| Hotline: 0983.970.780

Có một nguyên do khách quan mà ta nên nhận biết để đừng quá hoang mang

Thứ Hai 02/04/2018 , 06:50 (GMT+7)

Mẹ cương quyết thu điện thoại để nó ngủ nhưng còn laptop, cũng vậy thôi. Phải có máy tính để học tin, để lấy tư liệu làm bài, để tra Google, để… nó trưng ra rằng...

Cô kính mến!

Dồn dập gần đây tin tức về các vụ tự tử của nam nữ học sinh cấp ba bởi áp lực này khác. Không khỏi hoang mang cô ạ. Cháu có hai đứa con gái, dù nhà chồng hay chồng có khắc khoải con trai, cháu cũng mặc, làm con người thời nào chả khổ, thời nay còn khổ gấp mấy.

Đứa con gái đầu của cháu đang lớp 10 nơm nớp lo, một đứa sắp đầu cấp 2 thăm thẳm cô ạ. Chỉ có trường quốc tế họa may đỡ cái gánh học hành nhưng tiền đâu mà ném con vào quốc tế hở cô?

Hiện thời đứa con gái lớp 5 tạm ổn, cửa lớp 6 không đáng lo mấy. Nhưng đứa con gái lớp 10 quá gian nan với nó cô ạ. Chúng cháu sống chung với bố mẹ chồng, mẹ chồng còn trẻ khỏe, cùng với người giúp việc bà lo hết việc cơm nước nhà cửa, bố chồng còn giúp chăm đứa cháu lớp 5 của ông. Riêng đứa lớp 10 thì cháu cao lớn hơn tuổi, đi học chính học thêm gì cũng xa, cháu và chồng thay nhau đèo đi.

Ăn và học, tiền không nói nữa, vấn đề là tâm sinh lý lứa tuổi của thế hệ con gái khác thế hệ của mình quá nhiều. Việc khác ấy rất dễ hiểu, chúng cháu đi xe đạp học, ăn cơm nguội xong đến trường, không ai phải lo bị đói, bị ngất, bị bắt cóc, bị đủ thứ dọc đường và cả trong trường. Chúng cháu lớn lên thẳng thớm, trong veo. Vào đại học nhẹ tênh, cũng không cần chạy điểm. Ra trường, cũng không chạy việc.

Giờ con cái sống trong tiện nghi, tiện ích mà cứ như là đang sống trong chiến trường. Ra đường - chiến trường, vào học đường – chiến trường (với thầy cô, với bạn học, với cả cái nhà vệ sinh quanh năm tệ hại), đi học thêm - lại ra đường và đối phó với thầy cô (nghỉ học họ oán mà học cô này không học cô kia cũng bị oán), về nhà, một đống bài trong khi đứa học trò ấy luôn bị quyến rũ bởi mạng, phây, nhạc, phim, ảnh…

Khi nào con tắt đèn đi ngủ mẹ mới yên (bố cực nhọc bố ngủ sớm), nhưng mấy lần kiểm tra, nó đối phó chứ có ngủ đâu. Cái gì lôi cuốn nó trên mạng thế cô? Mẹ cương quyết thu điện thoại để nó ngủ nhưng còn laptop, cũng vậy thôi. Phải có máy tính để học tin, để lấy tư liệu làm bài, để tra Google, để… nó trưng ra rằng, một nhóm bạn của lớp được cô phân công làm một đề tài và thay nhau thuyết trình. Bó tay! Cháu biết chắc nó chơi nhiều hơn học mà vẫn phải chịu thua.

Làm sao kiểm sóat con chặt hơn để mình yên tâm cho tới khi nó vào đại học, hở cô?

-----------------------------

Cháu thân mến!

Mới cách đây mấy ngày, cùng với cô học sinh lớp 11 tự tử ở trung tâm quận 1 của Sài Gòn, cô lần đầu tiên thấy một người tự tử ở khu chung cư cũ mèm của cô, người thanh niên này nhảy từ lầu 4 xuống nền xi măng bên dưới, chết ngay. Thật kinh khủng cháu ạ.

Nước mình chưa có thống kê (và có lẽ không biết bao lâu mới có) cho nhiều lĩnh vực xã hội: nạn bạo hành, nạn hiếp dâm, nạn thanh toán nóng và nạn tự tử. Các nước văn minh, họ có nhiều việc cho mọi người, thống kê chia thành những nhóm phân tích: lứa tuổi, giai tầng, lĩnh vực…, từ đó họ đề xuất sự điều chỉnh.

Ví như học sinh tự tử nhiều lên, họ đặt vấn đề ngay: áp lực gì, trường lớp học hành ra sao, học có nhiều không, có gây nặng nề nhàm chán không, và có thể là từ những nguyên nhân khác do gia đình, do môi trường kinh tế, môi trường văn hóa, tóm lại xã hội vai trò cỡ nào và gia đình cỡ nào. Vân vân và vân vân.

Có một nguyên do khách quan mà ta nên nhận biết để đừng quá hoang mang. Đó là thông tin bây giờ rộng khắp, tai nạn hay những việc thương tâm còn được người ta tự đưa lên mạng xã hội. Thế giới không còn bao la, chuyện ở Bắc cực cũng được phim ảnh làm cho chúng ta thích thú. Tóm lại, ở các nước mạnh và giàu như Hàn Quốc, hay ở Bắc Âu thiên đường hạnh phúc đó, người trẻ tự tử vẫn ngày mỗi nhiều.

Câu hỏi ấy được trả lời rằng: nhân loại đông quá, con người sống chật chội và mong manh, cái tôi của họ ghê gớm nên việc họ sống hay chết là quyền của họ, khó can thiệp. Từ đó, thế hệ cha mẹ trẻ đừng lấy thời mình ra so sánh, hồi đó nghèo quá, nghĩa là ăn còn chưa đủ, ai nghĩ gì khác. Giờ quá đủ và dư thừa nữa nên con người nghĩ viển vông hơn, hay lên mà có khi cũng tầm phào đi. Ngoài ra sự học, áp lực học, sự tha hóa trong giáo dục cũng làm chúng rối loạn, trầm cảm, muốn tự hủy.

Rất đông người không dám mơ trường quốc tế cho con, hãy quên khao khát ấy đi. Vẫn là trường công hoặc dân lập nội địa với những áp lực mà chúng ta thuộc lòng. Vậy thì, con đang vị thành niên, bố mẹ nên quên nhiều thứ khác để tập trung cho con trong thời đoạn cụ thể này đã.

 Cùng học với con, cùng lên mạng với con, có người cùng lập Facebook để kết nối với con (thực ra là để biết chúng nghĩ gì, làm gì, viết gì trên đó). Có lẽ phải là những qui định nghiêm khắc nhưng có đối thoại: phòng con không chốt trong, bố mẹ có quyền vào ra (có gõ cửa), ăn tập trung ăn, ngủ đúng giờ để giữ nhịp sinh học có lợi cho sức khỏe và nội tiết…).

Mềm mại và cứng rắn, điều độ và thanh thoát, nghiêm khắc và khoan dung, hiểu biết và vui đùa…Cứ cố đi, cháu nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất