| Hotline: 0983.970.780

Có thể sẽ bị phạt

Thứ Ba 07/08/2012 , 10:51 (GMT+7)

Nếu như sau khi xác minh, các giống cỏ đó thuộc danh mục loài xâm hại nguy hiểm, đơn vị đã NK và trồng sẽ phải tiến hành các biện pháp tiêu hủy hoàn toàn...

Cục BVTV khẳng định, ít nhất, sẽ xử phạt hành chính đối với Cty TNHH Xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) – đơn vị đã nhập khẩu “cỏ lạ” bất hợp pháp để trồng trên taluy đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Như báo chí những ngày qua đã phát hiện và phản ánh, từ đầu năm 2012, nhà thầu Trung Quốc là Cty TNHH Xây dựng cầu đường Quảng Tây đã cho NK và trồng đại trà nhiều loại “cỏ lạ” có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc về trồng trên mái taluy tại gói thầu A7, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai khi chưa có các giấy tờ cấp phép NK nào của cơ quan chức năng Việt Nam. Đến nay, nhiều diện tích cỏ đã được gieo trồng và phát triển ổn định.


“Cỏ lạ” được trồng trên taluy đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Sau khi báo chí phản ánh, Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) đã quyết định dừng việc triển khai trồng các loại “cỏ lạ” trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đồng thời, VEC cũng yêu cầu Ban QLDA và tư vấn giám sát của Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai xem xét kỹ các quy định và liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu thêm thông tin và hướng dẫn nhà thầu hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định hiện hành.

Trao đổi với NNVN hôm qua (6/8), ông Đinh Công Chính – Phó trưởng phòng Cây lương thực (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT) – đơn vị trực tiếp quản lí việc cấp phép NK các loại giống cây trồng vào lãnh thổ Việt Nam khẳng định, từ trước ngày 30/7/2012, Cục Trồng trọt không nhận được bất kỳ đơn đăng ký NK hay ủy quyền NK giống cỏ nào từ phía Cty TNHH Xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc). Mãi tới ngày 30/7/2012, Cục Trồng trọt mới nhận được hồ sơ xin đăng ký NK giống cây trồng, do Cty TNHH Xây dựng cầu đường Quảng Tây ủy quyền cho Cty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (Yên Xá, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).

Theo hồ sơ này, Cty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam xin phép Cục Trồng trọt cho NK hai giống hạt cỏ, gồm cỏ Bermuda (Cynodon Dactylon) và hạt đậu săng (Cajanus cajan), với tổng khối lượng là 1.400kg (mỗi loại 700kg). Tuy nhiên, qua thẩm tra ban đầu, do hồ sơ này đang thiếu Văn bản đề nghị của Sở NN-PTNT nơi thực hiện Dự án (Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai) nên hiện tại, Cục Trồng trọt vẫn đang tiến hành hướng dẫn đơn vị xin phép NK hoàn thành thủ tục.

Ông Chính cho biết, theo Thông tư số 88/2011/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2011 của Bộ NN-PTNT quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, các đơn vị muốn NK các loại giống cây trồng không có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép SX, kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phải có sự cấp phép của Cục Trồng trọt. Hồ sơ xin cấp phép NK phải có: Văn bản phê duyệt Chương trình, Dự án đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận và Văn bản của Sở NN-PTNT nơi thực hiện Dự án đầu tư đề nghị cho NK giống để thực hiện Dự án (trừ Dự án sân thể thao).

Theo những thông tin mà ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC công bố, loại thực vật được nhà thầu Trung Quốc đã NK để trồng thử nghiệm trên taluy đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là Bermuda grass (cỏ gà) và Pigeon pea (đậu săng). Nếu thông tin trên là chính xác thì đây là những loại cây không có trong danh mục giống cây trồng được SX-KD tại Việt Nam nên việc đơn vị nhà thầu Trung Quốc cho NK về trồng khi chưa có sự cho phép của Cục Trồng trọt là trái với quy định.

Tuy nhiên, do hiện tại Cục Trồng trọt chưa có mẫu cỏ đã trồng nên chưa thể khẳng định chính xác các giống cỏ đã được NK về trồng có nằm ngoài danh mục giống được phép SX-KD hay không, bởi nhiều giống cây trồng hiện nay còn thuộc sự quản lí NK của nhiều đơn vị (như Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Chăn nuôi…).

Cũng theo ông Chính, đối với các giống cây trồng thuộc diện phải xin phép NK, sau khi có sự cấp phép của Cục Trồng trọt, còn phải có thêm sự cho phép của Cục BVTV để các đơn vị này thực hiện kiểm dịch khi NK về nước. Như vậy, Cục Trồng trọt chỉ thực hiện việc cấp phép NK, còn việc “gác cổng” để kiểm soát dịch hại các sản phẩm giống khi NK về nước là trách nhiệm của cơ quan Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) và cơ quan Hải quan.

Nếu như sau khi xác minh, các giống cỏ đó thuộc danh mục loài xâm hại nguy hiểm, đơn vị đã NK và trồng sẽ phải tiến hành các biện pháp tiêu hủy hoàn toàn, đồng thời phải chịu xử phạt hành chính theo Nghị định 26.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục BVTV. Ông Hồng cho biết, sau khi có thông tin về việc trồng “cỏ lạ” ở đường cao tốc Nội Bài – Lào cai đi qua địa phận tỉnh Lào Cai, ngày 3/8/2012, Cục BVTV đã lập tức chỉ đạo cơ quan Kiểm dịch thực vật Vùng 8 (KDTV - đóng tại TP. Lào Cai) phối hợp với Chi cục BVTV Lào Cai và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra xác minh. Hiện tại, các đơn vị này đang thực hiện kiểm tra thống kê số lượng, diện tích cỏ đã được trồng, đồng thời lấy các mẫu cỏ gửi về Trung tâm giám định của Cục BVTV để xác minh cụ thể về tên, loài cỏ được trồng là gì.

Đối với việc NK cỏ của phía chủ thầu Trung Quốc, ông Hồng khẳng định, cơ quan KDTV Vùng 8 cho biết từ năm 2010 đến nay, không phát hiện bất kỳ lô hàng giống cỏ nào do đơn vị chủ thầu Trung Quốc như đã nêu NK về nước qua cửa khẩu Lào Cai. Việc giống cỏ đó đã được đưa về nước như thế nào, thì phải chờ báo cáo chứng minh nguồn gốc từ phía đơn vị đã NK, nếu họ không chứng minh được, thì có thể khẳng định các lô giống cỏ đã NK về trồng là “hàng nhập lậu”, và chịu sự xử lí theo theo Nghị định 26/2003/NĐ-CP (Nghị định 26) của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và KDTV.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.