| Hotline: 0983.970.780

Có nên nghe theo ý mẹ?

Thứ Hai 21/10/2013 , 12:56 (GMT+7)

Khi tôi mới có mấy tháng tuổi thì bố tôi mất bởi một tai nạn giao thông. Từ đó, mẹ ở vậy nuôi tôi cho tới hôm nay.

Ảnh minh họa
Khi tôi mới có mấy tháng tuổi thì bố tôi mất bởi một tai nạn giao thông. Từ đó, mẹ ở vậy nuôi tôi cho tới hôm nay.

Chính vì bà chỉ có tôi là nguồn an ủi duy nhất nên tôi xác định không để bà buồn, thất vọng điều gì. Nghĩ vậy nên tôi đã lao vào học tập, quyết chí thành đạt. Năm nay, tôi 32, là tiến sĩ, trưởng một phòng lớn nhất của cơ quan. Tôi cũng được kết nạp vào đảng. Vị giám đốc nói sắp tới sẽ bổ sung thêm một phó giám đốc, tôi sẽ được đề bạt vào cương vị này, phụ trách phần chuyên môn.

Vậy là con đường công danh sự nghiệp đang mở ra thênh thang, rất thuận lợi và hứa hẹn nhiều tốt đẹp. Có người mẹ tuyệt vời, hy sinh tất cả cho mình, công việc, sự nghiệp lại quá may mắn, tươi sáng, tưởng chẳng có gì phải nói nữa. Vậy mà tôi lại đang gặp phải bế tắc vô phương cứu chữa. Mấy tháng nay, tôi gầy đi mất 3 cân do suy nghĩ, buồn phiền.

Tuy được không ít cô gái trẻ, đẹp, “để ý” nhưng cuối cùng, cách đây 3 năm, khi đã ở tuổi 29, tôi yêu say đắm Như - hơn tôi 3 tuổi và đã có hai con. Lúc đầu, mẹ tôi phản đối quyết liệt. Nhưng vì thương tôi mà cuối cùng, sau rất nhiều lần thuyết phục, bà đã miễn cưỡng đồng ý.

Như có đầy đủ phẩm chất của một phụ nữ truyền thống (công, dung, ngôn, hạnh). Song, cô không gặp may trong tình duyên, đã lấy phải người chồng mắc chứng rượu chè và gia trưởng, thô bạo. Cô nói là lúc quen biết, không thấy anh ta như thế. Không thể chịu đựng, Như đã ly hôn. Tòa xử cho anh ta nuôi cả hai đứa con vì Như chấp nhận ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, cùng đồng lương hạn hẹp của một nhân viên Nhà nước.

Tôi yêu Như tưởng như ngoài cô và mẹ mình, chẳng có gì còn ý nghĩa trên đời. Ngay cả cái sự nghiệp đầy hứa hẹn, tôi cũng có thể từ bỏ nếu phải đánh đổi để có được cô. Lúc đầu, ai cũng khuyên tôi chớ “đâm đầu vào bụi rậm” trong khi đường quang lại không đi. Họ còn nói trước mắt hai đứa con do bố chúng nuôi, nhưng sau này không thể không trở về với mẹ. Rồi cũng phải sinh thêm con. Cuộc sống gia đình sẽ vô cùng phức tạp. Song tôi đã bỏ qua tất cả.

Không phải là tôi không nghĩ đến điều đó. Nhưng tôi tin ở Như, ở bản thân vì chúng tôi đều không ích kỷ và rất yêu thương nhau. Không có lý do gì để đầu hàng hoàn cảnh, để rời bỏ nhau, sống bất hạnh chỉ vì hai đứa con riêng của cô. Chính tôi khuyên cô hãy giành lấy việc nuôi con, hoặc ít nhất phải có một đứa ở bên, tôi sẽ coi nó như mình đẻ ra.

Nhưng Như nói tòa án không chấp nhận vì cho rằng Như không đủ điều kiện để có thể nuôi con (thu nhập thấp, không có nhà ở). Vì quá tủi cực với cuộc sống hiện tại, cô buộc phải tạm thời chấp nhận để nhanh chóng thoát khỏi chốn “tù ngục” do người chồng tệ bạc gây nên. Sau này, chắc chắn cô vẫn sẽ có chúng.

Về làm vợ, làm dâu, Như càng bộc lộ mọi phẩm chất tốt đẹp, khiến mẹ tôi, từ chỗ bị gượng ép mà chấp nhận đến chỗ trở nên quý và thương cô. Điều này khiến tôi rất vui. Nhưng cưới nhau đã hơn một năm mà vợ tôi vẫn không có thai. Điều này khiến mẹ tôi buồn phiền. Bà giục chúng tôi đí khám.

Đến bệnh viện, người ta kết luận cả hai đều không sao. Khi tôi và mẹ đang sốt ruột thì Như có thai. Cả nhà kéo nhau ra nhà hàng liên hoan một bữa để “ăn mừng”. Nhưng đến tháng thứ ba, Như bị sảy thai, sau cú trượt chân cầu thang, bị ngã ngồi, chỉ hơi đau. Mẹ tôi nói : “Cái số nó vô phúc. Ngày xưa có thai con, mẹ hai lần ngã xe đạp mà có sao đâu. Nay chỉ ngã nhẹ, vậy mà sảy”. Nghe mẹ nói vậy, tôi hiểu là bà lại trỗi dậy sự thất vọng về đứa con dâu.

Tôi an ủi, động viên cả vợ và mẹ. Nhưng mệt hơn là đối với mẹ. Suốt ngày bà cứ thở dài thườn thượt, ngay cả trước mặt Như khiến cô càng não ruột. Tôi cố gắng đêm ngày bồi bổ sức khỏe cho vợ. Và mấy tháng sau, thật may mắn, cô đã có thai trở lại. Mẹ tôi mừng rỡ. Nhưng trong nỗi mừng ấy tôi đọc được sự không yên tâm của mẹ. Đúng như vậy, bà luôn dặn con dâu: “Đã sảy một lần thì rất dễ sảy lần thứ hai. Con phải đặc biệt giữ gìn, chỉ đi lại nhẹ nhàng trong nhà. Mọi việc cứ để mẹ làm”.

Trong một lần, tôi đi làm, mẹ tôi đi lễ chùa, Như ở nhà đã tìm cách đến thăm đứa con nhỏ do cô quá nhớ nó. Đến tối trở về, cô ra rất nhiều máu, phải cấp cứu bệnh viện. Và thế là lần thứ hai lại bị sảy. Mẹ tôi về, biết chuyện, đã vô cùng tức giận khi Như không nghe lời bà, mà lại về thăm con riêng. Bà cho rằng cô đã không toàn tâm toàn ý với nhà chồng mới.

Lần này, mẹ tôi tỏ rõ sự bất cần, không còn giữ được bình tĩnh. Bà nói: “Không biết kiếp trước tôi thế nào mà sao kiếp này vô phúc. Thằng con trai độc nhất của tôi cũng vô duyên. Tốn bao công sức, tiền của để cố giữ bằng được mà cuối cùng chị vẫn coi thường. Chúng tôi chẳng còn gì để nói với chị...”.

Sau đó, vợ tôi về phòng, khóc. Ngày hôm sau đi làm về, tôi đọc thư Như ghi lại. Cô đã bỏ đi và đề nghị tôi không tìm. Cô còn gửi lại đơn xin ly hôn đã ký sẵn một bên. Với tính cách của Như, tôi biết cô hành động sau khi đã nghĩ kỹ chứ không phải là sự giận dỗi.

Vậy tôi có nên nghe theo mẹ mà chấp nhận đề nghị của vợ tôi? Thú thực là nếu vậy, tôi rất thương Như và đau khổ vì tình yêu của tôi đối với cô vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng đi tìm cô để đón về thì mẹ tôi không chấp nhận vì sau khi đọc thư cô để lại, bà dứt khoát yêu cầu tôi ký đơn ly hôn. Tôi quá bế tắc, không biết xử sự ra sao.

(Phùng Quốc Tuấn - Bộ Khoa học và Công nghệ)

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

Vợ anh đòi ly hôn đúng là do hai nguyên nhân: Vừa thương anh, vừa đáp ứng mong muốn của mẹ chồng. Nhưng bị sảy thai lần thứ hai, không có nghĩa là cô ấy tuyệt đường con cái. Anh hãy hết lòng thuyết phục mẹ là nếu bỏ vợ, anh sẽ hoàn toàn suy sụp và lương tâm sẽ cắn rứt suốt đời.

Mẹ anh sẽ chỉ giận anh một thời gian, cả hai khéo ăn ở và quyết tâm “tổ chức” thai lần thứ ba thành công, chắc mẹ anh sẽ quên hết mọi chuyện thôi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?