| Hotline: 0983.970.780

Có nên công nhận robot Sophia là công dân?

Thứ Ba 21/11/2017 , 14:45 (GMT+7)

Mặc dù được cho là nhằm mục đích cổ súy các hướng phát triển cho tương lai, nhưng việc Ảrập Xêút công nhận tư cách công dân của người máy Sophia vẫn đặt ra câu hỏi rất nghiêm túc đối với loài người:

Có nên công nhận tư cách công dân của các trí tuệ nhân tạo hay không?

Theo tạp chí Verge chuyên về khoa học và công nghệ của Mỹ, để trả lời câu hỏi nói trên, chúng ta cần biết nhiều điều về robot Sophia.
 

“Lập trình”

Người máy này được chế tạo để có thể hiểu biết và nắm bắt những khía cạnh văn hóa của đời sống con người. Tuy nhiên, dù có thể trao đổi, trả lời phỏng vấn, các câu đối đáp của Sophia dường như vẫn là những câu thoại được lập trình trước dựa vào các từ khóa. (Người dẫn chương trình giải trí nổi tiếng của showbiz Anh, Mỹ - Piers Morgan đã bình luận trong một cuộc phỏng vấn người máy Sophia: “Rõ ràng đây là những câu trả lời được lập trình”).

Robot Sophia

Trước khi thành lập hãng Hanson Robotics, “cha đẻ” của Sophia, David Hanson có thời gian dài làm việc cho hãng phim hoạt hình Walt Disney với vai trò nhà sản xuất các nhân vật được robot hóa và chắc chắn đây là khoảng thời gian ông tích lũy kinh nghiệm sản xuất người máy.

Đột phá lớn nhất của Hanson khi cho ra đời Sophia có lẽ là vì đã tạo ra cái đầu người mô phỏng theo dung mạo bạn gái và cũng là trợ lý phòng thí nghiệm của ông. Từ cơ sở này, ông đã thành lập hãng Hanson Robotics, chuyên bán robot chủ yếu cho các mục đích giải trí. Các robot của Hanson rõ ràng là đầy ắp các công nghệ, nhưng theo bình luận của tạp chí Verge, Hanson là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ phục vụ giải trí và ông ta đã khai thác những quan niệm sai lầm về trí tuệ nhân tạo và robot (cho dù chúng rất hiện đại và tinh vi) để kiếm lời.

Nhưng hãy quay trở lại câu hỏi chính ở đây: thậm chí khi Sophia là một thực thể có năng lực nhận thức ở mức độ nào đó, trao quyền công dân cho robot liệu có phải là việc làm đúng đắn và đáng làm? Nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và các vấn đề đạo đức liên quan Bryson nói “không”, bởi làm vậy thứ nhất là không cần thiết và hơn nữa là làm xói mòn các quan niệm về quyền của con người thực sự đang hít thở không khí.

“Cho phép một trí tuệ nhân tạo trở thành một thể nhân (có quyền do pháp luật quy định) không thể là việc cấp quyền công dân cho robot”, Bryson nói với tạp chí Verge. Theo bà, việc này kéo theo nhiều hệ lụy, ví dụ nó giúp nhiều công ty xóa bỏ nhiều trách nhiệm pháp lý cũng như nghĩa vụ.

Nhưng chuyện công nhận tư cách của trí tuệ nhân tạo không phải là một cuộc tranh luận trừu tượng. Nghị viện châu Âu đã và đang nghiên cứu khả năng trao cho các robot từ cách “người điện tử”.Tuy nhiên, đối với Bryson, việc Ảrập Xêút trao quyền công dân cho robot là việc rất khác thường. Nước này thường xuyên bị chỉ trích vì đối xử tệ đối với lao động nhập cư, những người thường phải làm việc trong điều kiện giống thời nô lệ. Và khi người máy Sophia được trao quyền công dân của Ảrập Xêút, người ta cũng chỉ ra ngay phụ nữ nước này mới chỉ được cho phép lái ô tô vào tháng trước. Bryson thậm chí còn cho rằng quan tâm đến quyền của robot trong trường hợp này còn là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng quyền con người.
 

Cuộc tranh cãi giữa hai ông chủ lớn

Trước khi Ảrập Xêút công nhận quyền công dân của người máy, hai tỷ phú công nghệ người Mỹ đã tranh cãi xung quanh vấn đề mối nguy của trí tuệ nhân tạo đối với loài người. Elon Musk, ông chủ hãng ô tô điện hàng đầu thế giới Tesla và nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã tham gia một cuộc tranh luận công khai về trí tuệ nhân tạo. Theo Guardian, Musk mô tả kiến thức của ông chủ Facebook về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là “hạn hẹp” sau khi Zuckerberg công khai bác bỏ nhận của Musk về ngày tận thế do trí tuệ nhân tạo mang tới là “không thể tránh khỏi”.

10-55-50_mrk
10-55-50_4200
Zuckerberg và Musk có quan điểm khác nhau về trí tuệ nhân tạo (Ảnh: Guardian/wired)

Cuộc tranh luận do Musk khởi xướng hồi đầu tháng 7 vừa qua, khi ông một lần nữa kêu gọi cho ra đời các quy định về trí tuệ nhân tạo vì ông tin các robot trong tương lai sẽ “tạo ra một mối nguy rất lớn đối với sự tồn tại của nền văn minh”.

Phát biểu trước các vị thống đốc một số bang của nước Mỹ, Musk cho rằng mối nguy hiểm tiềm tàng “không phải là quá xa vời và chỉ trong trí tưởng tượng”, và các vị cần xúc tiến các quy định về trí tuệ nhân tạo.

“Tôi liên tục cảnh báo, nhưng cho đến khi robot xuống đường và giết người, dân chúng không biết phải ứng xử ra sao, bởi vì mối nguy này có vẻ không có thật”, ông chủ hãng Tesla và SpaceX nói. Elon Musk trong nhiều năm qua đã lên tiếng về vấn đề trí tuệ nhân tạo, rằng rồi con người sẽ trở thành “công dân hạng hai” trên hành tinh.

Nhưng khi được hỏi về ý kiến của Musk, Zuckerberg nói: “Tôi có quan điểm khá rõ về vấn đề này. Tôi là người lạc quan. Và tôi nghĩ tôi không hiểu người ta nghĩ ra kịch bản ngày tận thế đó để làm gì. Nó thực sự là tiêu cực và trong một phạm vi nào đó, đó là những suy nghĩ và phát ngôn thiếu trách nhiệm”. “Một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho đến nay là tai nạn xe hơi và nếu anh làm được việc đó với trí tuệ nhân tạo, đó thực sự là tiến bộ vượt bậc”, Zuckerberg nói.

Một ngày sau đó, Musk lên Twitter và viết: “Tôi đã nói chuyện với Mark về vấn đề. Hiểu biết của anh ta về trí tuệ nhân tạo rất hạn hẹp”.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.