| Hotline: 0983.970.780

Cỏ ngọt hoá... đắng

Thứ Năm 16/09/2010 , 10:19 (GMT+7)

Được kỳ vọng vì có giá trị kinh tế rất cao nhưng cỏ ngọt đem về trồng thử nghiệm tại Bắc Giang đang chết hàng loạt.

Cỏ ngọt (còn gọi là cỏ đường, cỏ mật...) là loại cây trồng lấy đường có độ ngọt gấp tới 30 lần so với độ ngọt của đường mía. Loại cây này có nhiều hữu ích trong ngành dược liệu, đồng thời là cây trồng có giá trị kinh tế rất cao. Kỳ vọng là thế nhưng cỏ ngọt đem về trồng thử nghiệm tại Bắc Giang đang chết hàng loạt. 

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, cỏ ngọt là loại cây trồng có sẵn ở nước ta từ lâu, tuy nhiên trước đây Việt Nam dường như chưa để ý nhiều đến loại cây trồng này do chưa có điều kiện nghiên cứu về công dụng, hiệu quả kinh tế... Cách đây 10-15 năm, cỏ ngọt cũng từng đã được một số trung tâm nghiên cứu đưa vào trồng thử nghiệm, song do thị trường tiêu thụ, công nghệ chế biến chưa có nên bẵng đi một thời gian dài, loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao này bị bỏ quên.

Gần đây, được sự đồng ý của Cục Trồng trọt, Cty Cổ phần Stevia Ventures (địa chỉ chính tại quận Hoàng Mai - TP Hà Nội) đã hợp tác với thị trường Mỹ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc... NK cây cỏ ngọt giống mới về Việt Nam để mở rộng vùng nguyên liệu. Từ năm 2009 đến nay, Cty Stevia Ventures đã tiến hành NK giống và hợp tác với nông dân trồng thử nghiệm tại một số tỉnh như Bắc Giang, Thái Bình, Sơn Tây, Hoà Bình, Hưng Yên... Theo dự kiến, khi vùng nguyên liệu còn ít, cỏ ngọt sẽ được Cty Stevia Ventures ký hợp đồng thu mua và sấy khô để bán nguyên liệu sang các đối tác nước ngoài.

Cũng theo Cty này, khi vùng nguyên liệu ổn định và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu, đối tác nước ngoài sẽ đầu tư liên doanh với Cty Stevia Ventures xây dựng NM chiết xuất đường Steviol từ cỏ ngọt ngayViệc mở rộng phát triển vùng nguyên liệu cỏ ngọt do Cty Stevia Ventures đầu tư đã được nhiều địa phương hưởng ứng. Đặc biệt tại Bắc Giang, tháng 6/2010, UBND tỉnh này đã phê duyệt dự án "Ứng dụng tiến bộ KHKT phát triển vùng nguyên liệu cỏ ngọt phục vụ nhu cầu trong nước và XK". Đây cũng là đề tài khoa học do Sở KHCN tỉnh Bắc Giang chủ trì thực hiện với nguồn kinh phíngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh hỗ trợ gần 1 tỉ đồng. tại Việt Nam.

Từ đầu năm 2010 đến nay, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng mô hình SX cỏ ngọt làm giống và thương phẩm với quy mô 15 ha tại các huyện Hiệp Hoà, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng và Việt Yên... Kết quả bước đầu tại các mô hình thử nghiệm, cỏ ngọt đã cho thu hoạch được 2- 4 lứa với sản lượng khá cao (trung bình trên 1,5 tạ/sào/lứa). Tuy nhiên gần đây, đáng buồn là đã có khá nhiều diện tích cỏ ngọt trồng thử nghiệm ở Bắc Giang đã bị chết, gây thiệt hại lớn cũng như làm mất niềm tin của nông dân.

Tại xã Lương Phong (huyện Hiệp Hòa), đầu năm 2010, Cty Stevia Ventures đã ký HĐ với 26 hộ dân thôn Sơn Quả trồng cỏ ngọt trên diện tích hơn 2,6 mẫu. Tuy nhiên đến thời điểm này, phần lớn diện tích cỏ ngọt đều đã bị chết nên nông dân đã chuyển sang trồng ngô, lạc... Hiện chỉ còn 2-3 hộ dân giữ ruộng cỏ còn sống sót nhưng cỏ hồi phục phát triển kém. Các diện tích cỏ ngọt còn được trồng tại xã Thường Thắng (huyện Hiệp Hòa) cũng như tại các địa phương khác ở tỉnh Bắc Giang, tình trạng cỏ ngọt bị chết cũng diễn ra khá nghiêm trọng.

