| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 03/12/2017 , 07:29 (GMT+7)

07:29 - 03/12/2017

Có lẽ từ giờ thì dân hiểu vì sao thuế, phí tăng nhiều như thế?!

Có lẽ đã đến lúc tất cả các bộ, đặc biệt là Bộ Tài chính cần có một cuộc tổng rà soát và tinh giản các đầu mối như Bộ Công thương vừa thực hiện để kéo con số từ hơn 9.100 xuống chứ “nhiều quan thế, dân nào nuôi nổi”?!

 

Bộ máy cồng kềnh, làm việc kém hiệu quả, chồng chéo, lấn sân… Đó là những cụm từ quen thuộc đã xuất hiện từ nhiều năm nay, ai cũng biết và bản báo cáo nào liên quan đến vấn đề này cũng nói.

Thế nhưng, cồng kềnh đến mức như một công bố mới đây thì dân không chỉ giật mình mà còn… ngã ngửa bởi không thể tưởng tượng cái sự cồng kềnh nó lại khủng khiếp đến như vậy.

Theo con số Chính phủ báo cáo với Quốc hội trong quá trình thực hiện việc giám sát tối cao về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 vừa qua thì đến hết tháng 12/2016, cả nước có tổng cộng 337 Cục trưởng, 767 Phó Cục trưởng, 218 Vụ trưởng, 593 Phó Vụ trưởng, 4599 Trưởng phòng và tương đương, 7021 Phó Trưởng phòng và tương đương để quản lý tổng số công chức 69.813 người…

So sánh thời điểm 2011 với tháng 12/2016, tại các Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556 người. Tương tự ở các Vụ, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619.

Trong khi Chính phủ đang nỗ với tinh thần kiến tạo, phục vụ, cần đội ngũ cán bộ gọn nhẹ và tinh nhuệ thì những con số trên cho thấy, số lượng cán bộ toàn tăng và tăng với phương châm “năm sau cao hơn năm trước”.

Song, điều ngạc nhiên là đứng ở “top đầu” của danh sách gây choáng với số công chức lãnh đạo lại là “cái kho tài chính quốc gia”, đó là Bộ Tài chính. Hiện, bộ này có 181 cục trưởng, 423 cục phó, 63 vụ trưởng và 239 phó vụ trưởng; số lượng cấp trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương lên tới hơn 9.100 người.

Đành rằng tài chính cho một quốc gia là rất quan trọng. Thế nhưng chỉ một bộ mà tổng số có tới… hơn 9.100 “ông quan” như Bộ Tài chính thì kinh khủng thật.

Người viết bài này không biết lương, à quên, thu nhập của một ông cục trưởng, cục phó, trưởng, phó phòng ban là bao nhiêu nên không có con số cụ thể. Tuy nhiên, chỉ nhìn vào cái con số hơn 9.100 vị, đã đoan chắc rằng đó là con số khủng, rất khủng, một số tiền khổng lồ!

Mà tiền ấy ở đâu ra nhỉ, nếu không phải từ tiền thuế của dân?

Thể nào dạo này giá cả rồi phí, thuế tăng kinh khủng khiếp thế, Bộ Tài chính cũng “năng động và nhiệt tình” với các khoản tăng đến thế…

Và cũng thể nào, công cuộc tinh giản biên chế càng ngày bộ máy càng phình ra.

Có lẽ đã đến lúc tất cả các bộ, đặc biệt là Bộ Tài chính cần có một cuộc tổng rà soát và tinh giản các đầu mối như Bộ Công thương vừa thực hiện để kéo con số từ hơn 9.100 xuống chứ “nhiều quan thế, dân nào nuôi nổi”?!

Đành rằng mỗi cơ quan có đặc thù khác nhau nên sự so sánh trên có thể khó chính xác, song nói gì thì nói, không nên để nơi thu chi đồng tiền, bát gạo quốc gia lại là nơi có bộ máy cồng kềnh, nhiều “quan” nhất nước.

Chao ôi! Giờ thì không biết người dân có thể "được phép hiểu" vì sao thuế, phí tăng liên tục và cao như thế không nhỉ?

 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm