| Hotline: 0983.970.780

Có nên tố giác?

Thứ Hai 22/07/2013 , 11:07 (GMT+7)

Đang đi xe máy trên đường, tôi thấy một người đàn ông đèo một đứa bé đi trước tôi chừng mấy trăm mét dừng lại, tát đứa bé rất mạnh rồi hất nó xuống vệ đường.

Đang đi xe máy trên đường, tôi thấy một người đàn ông đèo một đứa bé đi trước tôi chừng mấy trăm mét dừng lại, tát đứa bé rất mạnh rồi hất nó xuống vệ đường. Tôi tiến đến gần thì thấy người đàn ông mặt hầm hầm, có vẻ rất bực tức.

Đó là một cháu gái chừng 5-6 tuổi, mặt mũi khôi ngô. Nó khóc mếu máo trông rất tội nghiệp. Từ lỗ mũi nó, chảy ra ít máu. Người đàn ông phóng vù đi, miệng còn lẩm bẩm chửi rủa đứa trẻ. Tôi vội dừng xe, rút khăn lau máu cam cho nó.

- Ông ấy là bố cháu à? Sao cháu bị đánh?

- Không. Ông ấy ở với mẹ cháu, cháu gọi là bác. Cháu đòi ở chơi thêm nhà bạn, ông ấy bắt cháu về và đánh.

Vậy người đàn ông kia là bố dượng đứa bé. Tôi nói nó chỉ nhà để đưa về tận nơi. Trên đường về nhà nó, tôi cứ nghĩ mãi về người đàn ông vì thấy quen quen, mà không thể nhớ ra.

Hình như người này mình đã gặp ở đâu trong đời? Khi tới nhà đứa bé, tôi chỉ thấy một người đàn bà ngồi quay lưng ra sân đang cho một đứa trẻ bú, không thấy người đàn ông đâu.

- Nhà cháu đây rồi. Kia là mẹ cháu.

Nghe tiếng nó, người đàn bà quay ra. Tôi sững người trong giây lát. Đó chính là Đào- người vợ đầu tiên của tôi.

Cách đây 20 năm, chúng tôi lấy nhau không từ tình yêu mà do hai bên gia đình sắp đặt. Càng ở với nhau, chúng tôi càng nhiều khác biệt dẫn đến mâu thuẫn. Sau 3 năm chung sống, không có con, chúng tôi chia tay.

Cách đây 5 năm, tôi nghe tin Đào lấy chồng, sinh được đứa con gái. Thì ra đứa bé bị đánh này là con riêng của Đào với người chồng thứ hai. Chắc cũng không ở được, cô đã đến với người chồng thứ ba, và đứa trẻ đang bú kia là con với người chồng hiện tại.

Đào mời tôi vào nhà, cô đặt đứa trẻ đã ngủ vào nôi rồi hỏi đứa lớn:

- Sao má có máu thế này?

- Ông ấy đánh con.

- Tổ sư nó chứ. Lại đánh con bé.

Nghe Đào chửi chồng quá tự nhiên khiến tôi nghĩ rồi cô ta lại phải lấy đời chồng thứ tư cũng nên.

Đào rót nước mời tôi uống. Cô kể qua cho tôi nghe cuộc đời mình từ khi chia tay tôi. Sau đó, cô vướng vào một người đàn ông giàu có, nói ngon ngọt nhưng máu me trai gái. Anh ta sau khi có con thì bỏ bễ, chạy theo hết cô này đến cô khác khiến Đào không thể ở.

Đời chồng này, Đào chỉ chung sống được 5 năm. Sống độc thân một thời gian, cô gặp người đàn ông hiện tại. Sống ở Quảng Ninh mãi không giàu lên được, cả hai người tính chuyện bỏ vào Tây Nguyên sinh sống. Anh chồng này cũng lo được cho Đào, nhưng có tính nóng, vũ phu.

Điều cô phải chịu đựng khi sống với anh ta là đứa con gái riêng của Đào thường xuyên bị anh ta đánh, mắng. Cũng thương con nhưng không còn chỗ nào bấu víu nên cô đành phải chịu đựng, chấp nhận sống với anh ta được ngày nào hay ngày ấy. Hiện tại một mình anh ta kiếm tiền để nuôi ba mẹ con nên anh ta có đánh đập con riêng của mình, cô cũng không dám phản ứng.

Trong khi nghe Đào kể về cuộc đời mình, đầu óc tôi hoàn toàn không tập trung mà cứ bị chi phối vào hình ảnh người chồng của cô vì nghĩ mãi không nhớ ra là đã gặp ở đâu.

- Ông xã của cô người ở đâu? Hiện làm nghề gì?

Tôi thấy Đào để lộ sự lúng túng, trả lời cho qua chuyện:

- Cùng quê ngoài Bắc. Hiện tại đi làm thuê. Ai cần việc gì thì làm.

Giữa lúc đó, người đàn ông là cha dượng đứa bé gái 5 tuổi phóng xe máy lao từ ngoài đường, qua ngõ, vào cổng. Nhìn thấy chiếc xe máy của tôi để ở sân, anh ta tạt vào nhà bếp lấy gì đó rồi lại phóng xe đi ngay, không lên nhà.

Tôi kịp nhìn ra, thấy rõ mặt anh ta. Và bây giờ tôi đã nhận ra. Đó chính là kẻ cùng sống ở thị xã Hòn Gai với tôi 20 năm về trước (bây giờ là thành phố Hạ Long), đã đánh trọng thương một người cùng cơ quan tôi, phải vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng sau đó đã tử vong do vết thương quá nặng.

Ngay sau khi nghe tin nạn nhân chết, anh ta đã bỏ trốn. Lệnh truy nã ngay lập tức được công an ban bố. Nhưng nghe nói về sau không bắt được thủ phạm. Như vậy là Đào đã lấy kẻ đang bị pháp luật truy tìm làm chồng. Đã 20 năm, kẻ tội phạm vẫn chưa sa lưới. Không hiểu Đào có biết sự thật về chồng mình không? Hay là vì biết mới lên kế hoạch bỏ vào tận đây làm ăn, hòng lẩn tránh pháp luật?

Không biết lúc này, anh ta có nhìn rõ, có nhận ra tôi không? Tôi có cảm giác anh ta chưa nhìn thấy, nhưng theo phản xạ tự nhiên, để giữ sự an toàn tuyệt đối, anh ta tránh gặp người lạ. Những kẻ sống chui lủi thường như vậy. Bần cùng bất đắc dĩ lắm họ mới phải tiếp xúc với người lạ.

Gặp lại Đào trong một hoàn cảnh khá hiểm nghèo: Chồng bị truy nã, kinh tế quá eo hẹp. Tuy ngay từ đầu không có tình yêu như đã nói, nhưng dẫu sao chúng tôi đã có 3 năm là vợ chồng, đầu gối tay ấp. Tôi và chồng cô hiện tại cũng chẳng có thù oán gì.

Sau một tháng, tôi trở ra Quảng Ninh, nhưng vẫn ám ảnh mãi cuộc gặp gỡ không mong đợi này. Trong đầu tôi vẫn luôn diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng về việc có nên tố giác anh ta không. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng tôi quyết định lờ việc gặp lại anh ta ở đây- một tỉnh ở Tây Nguyên.

Tôi biết là nếu tố cáo anh ta với cơ quan công an, tôi còn được thưởng. Nhưng lương tâm không cho phép tôi nỡ làm việc đó. Vẫn biết như vậy là vi phạm pháp luật vì không tố cáo tội phạm nhưng tôi không thể làm khác. Sẽ chẳng ai quy kết tội vì cứ coi như tôi không biết gì về tung tích anh ta.

Tôi làm vậy chỉ vì một ý nghĩ duy nhất: Nếu anh ta bị bắt, chắc chắn tội không nhẹ, rất có thể bị tù chung thân. Và như vậy, ba mẹ con Đào sẽ sống ra sao khi không còn chỗ dựa?

(Một người đàn ông đề nghị được giấu tên đang ở thành phố Hạ Long- Quảng Ninh)

 

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

Về mặt luật pháp, anh đã vi phạm điều 247 Bộ luật Hình sự của nước ta quy định về tội không tố giác tội phạm. Nhưng xét về mặt đạo lý, thì việc làm của anh xuất phát từ tấm lòng nhân hậu đối với người vợ cũ hiện đang có cuộc sống rất gieo neo, khó khăn.

Anh có thể không bao giờ nói cho ai biết cuộc gặp lại người đàn ông đang bị truy nã. Nhưng tốt nhất là khuyên cô Đào nói chồng chủ động ra đầu thú để được nhẹ tội. Còn thì trước sau, anh ta cũng bị bắt mà thôi. Khi ấy, tình hình của cô Đào sẽ lại càng bi đát.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?