| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa SX mía

Thứ Ba 12/08/2014 , 08:58 (GMT+7)

Thực tế việc đưa cơ giới hoá vào quá trình SX mía ngày càng trở nên cần thiết ở địa phương, đặc biệt đối với khâu chăm sóc và thu hoạch rất cực khổ nhưng năng suất lao động không cao.

Nhằm giảm chi phí SX, giải quyết tình trạng thiếu lao động thời vụ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai triển khai mô hình cơ giới hóa SX mía ở các huyện Định Quán, Thống Nhất.

Đồng Nai có trên 6.000 ha mía, tập trung chủ yếu ở các huyện Định Quán, Nhân Trạch, Vĩnh Cửu, Thống Nhất… Năng suất mía bình quân đạt từ 55 - 60 tấn/ha. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ cây mía chưa cao do nhiều yếu tố, chủ yếu công lao động cao đã đẩy chi phí SX tăng theo. Việc cơ giới hóa các khâu chăm sóc, bốc xếp… đã giúp giảm được chi phí, tăng lợi nhuận cho người trồng mía.

Theo ông Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG, trung tâm đã chuyển giao mô hình áp dụng cơ giới hóa SX mía cho hàng ngàn hộ nông dân ở khắp các tỉnh, gồm các loại máy làm đất đa năng, vun gốc mía, máy nâng đất mía với mức hỗ trợ cho người tham gia mô hình 75% giá tiền mua máy.
Trong những năm tới, ngành mía đường trong nước sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, áp dụng cơ giới hóa vào SX sẽ góp phần tăng năng suất mía, chữ đường cao….

Trên cánh đồng mía xã Ngọc Định, huyện Định Quán, hàng trăm nông dân được chứng kiến việc đưa máy móc xuống ruộng. Cỗ máy thay sức người chạy băng băng trên mặt ruộng xới băm đất.

Nông dân Chềnh Cún Bẩu, xã Ngọc Định phấn khởi nói: “Nhà tôi trồng 20 ha mía, được khuyến nông hỗ trợ máy làm đất đa năng làm cỏ bón phân, vừa đỡ được nhân công, đỡ phải xịt thuốc, việc bón phân cũng khá hiệu quả. Từ khi có được máy này đã giúp gia đình tôi làm mía bớt cực hơn trước”.

Để giúp các hộ dân tham gia mô hình biết cách sử dụng và phát huy hiệu quả máy trước khi nhận bàn giao, Trung tâm KNQG phối hợp với hệ thống khuyến nông của tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật vận hành, sử dụng, bảo dưỡng và bảo quản từng loại máy móc, thiết bị.

Cụ thể máy làm đất đa năng có thiết kế nhỏ gọn, ít tiêu hao nhiên liệu, có chức năng làm đất, chăm sóc nhiều loại cây trồng. Riêng đối với cây mía, áp dụng loại máy có 6 chức năng: Phá gốc, đào luống, xới cỏ, móc đất, bón phân và vun gốc…

Thực tế việc đưa cơ giới hoá vào quá trình SX mía ngày càng trở nên cần thiết ở địa phương, đặc biệt đối với khâu chăm sóc và thu hoạch rất cực khổ nhưng năng suất lao động không cao.

Nông dân Trần Thanh Hùng tâm sự: “Máy làm đất, làm cỏ do khuyến nông hỗ trợ cho nông dân chúng tôi rất dễ sử dụng, ít hao nhiên liệu, rất tiện lợi, giúp nông dân giảm chi phí từ 5 - 7 triệu đồng/ha. Hiện còn rất nhiều hộ trồng mía ở địa phương đang có nhu cầu được hỗ trợ mua máy”.

Ông Đỗ Hồng Quân, Phó phòng chuyển giao TBKT, Trung tâm KNQG cho biết: “Trong thời gian qua chúng tôi hỗ trợ mô hình cơ giới hóa SX mía ở Định Quán và Thống Nhất đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ mô hình cơ giới hóa SX bắp, mía, mì và một số cây ăn quả ở Đồng Nai.

Đến nay nông dân trong tỉnh đã được hỗ trợ 12 máy làm đất đa năng, 6 máy nâng đất mía, 2 máy thu hoạch bắp với tổng trị giá trên 850 triệu đồng. Trong đó, Trung tâm KNQG hỗ trợ 75% kinh phí, số còn lại do nông dân tự góp vốn".

Còn ông Trần Nam Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán khẳng định: “Việc đưa cơ giới hóa SX mía đã giúp giảm nhiều công lao động, hạ giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân. Do đó, địa phương kiến nghị Trung tâm KNQG chuyển giao thêm nhiều mô hình trồng mía, giới thiệu cho các địa phương để nông dân tiếp cận”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất