| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội cho HTX

Thứ Ba 03/12/2013 , 11:09 (GMT+7)

Những ngày đầu vụ ĐX 2013-2014 này, về các huyện thị tỉnh Đồng Tháp đều lao xao, rộn ràng chuyện cánh đồng liên kết.

Những ngày đầu vụ ĐX 2013-2014 này, về các huyện thị tỉnh Đồng Tháp đều lao xao, rộn ràng chuyện cánh đồng liên kết.

>> Cánh đồng hàng xáo

LIÊN KẾT LỚN ĐANG CHỮNG LẠI

Trong 3 năm qua, diện tích cánh đồng liên kết của Đồng Tháp đã tăng từ 1.467 ha (2010) lên 51.287 ha (2013) trải rộng trên 40 cánh đồng thuộc 28 xã của 12 huyện thị thành của tỉnh.

Năm 2013, Đồng Tháp vươn lên số 1 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chứng tỏ “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” không phải là câu khẩu hiệu suông. Dự kiến diện tích cánh đồng liên kết năm 2014 sẽ được nâng lên khoảng 80.000 ha.

Nếu xét về chỉ số phát triển thì đây là con số ấn tượng vì chỉ sau 3 năm, diện tích cánh đồng liên kết đã tăng gấp 34 lần, tuy nhiên so với diện tích gieo trồng thì đấy hãy là con số rất khiêm tốn vì chỉ chiếm khoảng 10% diện tích, và con số lúa thực tế mua bán được qua hợp đồng chỉ gần 100.000 T, gần 3% so với sản lượng lúa của toàn tỉnh.

Có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết ở Đồng Tháp, nhưng có thể chia làm 2 loại, loại doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp có quy mô vừa. Doanh nghiệp có quy mô lớn như Cty CP BVTV An Giang, Cty CP Phân bón Bình Điền, Cty Lương thực Đồng Tháp, Cty Docimexco, Cty Bayer…


Nhân viên Cty TNHH TM Võ Thị Thu Hà đang đối chiếu công nợ với kế toán HTX Tân Tiến, xã Phú Đức sau khi mua hết 2.469 T lúa thu đông của HTX theo hợp đồng

Nay ngoái lại chỉ còn Cty CP BVTV An Giang và Cty CP Phân bón Bình Điền, còn lại đều “bán danh 3 đồng”, Cty Lương thực Đồng Tháp mỗi năm xuất khẩu mấy trăm nghìn T gạo mà loay hoay mãi không mua nổi vài trăm ha lúa cho bà con Đồng Tháp của chính họ; Docimexco có nhiều công ty con chuyên về xuất khẩu chế biến gạo lẫn phân bón nhưng vẫn ngang nhiên đơn phương bẻ hợp đồng “vì lý do kỹ thuật”; Bayer ngay từ đầu đã chủ trương “chỉ quảng cáo bán thuốc”.

Trong hai Cty bám trụ cùng nông dân, thì Cty Phân bón Bình Điền chia sẻ quyền lợi khi xây dựng thành công HTX Tân Cường thành đại lý cấp 1. Kiểu làm của Bình Điền được đánh giá là bền vững nhưng khó nhân rộng bởi kiếm được một HTX hoạt động hiệu quả như Tân Cường mà không ảnh hưởng đến hệ thống bán hàng hiện có không phải dễ.

Mô hình cung ứng dịch vụ đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, thu mua theo thỏa thuận tại kho nhà máy và tương lai hướng đến việc bán cổ phần cho nông dân của Cty CP BVTV An Giang được đánh giá là "đúng bài” và tiên phong.

Năm 2013, liên kết này có diện tích 6.700 ha và 38.310 T lúa được mua bán đã chứng tỏ tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên các quan sát thấy rằng khó kiếm được một DN như thế thứ 2 bởi đi kèm đó là chi phí đầu tư lớn cho nhà máy và nhân sự mà những công ty khác không dễ có được.

SỨC SỐNG CỦA NHỮNG LIÊN KẾT VỪA

Qua 5 vụ liên kết với Cty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà ở TP.HCM, ông Võ Văn Đào, chủ nhiệm HTX Tân Tiến (xã Phú Đức, huyện Tam Nông) cho biết, xã viên HTX ông hoàn toàn yên tâm khi liên kết với Thu Hà vì Thu Hà chưa bao giờ bội ước, cam kết mua hết lúa theo hợp đồng với giá cao hơn thị trường 200 đ/kg là bất di bất dịch cho dù thị trường lúc đấy có biến động như thế nào.

Chính vì vậy mà diện tích liên kết của HTX được mở rộng từ 200 ha (sản lượng 1.415 T) ở vụ hè thu năm 2012 đã tăng lên 785 ha (sản lượng 3.795 T) ở vụ hè thu năm 2013 với tổng sản lượng lúa được qua 5 vụ lên tới trên 14.000 T. Ngoài việc trả giá cao hơn thị trường tự do trực tiếp cho hộ xã viên, Thu Hà còn khoán định mức 20.000 đ/T cho công tác tổ chức thu hoạch giao nhận cộng với khoản thưởng tiến độ 10.000 đ/T cho HTX.

Cơ sở nào để Thu Hà mua lúa cao hơn giá thị trường 200 đ/T? Đại diện của Thu Hà cho biết, việc mua lúa theo hợp đồng với HTX đã nâng cao được chất lượng nguyên liệu. Trước đây khi mua qua thương lái lúa thường bị trộn và ngay cả độ ẩm cũng không đồng đều nên rất khó trong việc phơi sấy, tồn trữ để chế biến gạo cao cấp. Còn nay, qua HTX thì các nhược điểm trên tự nhiên không còn, lúa lại rặc do đầu vụ đã làm hợp đồng với các giống lúa cụ thể.

Phấn khởi vì 2 bên cùng có lợi nên ở Tam Nông đã có nhiều diện tích liên kết được mở thêm dành cho công ty này, ngoài HTX Tân Tiến còn có HTX Phú Bình với diện tích 400 ha, HTX số 1 xã Phú Hiệp 114 ha, HTX Tân Cường, Hùng Cường, Tiến Cường thuộc xã Phú Cường 726 ha. Có nguồn nguyên liệu ổn định, công ty này đang xây dựng hệ thống phơi sấy, xay xát, chế biến ở Tam Nông với công suất 1.000 T/ngày có năng lực liên kết tiêu thụ trên 50.000 ha/năm.

Huyện Tháp Mười có Cty Cẩm Nguyên cũng có quy mô hoạt động như Cty Võ Thị Thu Hà. Ngoài việc mua giá cao hơn, khoán định mức thu mua cho HTX như Võ Thị Thu Hà, Cẩm Nguyên còn có chính sách ưu đãi cao hơn ở chỗ hệ thống kho tàng của công ty này tại xã Trường Xuân sẵn sàng cho phép xã viên trong HTX đã ký hợp đồng gửi lúa lại nếu thấy giá của công ty mua chưa phù hợp.

Ngoài 2 công ty trên còn có một số công ty khác như Cty CP Tam Nông, Cty Phát Tài, Cty Vĩnh Hoàn, Cty Dasco đều tham gia liên kết với các HTX khác trong việc tiêu thụ.

CƠ HỘI CHO HỢP TÁC XÃ

Trong hàng chục công ty tham gia liên kết tiêu thụ thì chỉ có mỗi BVTV An Giang không cần đến HTX vì đội ngũ 3 cùng của họ có thể len lỏi để công ty ký trực tiếp với từng hộ nông dân, còn những công ty khác thì không thể tiến hành nếu không có HTX giúp họ trong công tác hỗ trợ, quản lý kỹ thuật cũng như đàm phán giá cả, tổ chức thu hoạch, giao nhận. Bởi vậy HTX là điều kiện tiên quyết để họ có thể ký hợp đồng liên kết.


Sơ đồ phân chia vùng liên kết của UBND huyện Tam Nông cho các DN tham gia liên kết trên địa bàn huyện năm 2013-2014

Không những chỉ lúa, những liên kết tiêu thụ các đặc sản khác như quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành, ớt Thanh Bình, cá điêu hồng Cao Lãnh, cá giống Phú Thuận, tôm càng xanh Tam Nông… mà tỉnh đang hướng đến cũng không thể thành hiện thực nếu không có HTX đúng nghĩa.

Nhờ áp dụng đồng bộ các TBKT nên giá thành sản xuất lúa giảm đến 539 đ/kg, nhờ liên kết mà giá bán tăng thêm 200 đ/kg. Tất cả lợi nhuận tăng thêm xã viên được hưởng trọn vẹn nên mới chỉ 5 vụ liên kết mà ngày càng có nhiều hộ nông dân xin gia nhập HTX, tất cả các HTX có liên kết tiêu thụ đều đã mở rộng thêm được rất nhiều diện tích, nhân lực, nguồn vốn. Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 170 HTX nông nghiệp, trong đó mới chỉ có 30 HTX tham gia được vào cánh đồng liên kết. Hy vọng đây là cơ hội để HTX phát triển, luật HTX đi vào cuộc sống. (Hết)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất