| Hotline: 0983.970.780

Có một làng nuôi hàng ngàn con dê bằng dây khoai lang

Thứ Năm 03/08/2017 , 07:15 (GMT+7)

Những năm gần đây phong trào nuôi dê phát triển mạnh ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân (Vĩnh Long). Bà con tận dụng phụ phẩm nông nghiệp là dây khoai lang có sẵn để nuôi dê cho thu lãi đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

09-49-40_nh_1
Mô hình nuôi dê ở xã Thành Đông ngày càng phát triển

Ít ai nghĩ rằng giữa mênh mông đồng ruộng khoai lang lại có một làng nuôi dê đến hàng ngàn con. Gia đình ông Trần Thanh Hoàng ở ấp Thành Hậu là một trong những hộ có thu nhập khá, sau hơn 2 năm nuôi dê. Hiện tại, đàn dê nhà ông Hoàng có khoảng 70 con, với đủ các loại dê như dê sinh sản, dê nuôi lấy thịt, dê con... Dê lấy thịt chiếm 50% tổng đàn, mỗi năm ông cho xuất chuồng 2 lứa, với giá dê hơi từ 98.000 - 110.000 đồng/kg, cho thu lãi 100 - 120 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn bán từ 10 - 15 dê giống sinh sản, mỗi con 4 - 5 triệu đồng, thu lãi khoảng 60 triệu. Nhờ có đàn dê mà kinh tế gia đình ông khấm khá hơn.

Trước khi nuôi dê nhà ông Hoàng canh tác 5.000m2 khoai lang. Do xuống giống trong khoảng thời gian thời tiết bất lợi, mưa nhiều gây ngập úng làm hỏng ruộng khoai lang. Nhờ tận dụng dây khoai lang nuôi dê mà ông gỡ lại được khoản lỗ trồng trọt.

Hộ ông Nguyễn Văn Thắng ở ấp Thành Khương có đàn dê lên đến 160 con lớn nhỏ các loại. Ông Thắng cho biết, chỉ mới nuôi dê khoảng 8 tháng nay nhưng đàn dê của ông phát triển tốt, cho thu nhập khá so với nuôi bò sữa trước đây. Hiện ông Thắng cũng có đàn bò sữa khoảng 20 con cho sữa đều đặn 15 lít sữa mỗi ngày. Do giá sữa bấp bênh mà ông quyết định chuyển sang mô hình nuôi  bò - dê kết hợp. Bên cạnh nuôi dê thương phẩm, ông còn chuyên thu mua dê con mới sinh của những hộ khác rồi dùng sữa bò để nuôi những chú dê này.

"Dê cái cũng chỉ nuôi 9 tháng là sinh sản rồi. Dê mẹ mang thai 5 tháng là sinh, mỗi lứa từ 3 - 4 dê con. Sau 2 - 3 tháng là dê con thôi bú, có thể xuất chuồng, bán giống. Mỗi năm, số tiền thu được từ bán dê từ 200 - 300 triệu đồng, đó là chưa tính số dê cái để lại nuôi. Nếu dê mẹ đẻ sai sẽ không đủ sữa cho dê con bú, ông Thắng bán bớt 1 - 2 dê con để những con còn lại phát triển khỏe mạnh. Mua chú dê con mới sinh này có giá bán khá thấp, 100.000 đồng/con, nhưng bù lại phải chăm sóc nó cực hơn...", ông Thắng chia sẻ.

Hiện tại đàn dê của ông Thắng khá nhiều nhưng ông cũng chỉ thuê thêm 1 lao động mỗi tháng chi phí 4 triệu đồng cho khâu lái xe đi lấy dây khoai lang về cho chúng ăn. Ông Thắng đánh giá, nuôi dê hiện tại còn khỏe hơn nuôi bò sữa, mà hiệu quả tốt hơn. Bình quân mỗi tháng ông xuất bán từ 15 dê thịt, khoảng 2 - 3 cặp dê giống sinh sản, thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/tháng.

09-49-40_nh_3
Đàn dê của ông Thắng cho thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm

Thành Đông là xã có số lượng đàn dê phát triển lớn nhất tỉnh. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2017, toàn xã có gần 100 hộ nuôi dê, với số lượng đàn khoảng 1.500 con lớn nhỏ. Nhờ nuôi dê, nhiều bà con có thu nhập khá và kinh tế gia đình ổn định hơn.

Nghề nuôi dê không khó, chỉ cực ở khâu lo thức ăn cho dê. Đàn dê ở xã Thành Đông phát triển được là nhờ bà con tận dụng dây khoai lang sau thu hoạch làm thức ăn cho chúng. Đa số người trồng đều sẵn lòng biếu dây khoai lang cho những hộ nuôi dê. Xã Thành Đông có khoảng 612ha khoai lang trồng liên tục trong năm.

Theo đánh giá của ông Hồ Tuấn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Đông, với diện tích khoai lang như trên thì nguồn thức ăn cho dê rất dồi dào và bà con có thể tận dụng để nuôi dê với số lượng có thể lên đến 4.000 con. Đây là điều kiện rất tốt để tăng thu nhập cho nông hộ.

"Năm trước, TƯ Hội Nông dân VN đã tạo điều kiện hỗ trợ 15 hộ nông dân nghèo của xã Thành Đông được vay 300 triệu đồng để nuôi dê. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ đã thoát nghèo và hoàn vốn cho hội để tiếp tục cho những hộ khác vay", ông Dũng chia sẻ.

 

Xem thêm
Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Siết quản lý sâu đầu đen hại dừa

UBND tỉnh Bến Tre vừa có công văn yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa trước dấu hiệu gia tăng.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất