| Hotline: 0983.970.780

Co kéo ân nghĩa vợ chồng già

Chủ Nhật 23/04/2017 , 13:15 (GMT+7)

Sau một thời gian cuốn gói theo tiếng gọi con tim với một cô bán cà phê trẻ, cuối cùng ông Tư Lộc cũng quay trở về nơi mà trước kia, vợ chồng ông đã từng sống hạnh phúc...

Một phút xao lòng

Cách đây gần ba năm, khi gần nghỉ hưu, ông Ba Tuấn cặp kè với một cô gái chỉ gần bằng tuổi con gái của ông. Bỏ qua mọi điều tiếng, can gián từ gia đình, ông Ba một mực nhất định đòi ly hôn để thoải mái chung sống với người tình trẻ. Trước đây, đã có vài lần ông Ba lăng nhăng nhưng chỉ một thời gian ngắn là đường ai nấy đi.

09-36-17_trng-10
Ảnh mang tính minh họa

Bà Ba đau buồn lắm nhưng đành chấp nhận, bởi vì bà biết lần này có cố níu giữ ông cũng chẳng ích gì. Hai đứa con của vợ chồng họ như phát điên, nhiều lần dằn mặt tình nhân của cha nhưng đành bất lực. Chán nản, chúng quay về an ủi mẹ, thề sẽ không bao giờ nhận lại người cha bạc tình với mẹ. Nhưng bà Ba Tuấn lại nghĩ khác.

Không hiểu vì đã qua cái tuổi hờn ghen bồng bột hay vì tim đã chồng chất lắm nỗi đau, nên bà đã trở nên chai sạn. Một mặt, bà khuyên các con cần bình tĩnh, đừng làm điều gì quá đáng, làm mất thể diện của cha thì gia đình chỉ mang thêm tiếng xấu. Mặt khác, nghĩ đi nghĩ lại bà thấy chồng cũng chưa hẳn cạn nghĩa, vì ông chỉ ra đi với vốn liếng riêng, còn phần tài sản chung vẫn để lại cho bà và các con.

Thế rồi, việc ông Ba Tuấn quay về nhà do xung đột với nhân tình trẻ rồi chia tay khiến mọi thứ trong gia đình trở nên xáo trộn. Sau nhiều lần dò la, bà tìm được chỗ ở của chồng. Thấy ông sống đơn chiếc trong căn nhà tạm bợ lại bị căn bệnh đau bao tử hành hạ thân già, bà lại càng xót xa hơn. Cuối cùng, mặc con cái can ngăn phản đối, bà Ba nhất quyết đưa chồng về sống chung như trước kia.

Thật ra, sau bao cay đắng phải chịu đựng, trong lòng bà giờ đây chỉ có suy nghĩ rằng: “Già cả hết rồi, nên tha thứ thì hơn”. Bà biết các con trẻ người non dạ, chưa hiểu hết lẽ đời nên mới nặng nề với cha ruột, và hy vọng sau này các con sẽ hiểu. Từ ngày vợ chồng đoàn tụ, bà Ba vui vẻ hẳn ra. Bà nghĩ: “Điều quan trọng nhất là cuối cùng vợ chồng cũng ở bên nhau”.

Thỉnh thoảng, vợ chồng già tỉ tê tâm sự rồi cười khúc khích lúc nhắc lại những kỷ niệm cũ. Bà Ba cảm thấy lòng thanh thản, chẳng mảy may vướng bận chuyện đã qua, nói gì đến thù hận hay oán trách chồng. Nhưng có một điều bà biết chắc rằng, trong trái tim già nua của chồng chỉ còn mỗi mình bà chứ không ai khác. Nếu bỏ ông bơ vơ ngoài cánh cửa gia đình, chắc gì bà đã cảm nhận được niềm hạnh phúc tròn đầy vào những ngày cuối đời này. Họ về với nhau để nương tựa tuổi già, xét nét nhau chi cho thêm khổ cả đôi bên.
 

Một đời phu thê

Sau một thời gian cuốn gói theo tiếng gọi con tim với một cô bán cà phê trẻ, cuối cùng ông Tư Lộc cũng quay trở về nơi mà trước kia, vợ chồng ông đã từng sống hạnh phúc với ba đứa con, có đủ cả trai lẫn gái.

Thời còn là công chức, ông Tư nổi tiếng là hào hoa, thích gây ấn tượng mạnh với phụ nữ. Bà Tư, vợ ông nào phải không hiểu tính chồng như bà vẫn nghĩ ông chỉ vui qua đường, bởi vì chưa bao giờ ông bỏ nhà để đi đêm hay làm điều gì để vợ con phải mang tiếng. Nhưng lần này, khi ông lặng lẽ bỏ đi với người mới, ở vào độ tuổi xấp xỉ sáu mươi tuổi thì bà như chết điếng. Đúng là già rồi còn sinh tật, bà Tư vừa buồn vừa giận ông chồng trắc nết. Vậy mà, mấy năm trôi qua, khi ông Tư đột ngột quay về trong bộ dạng thất thểu, bệnh hoạn, thì bà lại không thể cầm lòng.

Hóa ra, bồ trẻ sau một thời gian chung sống với ông đã ra đi không một lời từ giã, lại còn cuỗm mất số tư trang ông dành dụm bấy lâu nay.

“Ông ấy đây sao? Tại sao ông ấy lại ra nông nỗi này?”, bà Tư không khỏi ngỡ ngàng. Khi năn nỉ các con hãy nghĩ đến mẹ mà cho cha về sống chung thì đứa con lớn nhìn cha với vẻ hằn học: “Lúc khỏe mạnh thì đi với người khác, giờ đau ốm mới mò về”, con gái kế chua chát nói: “Đến bây giờ ba mới nhớ đường về sao?”, còn đứa út im lặng bỏ đi không nói lời nào. Mọi thứ trong nhà có vẻ giống với trước kia, ban ngày con cái đi làm, tối về đứa nào cũng vào phòng riêng với lý do “không nuốt nổi chén cơm nổi khi thấy cảnh bà chăm sóc ông”.

Chỉ có bà Tư mới hiểu: “Không có gì bằng vợ chồng được ở cạnh nhau. Cho dù giờ đây, ông ấy chỉ là ông già nay đau mai yếu nhưng với tôi, cảm giác ấm áp giữa hai vợ chồng vẫn không có gì so sánh được”. Khi đã bước qua bên kia cái dốc của cuộc đời, người ta sẽ nhận ra, thời gian vợ chồng được sống bên nhau thật ngắn ngủi làm sao. Vậy nên, yêu thương nhau còn không đủ chứ nói gì đến oán hờn.

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?