| Hotline: 0983.970.780

Có một ông Sáu Khải trong lòng văn nghệ sỹ

Thứ Ba 20/03/2018 , 15:20 (GMT+7)

Lúc sinh thời, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người giản dị và gần gũi. Giới văn nghệ sĩ quý mến ông, quen gọi ông là “ông Sáu Khải”.

Vĩnh biệt nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, chúng tôi xin giới thiệu đôi lời tâm sự từ phía văn nghệ sĩ về một nhà lãnh đạo đáng kính vừa đi xa!
 

Nhà thơ Triệu Từ Truyền:

Sau tháng 4/1975, tôi làm Phó Chủ tịch Quận 4, còn ông Sáu Khải làm Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch TPHCM. Lần đầu tiên gặp nhau trong một hội nghị, ông Sáu Khải kéo tay tui ra hành lang, rồi chìa một gói thuốc lá và bảo: “Tao nghe danh mày làm thơ từ khi mày còn ở tù Côn Đảo. Mày hút với tao một điếu thuốc, từ nay mình là anh em!”.

16-48-22_trieu_tu_truyen
Nhà thơ Triệu Từ Truyền

Khi chuyển ra Hà Nội làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, ông Sáu Khải đề nghị tui theo ông. Nể lời, tui cũng ra Hà Nội làm Vụ trưởng, cấp dưới của ông. Thế nhưng, sức khoẻ tui không hợp với thời tiết miền Bắc, tui cứ đau bệnh luôn.

Tui lên gặp trực tiếp ông Sáu Khải bày tỏ ý định xin trở lại phương Nam, ông Sáu Khải không chịu. Tui liền chép bài thơ “Tạ từ Hà Nội” mà mình vừa viết, để lên bàn làm việc của ông rồi đi về. Ngay sáng hôm sau, ông Sáu Khải qua tìm tôi, vỗ vai: “Làm quan đã khó, mà làm người còn khó hơn. Thôi, cứ theo ý mày!” Tui ngạc nhiên: “Hôm qua anh cương quyết phản đối mà!?”.

Ông Sáu Khải cười: “Tao không làm được thơ, nhưng tao hiểu thơ đó. Mày đã viết trong bài thơ gửi cho tao, có mấy câu "Anh xin lạy tạ thánh hiền/ Tạ Hà Nội, tạ vô biên cơ đồ/ Tạ hoa, tạ suối, tạ hồ/ Tạ môi, tạ mắt hóa thơ tạ từ" thì tao làm sao ngăn cản mày nổi! Mà nè, không có chuyện xin thôi việc bằng bài thơ nghen. Mày lo thủ tục chuyển công tác đàng hoàng, rồi đưa đây tao ký cho!”.

Tui không tham gia quản lý Nhà nước nữa, cũng ít gặp ông Sáu Khải hơn. Dù vậy, lúc đã làm Thủ tướng thì ông Sáu Khải vẫn thỉnh thoảng tranh thủ dịp công tác miền Nam nào đó, ghé thăm tui. Bao giờ, ông Sáu Khải cũng nói câu đầu tiên là “mày có cần giúp đỡ gì không”, và câu tiếp theo là “mày có viết được cái gì mới không, đọc cho tao nghe”.

Hai điều ông Sáu Khải rất quan tâm, mỗi khi gặp tôi là đời sống của văn nghệ sĩ kháng chiến và tâm tư của văn nghệ sĩ hoạt động tại Sài Gòn trước năm 1975. Với văn nghệ sĩ kháng chiến, thì ông Sáu Khải luôn dặn dò tui hễ thấy trường hợp nào khó khăn hoặc thiếu thốn thì nói cho ông biết, để ông có biện pháp hỗ trợ thoả đáng. Còn với văn nghệ sĩ hoạt động tại Sài Gòn trước năm 1975 thì ông quan niệm rằng, đất nước thống nhất rồi thì không thể để lòng người ly tán, phải hoà hợp và hoà giải ngay từ đội ngũ cầm bút và tri thức. Có gì còn vướng mắc, chưa thấu hiểu nhau, thì tìm cách tháo gỡ thật thiện chí!

Ông Sáu Khải có cốt cách bình dân, không bảo thủ và thành kiến. Vì vậy, ông Sáu Khải không dị ứng với cá tính ngang tàng của văn nghệ sĩ. Gặp ông Sáu Khải, nhiều văn nghệ sĩ góp ý rất chói tai, nhưng ông vẫn ôn tồn lắng nghe, không hề tự ái hoặc lên giọng lãnh đạo cấp cao.

Về mặt cá nhân, tui vẫn nhớ ông Sáu Khải như một người anh tâm giao, những ngày cả hai mới chuyển công tác ra Hà Nội đầu thập niên 80 của thể kỷ trước. Đó là những đêm Hà Nội trở gió, ông Sáu Khải vừa rít thuốc lá mịt mù trong căn nhà công vụ vừa ngâm thơ Lục Vân Tiên hoặc bàn luận về tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Bây giờ, ông Sáu Khải không còn nữa, có điều tui chưa kịp hỏi ông là suốt năm tháng tuổi trẻ đã tham gia cách mạng thì ông lấy đâu ra thời gian mà đọc được nhiều danh tác cũ của miền Nam như vậy!
 

Nhà thơ Dương Đức Quảng:

Tôi làm Vụ trưởng Vụ Báo chí – Văn phòng Chính phủ suốt hai nhiệm kỳ ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, nên được tiếp xúc và làm việc với ông rất lâu. Phải nói, đó là một lãnh đạo có phong cách bình dị nhất mà tôi từng được gặp, cách xưng hô thông dụng nhất của ông Phan Văn Khải với văn nghệ sĩ vẫn là “tao” và “mày” hoặc “tao” và “mi”.

16-48-22_duong_duc_qung
Nhà thơ Dương Đức Quảng chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2004!

Khi đương chức, tôi có in thơ trên báo hoặc in thơ thành tập bao giờ đâu, nhưng không hiểu sao ông lại biết. Trong một lần tôi tháp tùng đoàn công tác của Thủ tướng đi nước ngoài, ông đột ngột hỏi tôi: “Bước ra thiên hạ rộng lớn, mày có cảm hứng mới mẻ gì để sáng tác không?”.

Tôi hơi giật mình, nhưng cũng nghiêm chỉnh đáp: “Thưa Thủ tướng, em thấy có quốc gia quy định đi bên trái là đúng luật, em định viết bài thơ về chuyện này!”. Ông Phan Văn Khải cười khà khà: “Mày là nhà thơ thì phải nhìn khoáng đãng như vậy. Không thể vì mình đi bên phải, mà cho rằng người đi bên trái là sai!”.

Ông Phan Văn Khải rất dị ứng với những gì mang tính hình thức. Và đặc biệt ông rất tự trọng. Tôi còn nhớ Văn phòng Chính phủ sắp xếp Thủ tướng đến gặp gỡ và phát biểu ở một buổi họp văn nghệ sĩ tiêu biểu. Với tư cách Vụ trưởng Vụ Báo chí, tôi xin ý kiến để bố trí soạn thảo bài diễn văn của Thủ tướng. Không ngờ, ông Phan Văn Khải gạt đi với lý do: “Nói bằng ngôn ngữ học thuật thì tôi sẽ gượng gạo, mà nói bằng ngôn ngữ lãnh đạo thì lại không phù hợp. Cứ để tôi đến dự thoải mái và nghe các văn nghệ sĩ bộc bạch suy nghĩ của họ. Nếu có đề xuất nào cấp bách và cần thiết, thì tôi sẽ chỉ đạo tháo gỡ tại chỗ luôn!”.

Ông Phan Văn Khải nghiện thuốc lá. Chính ông cũng thừa nhận đó là tật xấu của mình, nhưng không bỏ được. Mỗi khi ông đứng hút thuốc như một cách thư giãn, mà thấy ai đứng gần gợi chuyện thì ông luôn đưa ra những câu hỏi không dễ trả lời. Có lần, tôi cũng lâm hoàn cảnh tương tự. Thấy ông hút thuốc, tôi tò mò: “Mỗi ngày Thủ tướng hút bao nhiêu điếu thuốc?”. Ông đáp nhanh: “Hút hơn một gói. Giờ đến lượt tao hỏi mày. Dạo này có cuốn sách nào xôn xao dư luận không?”. Tôi kể tên một cuốn đang bị đề nghị thu hồi, ông Phan Văn Khải liền hỏi cụ thể nội dung. Cũng may, tôi có đọc qua nên tường thuật lại được. Hút xong điếu thuốc, ông Phan Văn Khải đề nghị: “Ngày mai mày đưa tao mượn cuốn sách. Tao không đọc để thẩm định hay dở, mà đọc để hiểu lòng dân!”.

Đối với tôi, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà lãnh đạo đáng kính. Ông Khải có cách quan tâm đến mọi người một cách ân cần và lặng lẽ. Suốt hai nhiệm kỳ Thủ tướng, ông Phan Văn Khải luôn ủng hộ hoạt động của văn nghệ sĩ cũng như giới truyền thông. Một vấn đề mà ông luôn nhắc nhở các cơ quan chức năng là phải tôn trọng tự do sáng tác của văn nghệ sĩ, không nghiêm trọng hoá hoặc hình sự hoá các tác phẩm văn học nghệ thuật!

Một con người chân thành và độ lượng

Sau khi rời khỏi cương vị Thủ tướng, ông Phan Văn Khải rất ít xuất hiện trên báo chí.

Ông dành thời gian để làm Chủ tịch Hội khuyến học xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi nơi mình chôn nhau cắt rốn, đồng thời làm Chủ tịch Danh dự Hội khuyến học TPHCM.

Ông Phan Văn Khải rất coi trọng đội ngũ trí thức. Khi đương chức cũng như khi về hưu, được ai gửi tặng sách thì ông đều gọi điện thoại cảm ơn, rất lịch sự và rất cầu thị.

Nhà báo Nguyễn Công Khế kể lại: “Khi tôi làm Tổng biên tập báo Thanh Niên, mỗi khi gặp thì ông Phan Văn Khải đều nói như trách “Mày chống chính phủ vừa phải thôi nghe mậy! Làm báo mà, không phản biện với chính phủ, thì phản biện với ai!”. Ông nói vậy, nhưng ông tỏ ra không thù hằn gì.

Có lần ông phân trần với tôi: “Tụi mầy tính, ông Sáu lớn (ý ông nói đến ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt) ổng mới dám đương đầu với những thách đố lớn, còn tao thì làm được cỡ 70% của ổng là giỏi rồi. Đừng trách tau nhiều…!” 

 

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.