| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa sản xuất lúa gạo ở ĐBSH

Thứ Hai 29/10/2012 , 11:48 (GMT+7)

Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Cơ giới hóa trong SX lúa gạo” có sự tham dự của 10 tỉnh, thành ở đồng bằng sông Hồng.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh, UBND TP Bắc Ninh tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Cơ giới hóa trong SX lúa gạo” với sự tham dự của 10 tỉnh, thành ở đồng bằng sông Hồng.

Tham luận tại hội thảo các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm áp dụng cơ giới hóa (CGH) đồng bộ trong SX và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, giải pháp áp dụng CGH sau dồn điền đổi thửa. Hội thảo cũng chỉ rõ những khó khăn, tồn tại như tỷ lệ CGH còn thấp, chưa đồng bộ và phát triển toàn diện, chủ yếu ở khâu làm đất, cấy lúa, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa gạo. Mối liên kết hữu cơ giữa các cơ quan nghiên cứu với DN chưa cao, rất ít sản phẩm hàng hóa có thương hiệu xuất xứ từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao KH-CN trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp...

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, PGĐ Trung tâm KNQG, các địa phương ở ĐBSH đã và đang đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, tăng quy mô diện tích SX, trung tâm sẽ trình Bộ NN-PTNT xây dựng mô hình CGH khâu làm đất bằng các máy làm đất loại trung và loại lớn, nhằm nâng cao công suất máy, tăng năng suất, giảm chi phí.

Theo ông Lâm, sau khi thực hiện "khoán 10" chia ruộng cho từng hộ nông dân đã nảy sinh những khó khăn, hạn chế trong việc sử dụng máy GĐLH như đồng ruộng manh mún, gieo cấy không đồng thời, ruộng bên trong lúa chín trước, ruộng ngoài chín sau, đường giao thông nội đồng nhỏ... Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch ngắn chỉ kéo dài từ 7 - 10 ngày. Mỗi máy GĐLH chỉ gặt được 2 - 3 ha/ngày, mỗi vụ chỉ gặt được 20 - 30 ha.

Do những hạn chế trên, các chủ máy GĐLH ở ĐBSH đang gặp nhiều khó khăn do thời gian sử dụng máy trong năm thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Để giải quyết vấn đề này cần phải có sự liên kết giữa các chủ máy ở các vùng, hợp tác cùng nhau nhằm phát huy hiệu suất sử dụng, nhanh thu hồi vốn, tăng thu nhập.

Cùng quan điểm trên, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại NLTS & nghề muối nói: Hiện ĐBSH quy mô diện tích đất canh tác nông nghiệp chủ yếu ở 2 loại, trên dưới 500 m2 chiếm tỷ lệ 43,8%, từ 500 - 1.000 m2 là 36,2%. Số thửa trung bình cho 1 hộ nông nghiệp 4,4 thửa/hộ. Diện tích trung bình 1 thửa ruộng 807,5 m2.

Vì thế, CGH trong canh tác còn rất thấp, chủ yếu ở khâu làm đất và khâu tưới nước. Động lực sử dụng cho khâu làm đất chủ yếu là loại máy kéo 2 bánh (chiếm 90,16%). Cho nên năng suất lao động còn thấp và điều kiện lao động của người vận hành máy chưa được cải thiện nhiều. Các đơn vị cung cấp dịch vụ cơ giới, nhất là khâu làm đất chủ yếu là các hộ gia đình và tổ hợp tác thực hiện.

"Phần lớn người sử dụng máy kéo trong các hộ gia đình và tổ hợp tác không được đào tạo, chỉ có 2,9% người sử dụng máy kéo được đào tạo. Vì vậy, năng suất và hiệu quả chưa cao. Yếu tố lớn nhất hiện nay làm hạn chế việc sử dụng máy của vùng ĐBSH là kích thước ruộng nhỏ, SX phân tán và nông dân thiếu vốn trang bị máy", ông Hòa chia sẻ.

Cần tăng cường hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn về áp dụng CGH tổng hợp (từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, bảo quản), tổ chức hội nghị đầu bờ, thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình. Có chính sách cho nông dân được vay vốn đầu tư mua sắm máy móc. Xây dựng các câu lạc bộ những người sử dụng máy GĐLH, tạo các mối liên kết giữa các chủ máy ở các vùng khác nhau nhằm phát huy tối đa hiệu suất sử dụng... - Ông Nguyễn Thanh Lâm.

Còn ông Nguyễn Quốc Việt, Viện Cơ điện nông nghiệp & công nghệ sau thu hoạch cho rằng: Tình hình cả nước nói chung và vùng ĐBSH nói riêng, mức độ CGH trong SX còn thấp, chưa đồng bộ và chưa phát triển toàn diện. Muốn cho máy móc hoạt động được và nhất là hoạt động có hiệu quả, cần có quy mô diện tích cánh đồng lớn, cùng bình độ, chất đất để trồng được một loại cây.

Hơn nữa, quy mô đồng ruộng ở nước ta, đặc biệt ở ĐBSH còn nhỏ lẻ. Mặc dù, các địa phương đã có chủ trương dồn điền đổi thửa, song nhìn chung tình trạng manh mún vẫn là phổ biến. Điều này hạn chế việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật nội đồng (cứng hóa các mương thủy lợi, đường đi cho di chuyển máy móc, san phẳng đồng ruộng...) cũng như việc áp dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp.

Quy cách kích thước thửa ruộng, khoảnh ruộng, mương tưới, mương tiêu bờ thửa, bờ vùng, đường nội đồng ở từng vùng đồng bằng, trung du, miền núi khác nhau phụ thuộc vào địa hình, độ dốc, cốt đất, chất đất, nguồn nước, yêu cầu mức độ thâm canh và mức độ sử dụng công cụ máy móc lớn nhỏ.

Cho nên, ông Việt kiến nghị: Đối với vùng ĐBSH, chính quyền địa phương cần hỗ trợ xây dựng quy hoạch các cánh đồng, lô thửa có kích thước tối thiểu để máy móc hoạt động thuận lợi, hỗ trợ quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng (mương tưới tiêu, đường nội đồng) đảm bảo cho máy đi lại dễ dàng. Nhà nước sửa đổi Luật Đất đai theo hướng giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài, mở rộng hạn mức sử dụng đất, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai, khắc phục vướng mắc “ngoài hạn điền” khi nông dân dùng thế chấp quyền sử dụng đất để mua máy.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất