| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa- giấc mơ ngàn đời

Thứ Ba 06/03/2012 , 09:39 (GMT+7)

Chưa bao giờ phong trào cơ giới hóa đồng ruộng trên vùng đất lúa lại nhộn nhịp, hối hả như những vụ vừa qua.

Máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đưa xuống đồng ruộng ĐBSCL thử nghiệm từng bước đến thành công mỹ mãn. Vì vậy, chưa bao giờ phong trào cơ giới hóa đồng ruộng trên vùng đất lúa lại nhộn nhịp, hối hả như những vụ vừa qua.

Thay người còng lưng gặt lúa

Ngày mùa, ruộng lúa nào mà đưa được máy gặt vào thì nông dân ai nấy đều mừng vui, họ như thấy khỏe gấp mười lần so với trước, bởi không phải lo chuyện gặt, đập lúa.

Theo PGS.TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ tháng 7/2006 đến năm 2011 đã tổ chức được 6 lần hội thi máy GĐLH để đưa vào thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Sau mỗi lần, nhiều mặt khiếm khuyết về kỹ thuật được các nhà chế tạo máy không ngừng cải tiến, đáp ứng yêu cầu của nông dân.

Nếu như tháng 7/2007 nông dân trong vùng mua được 476 máy GĐLH thì đến tháng 4/2011 đã có 6.571 máy, tương đương diện tích thu hoạch 657.100 ha/vụ, kết hợp với 4.531 máy cắt xếp dãy, tương đương 271.000 ha/vụ. Như vậy tính ra tổng cộng diện tích lúa thu hoạch bằng cơ giới hiện đạt được hơn 928.000 ha/vụ trên tổng diện tích lúa ĐX là 1.550.000 ha, đáp ứng được 60% diện tích.

Đối với nông dân ĐBSCL việc áp dụng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để giảm bớt sức người, sức kéo của trâu, bò có lẽ là giấc mơ ngàn đời. Trải qua bao nỗi cực nhọc từ nhát cuốc vỡ đất đầu tiên, lần hồi đưa lưỡi cày đi theo trâu và bước chuyển nhanh khi những chiếc máy cày, máy xới, máy cấy, máy gieo lúa theo hàng, máy bơm nước và đi tới công đoạn sau thu hoạch là dùng máy GĐLH thay sức người còng lưng gặt lúa. Một bước ngoặt để tiến lên một nền SX nông nghiệp hiện đại.

Tôi còn nhớ vào năm 2006, trong lần hội thi đầu tiên máy GĐLH tổ chức tại Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) có tất cả 8 chiếc máy, trong đó 7 chiếc máy của các nhà sáng chế trong nước và 1 của Trung Quốc, được phân ra “quần thảo” biểu diễn trên nhiều thửa ruộng chín vàng. Nhưng ruộng lúa trên đất phù sa miền Tây vào mùa HT mềm, dễ bị lún lầy, máy GĐLH tuy cắt và tuốt lúa đạt, nhưng nhiều nông dân đứng trên bờ ruộng theo dõi vẫn lắc đầu chê dấu bánh xích đi qua hằn thành vết sâu trên đồng ruộng.

Đại điền đã thỏa ước mong

Những cải tiến sau đó, nhiều nông dân bắt đầu chọn mua. Trong số những nông dân “đại điền” như ông Sáu Đức ở Tri Tôn (An Giang), năm 2007 ông đã trang bị mua máy GĐLH đưa vào thu hoạch ngay trên ruộng lúa gần 70 ha. Ông Sáu Đức thừa nhận ứng dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng giảm hẳn bớt sức người. Khi vào vụ ông chỉ cần 12 lao động là đủ mọi việc trên đồng.

Tiếp sau này nhiều nông dân có ruộng đất liền canh kết hợp, hùn vốn mua máy cày, máy bơm, máy GĐLH… khai thác hiệu quả. Tại Sóc Trăng, cuối tháng 9/2009, 5 anh em cùng họ Trần - người Khmer ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình, huyện Mỹ Xuyên là những người đầu tiên trong xóm mua máy GĐLH của cơ sở Út Máy Cày về gặt lúa chung trên cánh đồng mấy chục ha.

Ban đầu chưa ai biết chạy thì phải thuê “bác tài” vận hành mỗi khi vào mùa gặt. Mấy anh em mừng lắm, hiệu quả thấy rõ trước mắt là không bị động thiếu nhân công khi vào mùa gặt rộ. Sau đó hai năm trở lại, tôi nghe các anh đã mua thêm chiếc máy GĐLH và khoe “thiện chiến” hơn với hiệu Kubota trị giá hơn nửa tỉ đồng. Tôi hỏi chiếc máy cũ, các anh nói vẫn vận hành vào mùa gặt và vận chuyển lúa ngoài đồng vào nhà.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL theo dõi qua nhiều hội thi máy GĐLH với vai trò là một thành viên trong Ban giám khảo nhận xét: Trong tình hình SX lúa ở nhiều địa phương là gieo sạ đồng loạt, tập trung né rầy, nông dân ĐBSCL mua sắm máy GĐLH giải quyết được bài toán thiếu lao động, thiếu nhân công vào mùa vụ đang ngày càng thiếu hụt. Bên cạnh đó việc áp dụng máy GĐLH cho thấy hiệu quả rõ rệt: Thu hoạch lúa đúng độ chín, giảm tỉ lệ hao hụt, thất thoát so với cắt lúa bằng tay từ 3- 5%, chi phí thu hoạch rẻ hơn thủ công từ 1- 2 triệu đồng/ha, chất lượng lúa đồng đều hơn.

Phong trào đưa máy GĐLH ra đồng là một bước tiến thành công ở ĐBSCL. Ngoại trừ những thửa ruộng nhỏ vùng lúa- tôm ven biển còn cắt lúa bằng tay, thì máy GĐLH là nhu cầu rất lớn. Có người cho rằng tuổi thọ của máy GĐLH nội địa có độ bền 2- 3 năm, máy ngoại nhập khoảng 5- 6 năm.

Song, máy chạy hao mòn, nhu cầu đổi phụ tùng thay thế và mua máy mới làm dịch vụ trên đồng đang được nhiều nông dân đồng thuận và bàn thảo làm ăn liên kết. Nhất là lúc cánh đồng mẫu lớn đang nhân rộng.

Hiện nay các tỉnh có vùng SX lúa lớn như An Giang, Kiên, Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… đang dẫn đầu phong trào đưa máy GĐLH ra đồng. Có tỉnh chủ trương hỗ trợ lãi suất vay cho nông dân mua sắm máy. Nông dân chọn lựa máy theo túi tiền của mình. Theo các nhà chuyên môn về cơ khí, máy GĐLH của Nhật đang có ưu thế vượt trội nhưng giá cao, hơn 500 triệu đồng/máy (tùy theo công suất máy).

Trong khi máy Trung Quốc giá rẻ hơn 50% so máy Nhật. Một số nhà chế tạo máy cơ khí nội địa tại An Giang than phiền rằng: Nhà SX máy trong nước không được ủng hộ trong việc làm máy. So sánh mức thuế nhập khẩu nguyên chiếc máy thấp hơn nhiều so với thuế nhập khẩu phụ tùng 20- 30%. SX máy trong nước vẫn chưa được công bằng trong cạnh tranh về chất lượng và giá cả để nông dân rộng đường chọn lựa theo khả năng của mình.

PGS.TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia dự báo: Nhu cầu trang bị máy GĐLH sẽ còn tiếp tục tăng thêm vào những năm tới. Theo tính toán chung ĐBSCL cần có tổng số máy GĐLH vào khoảng 10.000 máy, tương đương thu hoạch 1 triệu ha/vụ, phần còn lại dành cho máy cắt xếp dãy và gặt lúa thủ công.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.