trong SX chè là công nghệ tưới chè tiết kiệm phun mưa di động. Ưu điểm của mô hình này là chủ động được nước tưới theo đúng thời vụ, nâng cao hiệu quả phân bón, tiết kiệm nhân công gánh nước tưới chè và phun thuốc BVTV. Đặc biệt, công nghệ này khắc phục được điểm yếu của tưới bằng máy bơm hay tưới phun mưa cố định gây khó khăn cho làm cỏ và xói mòn đất.

Theo Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, tưới nước đầy đủ sẽ tăng số lứa hái chè trong năm 8 - 12 lần, đặc biệt trong vụ đông. Theo đánh giá của bà con nông dân huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), năng suất chè đông chỉ bằng ½ chè xuân, chè chính vụ, song chi phí không quá lớn, giá bán cao gấp 2 - 3 lần chè xuân. Nếu vào lúc chính vụ giá chè chỉ khoảng 80.000 đ/kg thì vụ đông có thể lên tới 150.000 đ/kg. Qua đó cho thấy, áp dụng công nghệ tưới chè vừa giúp tăng thu nhập lại tạo thêm việc làm cho người nông dân trong những tháng củ mật.

Cùng với làm đất và tưới nước, công đoạn hái chè là khâu tốn nhiều nhân công và chi phí nhất. Theo tính toán của các hộ làm chè, công lao động hái chè chiếm 40 - 45% tổng chi phí cho nương chè và chiếm 25 - 30% giá bán chè búp tươi nên việc nghiên cứu thành công mô hình thu hoạch chè bằng máy có thể coi như cuộc cách mạng thay thế sức lao động quan trọng trong SX chè.

Tổng kết, đánh giá của các hộ tham gia mô hình hái chè bằng máy tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An, Yên Bái, tuy chất lượng chè búp kém hơn so với hái thủ công, song hái bằng máy ưu điểm hơn hẳn về năng suất và sản lượng, rút ngắn thời gian giữa các lứa chè. Trung bình, một ngày thu hoạch chè bằng máy có thể đạt 500 - 600 kg, tương đương 15 nhân công lao động thủ công.

Đại diện TCty Chè VN khẳng định, nhược điểm của hái chè bằng máy sẽ được khắc phục triệt để nếu tuân thủ công tác kỹ thuật, hái đồng bộ và đúng quy trình, khi đó các DN chế biến chè hoàn toàn có thể chấp nhận chè hái máy. Thực tế tại Nghệ An cho thấy, chè tại đây có giá bán thấp hơn chè tại miền Bắc nhưng nhờ cơ giới hóa đồng bộ bằng máy nên lợi nhuận cao hơn chè miền Bắc từ 10 - 20%.

Ông Trần Quang Cái ở xã Việt Cường (Trấn Yên, Yên Bái) chia sẻ, với 5 ha chè, trước đây mỗi vụ gia đình ông phải bỏ ra tới 14 triệu đồng thuê nhân công hái, lợi nhuận còn lại 20 triệu đồng. Nay hái bằng máy, chi phí hái chè giảm xuống còn 6 triệu, lợi nhuận tăng lên 67 triệu đồng. Bên cạnh những công nghệ cơ giới trên, trên thị trường còn có các mô hình máy đốn chè cải tiến từ máy cắt cỏ, máy cắt chuyên dụng nhập khẩu từ Nhật Bản và công nghệ cơ giới hóa chế biến chè xanh theo quy mô hộ gia đình.

Theo Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc - ông Đỗ Văn Ngọc, hiện vẫn còn một số DN chế biến không mặn mà với chè hái bằng máy. Theo ông, nguyên nhân do những cơ sở đó hệ thống máy móc đã quá lạc hậu, không còn phù hợp với xu hướng SX chè hiện đại.

Thực tế cho thấy, hái chè bằng máy không những giúp năng suất búp chè tăng trên 10% mà nguyên liệu đó còn có thể chế biến được cả chè xanh. Hái chè bằng máy còn giảm việc dùng thuốc BVTV do thời gian giữa hai lứa chè kéo dài nên không có nhiều thức ăn cho sâu cộng quá trình hái chè máy hút đi đáng kể lượng sâu và trứng.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm