| Hotline: 0983.970.780

Có nên nuôi tôm thẻ vùng nước ngọt?

Thứ Năm 17/08/2017 , 15:05 (GMT+7)

Từ năm 2015 đến nay, nông dân một số xã ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp đã bỏ tôm càng xanh chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. 

Mặc dù ngành chức năng không khuyến khích, song đến nay toàn huyện đã có tới 149,3ha tôm thẻ.

08-49-11_nh_1_bt_chp_khuyen_co_nguoi_dn_chuyen_sng_nuoi_tom_the
Vùng nuôi tôm càng xanh trước đây giờ phần lớn đã được chuyển sang nuôi tôm thẻ

Ông Hứa Văn Điển, xã Phú Thành B cho biết, gia đình ông chuyển sang nuôi tôm thẻ và đã có 4 vụ thành công. Tôm càng xanh trước đây chỉ nuôi lời được một, hai vụ sau đó thì toàn lỗ, nợ ngân hàng trên 1 tỷ đồng. Cuối năm 2015, thấy một số hộ xung quanh chuyển sang nuôi tôm thẻ thành công nên ông chuyển sang nuôi thử, lúc đầu là nuôi ghép với tôm càng xanh sau đó mới chuyển hẳn sang tôm thẻ, chỉ sau hơn 1 năm nuôi đã trả gần dứt nợ ngân hàng.

Để nuôi tôm thẻ, người dân phải “thuần” con giống trên bể hoặc trong ao nhỏ (khoảng 15 ngày) trước khi thả xuống nuôi và cung cấp đủ lượng khoáng nên con giống phát triển tốt ở vùng nước ngọt mà không cần sử dụng nước giếng.

Nhiều nông dân cũng cho biết, so với nuôi tôm càng xanh, nuôi tôm thẻ có năng suất và giá cao hơn, trong khi thời gian nuôi chỉ hơn 2 tháng nên dễ xoay vòng vốn.

“Tôm thẻ thường chỉ nuôi khoảng 55 - 60 là cho thu hoạch với sản lượng trung bình khoảng 1,5 - 1,6 tấn/ha, giá bán 100 - 120 ngàn đồng/kg, lãi khoảng 75 - 80 triệu đồng, trong khi nuôi tôm càng xanh phải chia nhiều đợt thu hoạch, giá bán không cao”, ông Phạm Văn Tiễn, xã Phú Thành B cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho hay, sau khi UBND tỉnh có công văn không cho người dân khoan giếng nuôi tôm thẻ vùng nước ngọt, địa phương đã tiến hành rà soát và trám lấp toàn bộ giếng khoan dùng lấy nước nuôi tôm trước đó, với số lượng từ năm 2016 đến nay là 63 giếng.

Quan điểm của huyện là không khuyến khích tăng diện tích nuôi và khoan giếng lấy nước. Huyện đề xuất với Sở NN-PTNT cho thử nghiệm mô hình nuôi tôm thẻ nước ngọt tại một hộ trên địa bàn xã Phú Thành B. Sở cũng đã tổ chức hội thảo để đánh giá về hiệu quả của mô hình, tuy nhiên vẫn chưa ngã ngũ việc cấm nuôi hay không. Về lâu dài địa phương kiến nghị có đề tài nghiên cứu sâu về tác động của con tôm thẻ đối với vùng nước ngọt để có cơ sở đánh giá cũng như trả lời bà con…

08-49-11_nh_2_bt_chp_khuyen_co_nguoi_dn_chuyen_sng_nuoi
Chuyển sang nuôi tôm thẻ, gia đình ông Hứa Văn Điển đã trả gần hết nợ ngân hàng

Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, quan điểm của ngành là không cấm nuôi tôm thẻ mà đưa tôm thẻ vào loại vật nuôi quản lý có điều kiện. Trong đó, các điều kiện cụ thể đó là, quản lý những nơi đã nuôi không vi phạm các điều kiện về vùng nuôi, không khoan giếng, rải muối tác động làm cho nước lợ… Nếu đảm bảo đủ các điều kiện này thì sẽ xem xét.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, khi chưa có nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực nghiệm chính xác về vấn đề này thì việc phát triển tôm thẻ vùng nước ngọt là không đúng quy định. Tỉnh sẽ kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN-PTNT có nghiên cứu đánh giá việc nuôi tôm thẻ vùng nước ngọt. Trước mắt phải quản lý chặt việc nuôi tôm thẻ theo hiện trạng có sự đánh giá của các ngành chức năng.

Xem thêm
Người nuôi thủy sản Thái Bình chuẩn bị kỹ cho vụ nuôi mới

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang khẩn trương cải tạo hệ thống ao đầm, lồng bè…, sẵn sàng thả nuôi vụ mới vào tháng 4.

Thừa Thiên - Huế đề xuất đầu tư 350 tỷ đồng cho hạ tầng nghề cá

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất bổ sung 350 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá địa phương, góp phần nâng cao năng lực ngành thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU

TIỀN GIANG Khai thác hải sản là nghề truyền thống của ngư dân thị trấn Vàm Láng. Thời gian qua, người dân khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU.