| Hotline: 0983.970.780

Cơ sở nào để bón phân theo phương pháp so màu lá lúa?

Thứ Sáu 16/01/2015 , 09:30 (GMT+7)

Bón phân theo bảng so màu lá lúa sẽ có lợi là tiết kiệm được phân bón, giảm được số lần phun thuốc (vì không bón quá thừa phân đạm), nâng cao chất lượng hạt thóc.

Bón phân theo phương pháp so màu lá lúa dựa trên cơ sở khoa học là: Cây lúa muốn có năng suất cao thì cần phải có cường độ quang hợp cao. Nhưng cường độ quang hợp lại liên quan chặt chẽ với hàm lượng diệp lục chứa trong lá lúa.

Người ta thấy cường độ quang hợp có tương quan thuận với hàm lượng diệp lục tố. Mặt khác, hàm lượng diệp lục tố lại tỷ lệ thuận với lượng phân bón do lúa hấp thu được. Trong đó chủ yếu là chất đạm (N) và chất Manhê (Mg).

10-02-38_46_ht_to

Như vậy, có thể hiểu rằng phân bón có tương quan thuận với cường độ quang hợp của cây lúa. Các nhà khoa học thấy rằng hàm lượng diệp lục tố trong lá tương quan thuận với cường độ màu sắc của lá. Ứng với màu vàng nhất (màu nhạt nhất) là chỉ số hàm lượng diệp lục thấp nhất. Màu lá xanh đậm nhất tương ứng với hàm lượng diệp lục cao nhất.

Màu lá càng vàng ứng với lúc cây lúa càng thiếu phân N. Bón thêm phân N vào thì màu lá lúa xanh dần lên theo tỷ lệ phân bón vào. Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học thấy rằng cường độ quang hợp tỷ lệ thuận với số lượng diệp lục đến một mức nào đó thì không theo quy luật thuận chiều nữa.

Nghĩa là, nếu ta bón thêm nhiều phân, màu lá có xanh thêm, hàm lượng diệp lục có cao hơn, nhưng cường độ quang hợp vẫn không cao hơn, thậm chí còn giảm xuống. Khi gặt lúa riêng theo từng ô có màu vàng cho đến xanh nhạt, xanh đậm và xanh rất đậm cũng thấy năng suất lúa tăng dần từ những ô lúa có màu xanh nhạt, đến màu xanh đậm. Khi gặt đến các ô có màu xanh rất đậm thì năng suất không tăng thêm mà có xu hướng giảm.

Người ta rút ra kết luận là không phải cứ bón thật nhiều đạm mới có năng suất cao. Cây lúa chỉ có năng lực hút phân đến một mức nào đó là có hiệu quả nhất. Bón thêm sẽ có hại cho cây mà không có hiệu quả cho người trồng lúa. Trong thực tiễn, các giống lúa khác nhau có khả năng đòi hỏi lượng phân khác nhau.

Bón phân theo bảng so màu lá lúa sẽ có lợi là tiết kiệm được phân bón, giảm được số lần phun thuốc (vì không bón quá thừa phân đạm), nâng cao chất lượng hạt thóc, do đó nâng cao được hiệu quả cho người trồng lúa.

Các giống lúa khác nhau có màu sắc lá cũng khác nhau. Bón cùng một lượng phân, có giống cho màu xanh nhạt, có giống có màu xanh đậm hơn. Nhưng các giống lúa cũng đều tuân theo quy luật là khi thiếu phân màu lá vàng, bón phân tăng lên màu lá xanh dần lên. Từ đó người ta đề xuất phương pháp bón phân theo màu lá lúa.

Cách làm: Dựa trên lượng phân bón từ thấp đến cao, ta có được màu lá lúa tương ứng và năng suất lúa để tham khảo. Người ta xây dựng bảng màu tương ứng với kết quả thực nghiệm đó. Người trồng lúa chỉ việc đem theo bảng màu khi đi thăm đồng, đưa bảng màu vào so với màu lá cố định, ví dụ lá thứ 3 kể từ lá trên cùng xuống (Lá trên cùng bao giờ cũng có màu nhạt hơn, vì sinh trưởng chưa hoàn chỉnh) để xem màu lá lúa thật ứng với mức màu nào trong thang đó.

Khi màu lá lúa ứng với thang màu thiếu phân, người trồng lúa phải bón thúc ngay theo khuyến cáo của cán bộ khoa học hay khuyến nông ở địa phương. Còn khi màu lá xanh quá mức, có nghĩa là lúa đã thừa phân, chủ yếu ở đây là thừa phân đạm. Nếu thời kỳ thăm đồng ứng với lúc lúa con gái thì ta không cần phải quá ưu tư.

Nhưng nếu thời kỳ đó thuộc vào giai đọan đòng lúa đã phình to hay sắp trổ thì màu lá quá đậm, bộ lá lúa sẽ mềm yếu, lá sẽ rũ xuống. Lúc đó ta cần phải xử lý bằng cách hoặc rút nước phơi ruộng, hoặc bón thêm phân kali hay tro bếp để kìm hãm bộ lá của lúa xuống.

Nếu không, sâu bệnh sẽ rủ nhau tấn công nhiều. Nếu gặp gió to, lúa sẽ bị ngã rạp xuống, nếu có trổ được lúa cũng sẽ bị lép nhiều, giảm năng suất và có khi mất trắng.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất