| Hotline: 0983.970.780

Phát triển lúa gạo Japonica

Cơ hội & thách thức

Thứ Tư 14/05/2014 , 06:50 (GMT+7)

Japonica là giống lúa có năng suất, chất lượng cao rất phù hợp với điều kiện sinh thái khu vực miền núi phía Bắc nước ta. 

Để mở rộng và phát triển giống lúa Japonica thành sản phẩm hàng hoá đến được các thị trường lớn cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, DN và người nông dân...

Giống lúa Japonica sau khi du nhập vào Việt Nam, các nhà khoa học đã chọn tạo được 13 giống: ĐS1, ĐS2, ĐS3, ĐS4, J01, J02... Từ năm 2009 Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông (gọi tắt là trung tâm - thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp VN) phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp trồng thử nghiệm các giống lúa Japonica ở Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên và Hà Giang.


TS Lê Quốc Thanh, GĐ Trung tâm CGCN&KN giới thiệu giống lúa Japonica trồng trên cánh đồng Mường Lò

Qua nhiều năm nghiên cứu và trồng thí nghiệm cho thấy, giống lúa Japonica chịu được lạnh, phù hợp với điều kiện sinh thái các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc điểm sinh trưởng: Cây thấp, thân cứng nên chống chịu đổ, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng từ 127 - 147 ngày đối với vụ xuân, 97 - 116 ngày đối với vụ mùa.

Trung tâm xây dựng các mô hình cấy các giống lúa Japonica ở Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng và Lào Cai.

Năng suất trung bình đối với giống ĐS1 đạt 60,4 tạ/ha, J01 đạt 59,7 tạ/ha, J02 đạt 59,3 tạ/ha, trong khi giống lúa lai ba dòng Nhị ưu 838 của Trung Quốc làm đối chứng cũng chỉ đạt 59,2 tạ/ha. Giá lúa Japonica cao hơn các giống lúa thông thường 1,5 lần.

Điều đó khẳng định người nông dân trồng Japonica mang lại thu nhập cao hơn so với các giống khác và cũng dễ bán.

16-58-55_3Mô hình nhân giống lúa Japonica tại xã Gia Hội

Để tìm ra những giống lúa chịu lạnh tốt cho vụ xuân thường bị chết rét và chất lượng gạo ngon ở khu vực miền núi phía Bắc, Viện Di truyền nông nghiệp đã kết hợp với Hội Giống cây trồng VN cùng một số công ty triển khai việc chọn tạo, khảo nghiệm trên 100 giống lúa Japonica, kết quả được Bộ NN-PTNT công nhận 2 giống chính thức là ĐS1, J02 và 3 giống được công nhận tạm thời.

Năm 2009 nông dân các huyện Châu Thành, Châu Phú, Phú Thoại và Thoại Sơn thuộc tỉnh An Giang đã ký hợp đồng với Cty TNHH Angimex-Kitoku cấy 486 ha lúa Nhật, với giá tiêu thụ 7.100 - 7.400 đ/thóc. Tuy nhiên các giống lúa Hanna, Akita và Koshi là những giống ôn đới chuyển vùng, nên năng suất thấp và chất lượng gạo không ngon so với giống lúa Japonica trồng ở khu vực miền núi phía Bắc VN.

Qua đó có thể thấy các giống lúa Japonica phù hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc.

16-58-55_5Ông Lê Trọng Quảng,
Phó Chủ tịch UBND
tỉnh Lai Châu: 

"Lai Châu có hơn 21.000 ha ruộng nước, trong đó chỉ có hơn 6.000 ha ruộng hai vụ, còn lại 14.000 ha ruộng một vụ. Với diện tích ruộng một vụ đó sẽ là nơi phát triển giống lúa Japonica rất tốt.
Các huyện Than Uyên, Tân Uyên và Tam Đường sẽ là nơi SX lúa hàng hoá, đây là cơ hội để phát triển giống lúa Japonica nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích cho người dân...".

Từ năm 2010 các xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Trạm Tấu (Yên Bái) đã trồng 50 ha, vụ mùa 2011 các địa phương tỉnh Yên Bái trồng trên 150 ha, trong đó Văn Chấn trồng 70 ha ở các xã Phù Nham, Phúc Sơn, Sơn Thịnh, Đồng Khê, thị trấn Liên Sơn, thị trấn Nghĩa Lộ; huyện Trấn Yên trồng khoảng 20 ha tập trung ở các xã Hưng Khánh, Việt Thành, Nga Quán…

Vụ xuân 2012 nông dân xã Phù Nham, huyện Văn Chấn cấy 2 giống ĐS1, J01 trên diện tích 112 ha; xã Hạt Lừu, Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu làm 150 ha, năng suất đều đạt 62 - 68 tạ/ha. Năm 2013 toàn huyện Văn Chấn trồng 400 ha, năng suất trung bình đạt 67 tạ/ha, sản lượng đạt 2.350 tấn, giá trị mang lại là 28 tỷ đồng.

Vụ xuân 2014 các xã Phù Nham, Gia Hội, Sơn A, An Lương, Thượng Bằng La cấy trên 400 ha. HTXNN Phù Nham từ vụ xuân 2011 đến nay đều ký hợp đồng với các hộ nông dân, phía HTX cung ứng giống ĐS1 và các loại vật tư nông nghiệp cho nông dân trồng 70 ha, sau đó thu mua lại toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường.

Giá thu mua thóc vụ xuân từ 9.000 - 10.000 đ/kg, vụ mùa 9.000 - 11.000 đ/kg. Huyện Văn Chấn được mệnh danh là thủ phủ của giống lúa Japonica của khu vực miền núi phía Bắc.

Năm 2012 tỉnh Hà Giang bắt đầu đưa giống lúa Japonica và trồng 10 ha tại huyện Hoàng Su Phì.

16-58-55_6Ông Nguyễn Đức Cường, GĐ Cty TNHH
Chế biến nông sản thực phẩm XK Tường Lân:

"Cty chúng tôi vừa xuất khẩu 2.000 tấn lúa Japonica, nhiều khách hàng nước ngoài đang đặt loại gạo này, nhưng hiện không có để bán. Chất lượng gạo Japonica ở miền núi ngon hơn gạo Japonica trồng khu vực đồng bằng.
Nhưng để thành sản phẩm hàng hoá, các địa phương phải trồng diện tích lớn thì DN mới đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến. Còn diện tích lúa Japonica nhỏ lẻ như hiện nay thì khó trở thành hàng hoá được...".

Do giống lúa thích hợp với điều kiện tự nhiên của Hà Giang, chất lượng gạo ngon, nên được đồng bào ưa thích. Vì thế, năm 2013 diện tích trồng giống lúa Japonica tăng lên 120 ha tập trung ở các huyện vùng cao Mèo Vạc, Yên Minh, Hoàng Su Phì.

Vụ xuân 2014 diện tích lúa Japonica tăng vọt lên 242 ha, trong đó Hoàng Su Phì 18 ha, Mèo Vạc 112 ha, Yên Minh 104 ha, Bắc Mê 3 ha, TP Hà Giang 5 ha.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, GĐ Sở NN-PTNT Hà Giang, giống lúa Japonica mấy năm qua tăng nhanh như vậy đã đáp ứng được nhu cầu của nông dân.

Tỉnh Hà Giang xác định giống lúa Japonica là giống chủ lực trong SX lúa hàng hoá trong những năm tới...

Sau nhiều năm trồng thử nghiệm và mở rộng diện tích ra nhiều vùng sinh thái khác nhau, các nhà khoa học đã khẳng định giống lúa Japonica phù hợp với điều kiện tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc, năng suất cao, chất lượng gạo ngon, đáp ứng nhu cầu SX lúa hàng hoá cho nông dân.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phát triển giống lúa Japonica như thế nào để mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn để xây dựng những vùng SX lúa hàng hoá mang đặc trưng của miền núi mà GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Viện Di truyền Nông nghiệp - tác giả giống lúa J02 mơ ước xây dựng “Thương hiệu gạo núi Japonica”, “Gạo hữu cơ Japonica”. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, DN và người dân. (Hết)

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.