Ông Đoàn Văn Kha (xóm Thượng, thôn Sơn Quả), một trong những hộ tham gia ký HĐ trồng cỏ ngọt với diện tích 8 thước cho biết: Theo HĐ với Cty Stevia Ventures, nông dân được Cty hỗ trợ 100% giống cỏ, 70% chi phí phân bón trong quá trình chăm sóc. Khi cỏ cho thu hoạch, Cty sẽ bao mua với giá cam kết 15 nghìn đồng/kg cỏ tươi. Theo ông Kha, cỏ ngọt có ưu điểm dễ trồng, dễ chăm bón, không kén đất. Thời gian từ khi trồng cây con tới lúc cho thu hoạch khoảng 45 ngày. Sau khi thu hoạch, không phải trồng mới mà để nguyên gốc để cỏ chồi lứa mới. Bình quân mỗi lứa thu hoạch cách nhau khoảng 25 ngày.

Theo nông dân thôn Sơn Quả, năng suất cỏ ngọt trồng thử tại đây dao động từ 1,3 đến 1,5 tạ/sào/lứa. Ông Đoàn Văn Kha cho biết, 8 thước trồng cỏ ngọt của ông từ đầu năm 2010 đến nay đã thu được 3 lần, tổng cộng được hơn 1 tạ cỏ tươi. Cỏ bán lại cho Cty Stevia Ventures với giá 15 nghìn đồng/kg, tương đương gần 2 triệu đồng. Đây là thu nhập rất cao so vơi trồng lúa nên bà con tham gia trồng thử nghiệm rất ủng hộ. Tuy nhiên ông Kha cho biết, gần đây, không chỉ ruộng cỏ ngọt của ông mà của các hộ khác trong thôn cũng đồng loạt chết sạch nên đành phải phá bỏ chuyển sang trồng lạc.

Mặc dù là một dự án khảo nghiệm khoa học giống cây trồng, đáng ra phải được giao cho ngành nông nghiệp chủ trì thực hiện, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi tại Bắc Giang, cơ quan chủ trì thực hiện các mô hình trồng cỏ ngọt lại do Sở KH-CN đảm nhiệm. Tại huyện Hiệp Hòa, Phòng Hạ tầng – Kinh tế của UBND huyện được giao làm cơ quan thường trực. Việc cỏ ngọt mắc bệnh chết, ngành BVTV của tỉnh này cũng không thấy vào cuộc.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, một hộ dân trồng cỏ ngọt khác tại thôn Sơn Quả kể lại: sau khi cắt được 3 lứa (khoảng giữa tháng 8/2010) thì cây cỏ bắt đầu đen sì, lá xoăn tít, nứt răng cưa... Thân và lá đều rất giòn, đụng nhẹ vào là gẫy. Sau một thời gian, các ruộng cỏ ngọt tàn lụi dần. Mặc dù nông dân nghe theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của Cty Stevia Ventures mua nhiều loại thuốc kích thích tăng trưởng, trừ nấm... về phun nhưng đều không có tác dụng. Theo thống kê của UBND xã Lương Phong, diện tích cỏ ngọt bị chết, không cho thu hoạch lên tới hơn 1 mẫu. Diện tích còn lại hơn 1,5 mẫu cho thu hoạch được 2-3 lứa, nhưng hiện tại cũng đã bị chết gần hết.

Trước tình hình cỏ ngọt bị chết hàng loạt, Cty Stevia Ventures cùng UBND huyện Hiệp Hòa đã tiến hành kiểm tra. Theo nhân viên kỹ thuật của Cty Stevia Ventures, nhận định ban đầu cỏ ngọt bị chết chủ yếu là do 2 bệnh: bệnh Acute anthrax do nấm Antharax gây ra và bệnh đốm thân do nấm Phytophthore Capsici gây ra. Ngoài ra, các nhân viên kỹ thuật cũng nhận định: cỏ ngọt là loài không ưa nước, tuy nhiên sau đợt mưa lớn vì ảnh hưởng của cơn bão số 3 (giữa tháng 8/2010) đã khiến đất trồng cỏ bị úng nghiêm trọng khiến cỏ bị chết.

Tuy nhiên, đây mới là nhận định ban đầu của cán bộ Cty Stevia Ventures. Nông dân trồng cỏ ngọt đang rất cần các nhà khoa học cũng như cơ quan Bảo vệ thực vật vào cuộc làm rõ.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất